Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre cam kết hỗ trợ tổng cộng 10 triệu m³ cát cho dự án Vành đai 3 đoạn qua Hóc Môn. Ảnh: H.P
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 1,4 triệu m3 cát, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 6,6 triệu m3 cát và tỉnh Bến Tre hỗ trợ 2 triệu m3 cát, TTXVN đưa tin.
Hiện nay, công tác cấp phép khai thác cát đã hoàn thành đối với 13 mỏ. Sáu mỏ đã chính thức cung cấp cát cho dự án và dự kiến đến cuối quí 4, sẽ có thêm 4 mỏ hoàn tất thủ tục, nâng tổng số mỏ cung cấp cát lên 10/13.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu, các nhà thầu còn chủ động tìm kiếm cát từ các doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu từ Campuchia và nhận hỗ trợ từ các địa phương, nhằm đảm bảo tiến độ xử lý nền đất yếu và các công việc phụ trợ của dự án.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án sẽ cùng với các nhà thầu và địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ cát mới, điều phối việc cung cấp vật liệu từ các mỏ đã được cấp phép.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, với tổng chiều dài vượt quá 47km, được chia thành 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành khai thác. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố.
Chiều 7-11, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đạt tỷ lệ 99,8% và dự kiến hoàn thành trong tháng 11 năm nay.
Quá trình thực hiện dự án gặp không ít vướng mắc, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nguyên nhân chính là do các vấn đề về sở hữu đất đai với tình trạng chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, hồ sơ pháp lý chồng chéo và nguồn gốc đất trải qua nhiều giai đoạn quản lý khác nhau.
Tại huyện Bình Chánh, nhiều hộ dân sở hữu diện tích đất nhỏ, số tiền bồi thường nhận được không đủ để trang trải chi phí tái định cư, gây ra nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống mới. Trong khi đó, tại thành phố Thủ Đức, tình hình lại càng phức tạp hơn với tỷ lệ đất ở cao, hồ sơ pháp lý rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết và tiềm ẩn nhiều tranh chấp.
Gia Nghi