Qua đó, khẳng định một cách làm sáng tạo, bền vững của địa phương, biến vùng đất này thành miền quê đáng sống, đáng tự hào.
Hạ tầng giao thông đồng bộ tại xã Phong Vân (huyện Ba Vì).
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Những con đường làng tại xã Phong Vân rộng rãi, sạch sẽ và đều được bê tông hóa. Còn tại xã Vạn Thắng, các khu dân cư được quy hoạch gọn gàng, hệ thống xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt được chú trọng, góp phần tạo nên một không gian sống trong lành. Sơn Đà nổi bật với các tuyến đường bích họa đầy màu sắc và những con đường hoa đẹp mắt, hòa quyện cùng cảnh quan khoáng đạt của vùng đất ven sông Đà xanh mát. Đây là 3 địa phương của huyện Ba Vì được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Từ chương trình này, không chỉ cải thiện hạ tầng, mà còn thúc đẩy những thay đổi sâu sắc trong mọi mặt đời sống, từ việc bảo vệ môi trường đến phát triển các mô hình sản xuất bền vững, giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Phong Vân Nguyễn Huy Hoàng cho biết, năm 2024, xã Phong Vân đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với kết quả đạt 100/100 điểm. Đây là niềm tự hào và động lực lớn để xã tiếp tục phát triển.
Cảm nhận về sự đổi thay rõ nét, bà Nguyễn Thị Hoa, người dân thôn Tân Phong 3, xã Phong Vân chia sẻ: “Là người dân Phong Vân, tôi thấy quê hương thay đổi từng ngày. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, cơ sở y tế và trường học khang trang hơn. Tôi rất tự hào về sự phát triển này và mong rằng mọi người cùng chung tay gìn giữ, để xã ngày càng phát triển hơn nữa".
Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, huyện Ba Vì đã duy trì các cuộc giao ban hằng tháng giữa các xã và các ngành liên quan. Các phòng, ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các xã để bảo đảm việc triển khai đúng tiến độ. Hệ thống chỉ đạo từ huyện đến xã được kiện toàn, với các nghị quyết chuyên đề và phân công nhiệm vụ rõ ràng theo từng tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi qua nhiều kênh, từ các bài viết trên trang thông tin điện tử, đến bản tin hằng tháng của Huyện ủy. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự đồng thuận của nhân dân và hiệu quả huy động nguồn lực, phong trào thi đua "Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" đã tạo hiệu ứng tích cực, thay đổi diện mạo nông thôn Ba Vì. Sau 3 năm triển khai, huyện đã huy động được 170 tỷ đồng từ nhân dân. Các hoạt động như sửa chữa 413km đường giao thông nông thôn, trồng mới 45.495 cây xanh, lắp đặt 38.684 đèn chiếu sáng và hiến hàng nghìn mét đất mở rộng giao thông đã trở thành những điểm sáng nổi bật trong việc xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu trở thành hình mẫu về nông thôn mới kiểu mẫu
Trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Ba Vì, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông chia sẻ, Ba Vì là huyện miền núi, với nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Song, huyện luôn coi việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng sống cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Ba Vì đã huy động được hơn 6.800 tỷ đồng cho việc xây dựng nông thôn mới, bao gồm nguồn ngân sách từ Trung ương, thành phố, huyện và xã, cùng các nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 1.491 tỷ đồng, các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác là hơn 4.673 tỷ đồng và ngân sách huyện 650,7 tỷ đồng. Huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu đề ra.
Chia sẻ về những thành tựu và kế hoạch tiếp theo trong công tác xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện Ba Vì luôn coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Bài học quý giá trong quá trình xây dựng nông thôn mới là phát huy tối đa sức mạnh cộng đồng, xây dựng sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, đồng thời không ngừng đổi mới phương thức thực hiện. Ba Vì đã áp dụng mô hình xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp và vận động người dân đóng góp bằng nhiều hình thức, như hiến đất, đóng góp ngày công, hay tham gia các phong trào xây dựng đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Điểm đặc biệt trong công tác xây dựng nông thôn mới tại Ba Vì là huyện không chỉ chú trọng đến các tiêu chí cơ bản, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao các tiêu chí mềm, như xây dựng cảnh quan nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng của từng vùng. Những con đường hoa, những tuyến bích họa hay các mô hình du lịch cộng đồng đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn Ba Vì, giúp địa phương trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Về định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin, huyện Ba Vì đặt mục tiêu trở thành vùng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mang đậm bản sắc riêng. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực vào các dự án hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản địa phương, giúp tạo thêm việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Tất cả những kế hoạch này đều nhằm đưa huyện Ba Vì phát triển toàn diện, bền vững và trở thành hình mẫu về nông thôn mới kiểu mẫu.
Bạch Thanh