Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời với tinh thần xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện đột phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới.
Sáng nay, 16-5, sau phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ quan tâm đến chính sách ưu đãi; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đầu tư...
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: NT
Tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn chứ không phải chỉ để tìm kẽ hở
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đánh giá Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị hàm chứa tư duy đột phá rất lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, giúp các doanh nghiệp kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.
Nhiều cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 68 đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai hay thị trường… với các khu vực kinh tế khác. Điều còn lại là doanh nghiệp sẽ làm gì để có đủ khả năng hấp thụ những nguồn lực hỗ trợ đó của Nhà nước.
Thể chế hóa các chủ trương lớn của Nghị quyết 68, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường một cách tốt nhất.
Bày tỏ sự quan tâm tới quy định mỗi năm cơ quan chức năng không được thanh tra quá một lần với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, ông Tuấn cho rằng điều này phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị.
“Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan thanh tra để đảm bảo làm sao thanh tra chỉ một lần nhưng đầy đủ tất cả các nội dung cần thực hiện” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh cần làm rõ bản chất của cuộc thanh tra đó là như thế nào. “Thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, phát triển chứ không phải để tìm ra những kẽ hở sơ suất không đáng có của doanh nghiệp rồi xử phạt” – theo ông Tuấn.
Ủng hộ cơ chế chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng đại biểu Tuấn cũng cho rằng cần làm rõ hậu kiểm đó là như thế nào. “Cần có phương thức, cách thức thực hiện phù hợp để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng không để sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường mới đi kiểm tra” – ông Tuấn nói.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). Ảnh: QH
Còn đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nhìn nhận các quy định tại dự thảo Nghị quyết khi được ban hành sẽ cởi trói được rất nhiều vấn đề cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, đáng chú ý là quy định tránh hình sự hóa những vi phạm trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ việc. Quy định này vừa bảo đảm nghiêm minh, vừa công bằng, minh bạch và tính nhân văn, không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Đại biểu Tuấn cũng bày tỏ ủng hộ các cơ chế, chính sách gỡ vướng cho các nút thắt về mặt bằng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, các khu vực công nghiệp được thành lập sau ngày nghị quyết này có hiệu lực phải dành 20 ha/khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc 5% diện tích đất đã được đầu tư kết cấu hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghệ cao ở khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đầu tư.
“Đây là điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp phát triển” – theo ông Tuấn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đề nghị cùng với các cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì cũng cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NT
Đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đề xuất cần nâng mức hỗ trợ doanh nghiệp trong 5 năm đầu thay vì 2 năm như dự thảo; nâng mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Bà Vân cho rằng quy định giảm thuế 3 năm từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (áp dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa) không thực sự hiệu quả. Lý giải nguyên nhân, bà Vân nói thời gian đầu các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào xây dựng, đầu tư, phát triển thị trường chứ chưa có lợi nhuận.
“Nếu hỗ trợ từ giai đoạn đầu thì vô hình chung đến khi doanh nghiệp có lãi thì lại hết thời hạn ba năm được hỗ trợ” – bà nói và đề nghị hỗ trợ ba năm từ khi doanh nghiệp phát sinh lãi.
Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh. Theo bà Vân, đây là chính sách được các doanh nghiệp rất mong đợi.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các Nghị quyết 43 về chính sách hỗ trợ 120.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội cho thấy khả năng triển khai rất là thấp, bởi phải qua rất là nhiều thủ tục và lựa chọn đối tượng. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng ngại việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
“Nếu chúng ta gỡ được điểm vướng mắc này sẽ tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp” – đại biểu Trần Thị Vân nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN