Bậc Dược Sư Y Vương trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc

Bậc Dược Sư Y Vương trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc
12 giờ trướcBài gốc
Tín ngưỡng thờ phụng và tu trì đức Phật Dược Sư đã có một lịch sử phát triển lâu dài và rất đa dạng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Không chỉ có ảnh hưởng tới sự tu trì mong đạt tới giác ngộ nơi các chư Tăng và các bậc hành giả, mà tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư tại Trung Quốc còn lan tỏa tới nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, thơ phú, chính trị, đáp ứng sở cầu đa dạng của người dân.
Động cơ tu trì đức Phật Dược Sư ban đầu của người dân rất đa dạng, có thể làm tìm cầu chữa lành bệnh tật, ngăn ngừa cái chết, kéo dài tuổi thọ, cầu tự, cầu con trai, cầu sự bảo hộ địa vị xã hội v.v…Điều này phản ánh những nỗi khổ đau đa dạng trong đời sống con người và nhu cầu tìm cầu con đường vượt lên nỗi khổ đau của bản thân, đồng thời phản ánh từ bi tâm rộng lớn và trí tuệ phương tiện thiện xảo của đức Phật đáp ứng nhu cầu trước mắt chúng sinh, rồi dần dần hướng đạo cho họ thấu hiểu sâu sắc và đúng đắn hơn về bản chất cuộc đời và con đường chân thực có được niềm an lạc đích thực.
Ảnh sưu tầm
Hình ảnh đức Phật Dược Sư – Dược Sư Y vương chữa lành tật bệnh
Trong suốt chiều dài lịch sử ở bất kỳ triều đại nào, các vấn đề duy trì sức khỏe và chữa lành thân tâm bệnh là một trong những mối quan tâm chính của con người. Trước khi tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư có ảnh hưởng ở Trung Quốc, các tín ngưỡng bản địa và nghi lễ tôn giáo khác đã đưa ra nhiều giải thích về nguyên nhân gây bệnh cùng các cách thức chữa bệnh.
Ví dụ như: Truyền thống Shaman Trung Quốc cổ đại cho rằng sự chiếm hữu của ma quỷ và các bùa mê có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật. Các pháp sư, những người trung gian giữa thần linh và con người, thực hiện các nghi lễ kích hoạt các phép thuật giúp người bệnh lấy lại sức khỏe và sự sống, đặc biệt phổ biến ở các làng địa phương. Ngoài ra, từ thế kỷ thứ hai, các nhóm tu tiên hoặc tu tập dưỡng sinh trong một số tôn giáo cũng sử dụng nhiều phương pháp để chữa bệnh và duy trì sức khỏe.
So với các truyền thống tín ngưỡng và tôn giáo trên, vai trò của đức Phật Dược Sư như một bậc Lương y xuất hiện khá muộn ở Trung Quốc. Một trong những bộ Sử ký triều đại Trung Quốc sớm nhất ghi lại các hoạt động thờ phụng đức Phật Dược Sư để phục hồi sau bệnh tật là Chu Thư, bộ sử ký chính thức của triều đại Bắc Chu (557-581), do Lệnh Hồ Phòng Phong biên soạn vào năm 636.
Chu Thư có ghi chép chuyện Trương Nguyên, người sống ở huyện Thụy Thành (Sơn Tây) vào thế kỷ thứ sáu. Trương Nguyên là một Phật tử chuyên hành trì cầu nguyện lên đức Phật Dược Sư. Động cơ ban đầu để ông hành trì là do ông nội của ông có vấn đề về thị lực. Phần đầu câu chuyện, Trương Nguyên giải thích về hoàn cảnh gia đình của mình và thuật lại rằng ông sinh ra trong một gia đình quý tộc. Cả cha và ông nội đều là quan lại địa phương. Khi Trương Nguyên lên mười sáu tuổi, ông nội của ông đã bị mất thị lực do một số căn bệnh. Lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông nội, Trương Nguyên đã phát nguyện đọc tụng Kinh Phật Dược Sư với hy vọng rằng ông nội sẽ phục hồi sau các vấn đề về thị lực. Trương Nguyên đã tha thiết thỉnh cầu Đức Phật: Hỡi bậc Thầy của trời người, của tất thảy chúng sinh! Là một người cháu, nếu con không biết khởi tâm hiếu nghĩa, thì thật là đáng bị trách lỗi vì sự đau yếu của ông nội con. Con xin dâng cúng đèn lên chư Phật để thắp sáng Pháp giới và tha thiết mong nguyện ông nội con được phục hồi thị lực. Nếu có thể con muốn được đổi thị lực của mình để chữa lành cho thị lực kém của ông.
Câu chuyện tiếp tục thuật lại diễn tả rằng sau khi cử hành nghi lễ cầu nguyện đức Phật Dược Sư miên mật bảy ngày, Trương Nguyên đã mơ thấy một cụ già tới chữa bệnh cho ông nội của mình bằng cách sử dụng một chiếc lược vàng. Hơn nữa, cụ còn nói rằng người ông sẽ có thể nhìn thấy ánh sáng trong ba ngày tới. Cuối cùng thật kỳ diệu, người ông đã phục hồi được thị lực của mình.
Giá trị của câu chuyện này có thể được luận giải ở nhiều cấp độ. Thứ nhất, chứng minh rằng việc thờ cúng và tu trì đức Phật Dược Sư có mối liên hệ chặt chẽ với quan niệm hiếu đạo đã được thiết lập vững bền trong văn hóa Trung Quốc. Các việc làm của Trương Nguyên được ghi chép lại trong phần “Tiểu sử của người hiếu thảo” trong Chu Thư, nhằm mục đích ca ngợi những người chính trực có việc làm được coi là đặc biệt đức hạnh. Những con người này là những mẫu hình lý tưởng để người khác noi theo. Việc mô tả các giá trị đạo đức và tính cách đạo đức của những cá nhân như vậy là những đặc điểm chính của thể loại văn học này. Sự việc trên cũng cho thấy, việc truyền thống tu tập đức Phật Dược Sư không chối bỏ các giá trị truyền thống địa phương mà tiếp nhận, tôn trọng, đồng thời đưa thêm những nội hàm mang giá trị từ bi và giải thoát vào mỗi quan niệm.
Thứ hai, việc Trương Nguyên nỗ lực tụng đọc Kinh Phật Dược Sư là một ví dụ điển hình về sự chuyên nhất tu trì và lòng tôn kính lên đức Phật. Trong câu chuyện, Trương Nguyên được miêu tả là người không chỉ thấu hiểu lý nghĩa nội dung kinh văn mà còn nghiêm cẩn tu tập tuân theo các chỉ dẫn trong kinh văn.
Thứ ba, hình ảnh đức Phật Dược Sư tràn đầy từ mẫn, trí tuệ và uy lực đã đáp ứng sở cầu của người Phật tử thuần thành, hiếu đạo và nghiêm cẩn tu hành.
Một ví dụ cụ thể hơn về câu chuyện kỳ diệu liên quan đến chủ đề này là câu chuyện về Trương Hi Phu. Những câu chuyện Linh ứng kể rằng vào thời nhà Đường, Trương Hi Phu đã mắc bệnh nặng. Do đó, gia đình ông đã thỉnh một số tu sĩ đến tụng Kinh Phật Dược Sư. Gia đình đã cử hành nghi lễ này đúng cách thức trong bảy ngày bảy đêm, thỉnh cầu sự gia trì của đức Phật. Giống như trường hợp của Trương Nguyên ở trên, một đêm nọ, Trương Hi Phu đã mơ thấy mình khỏi bệnh. Trong giấc mơ, ông thấy cơ thể mình được bao phủ một cách kỳ lạ bởi một số cuộn kinh và rồi ông đã phục hồi khỏe một cách kỳ diệu.
Những câu chuyện trên phản ánh một cách rất sinh động những mong cầu về sức khỏe và sự tu tập về đức Phật Dược Sư của những người dân Trung Quốc thời trung cổ. Việc tu trì đúng pháp và tôn kính Kinh văn đã giúp người bệnh được phục hồi.
Ngoài sử ký các triều đại và những câu chuyện trong dân gian, sự tu trì và linh ứng của pháp tu đức Phật Dược Sư còn được tìm thấy ghi chép lại trong một số bản kinh văn tại Đôn Hoàng. Có hai bản kinh văn được Viên Thái Dung tài trợ, còn ghi lại chuyện ông đã cầu nguyện lên đức Phật Dược Sư khi bản thân bị bệnh.
Viên Dung, hậu duệ của hoàng tộc Bắc Ngụy, là một trong những Phật tử Trung Quốc đầu tiên đóng góp vào việc chép lại kinh văn đức Dược Sư Phật, trước khi kỹ thuật in được phổ biến. Các bản kinh văn ở Đôn Hoàng đã ghi lại, khi làm quan, Viên Dung đã tài trợ nhiều dự án ghi chép lại kinh văn Phật giáo đặc biệt từ năm 530 tới năm 533. Năm thứ hai của thời đại Vĩnh Hy (533), khi Viên Dung bị đau ốm, ông cho rằng do mình thiếu công đức nên đã thỉnh cầu nhiều tu sĩ chép kinh Dược Sư. Những năm tiếp theo ông đã thành lập một nhóm chép kinh với quy mô lớn với mong nguyện “hoàn toàn thoát khỏi tật bệnh và giúp làm hòa hợp tứ đại.” Điều này cho thấy ông thấu hiểu quan điểm căn bản của Phật giáo cho rằng tật bệnh tới là do sự thiếu hòa hợp của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa bên ngoài và bên trong thân thể.
Ảnh hưởng ở phương diện chữa lành tật bệnh của đức Phật vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Bắc Tống (960-1127), ảnh hưởng của việc tu trì đức Phật Dược Sư được phản ánh rõ nét qua bài thơ do Tô Đông Pha, một nhà thơ và nhà thư pháp nổi tiếng sáng tác. Bằng những lời tán thán năng lực chữa lành tật bệnh của đức Phật, Tô Đông Pha đã vô cùng hoan hỷ trước việc các cháu của mình khỏi bệnh: Khi Đức Phật thị hiện, tất cả chúng sinh đều không còn lo âu về tật bệnh. Tịnh độ của Ngài được tạo thành từ đá lưu ly cùng các loại thảo dược chữa lành bệnh có ở khắp nơi. Các cháu nhỏ của con xin dâng niềm tôn kính lên Ngài, hỡi người cha lành của muôn loài. Làn da Ngài mịn màng và tỏa ánh hào quang rực rỡ, và mọi nhân gây nên tật bệnh cũng đều được tận trừ.
Là các pháp tử của đấng Dược Y Sư vương, các cháu của con từng thực hành Phật pháp từ nhiều đời trước. Chúng con thành tâm tin tưởng ngài luôn hiện diện trước mặt, trong thân tâm chúng con, cuộc đời chúng con được ngài gia trì cứu vớt.[i]
Tô Đông Pha đã sáng tác bài thơ khi hai đứa cháu của ông bị một căn bệnh nghiêm trọng. Lo lắng cho sức khỏe của các cháu, ông cùng gia đình đã tu tập và cầu nguyện lên đức Phật Dược Sư. Khi các cháu khỏi bệnh và khỏe mạnh, ông đã vô cùng xúc động và viết những lời thơ tán thán thán đức Phật Dược Sư. Đức Phật sở hữu năng lực chữa lành tật bệnh cho muôn loài chúng sinh. Nhưng không chỉ chữa lành thân bệnh mà điểm quan trọng là chữa lành tâm bệnh cho chúng sinh. Từ chữa bệnh, Ngài phương tiện chỉ ra cho chúng sinh nguyên nhân thực sự của thân và tâm bệnh, cùng con đường để vượt trên những khổ đau của thân tâm. Bởi vì là con người hay chúng sinh thì ai ai cũng phải chịu cái khổ về bệnh tật. Nếu thân người luôn đau yếu thì tâm cũng dễ tán loạn và khó thực hành con đường Đạo. Bởi vậy chữa lành tật bệnh là một duyên để giúp khai mở trí tuệ nơi con người, giúp họ thấu hiểu về bản chất tật bệnh, khổ đau, hạnh phúc và con đường để diệt tận bệnh tật, nuôi dưỡng niềm an lạc đích thực. Đó là sự khác biệt chính của con đường thực hành Phật giáo nói chung, thực hành đức Phật Dược Sư nói riêng so với tất cả các phương pháp chữa bệnh thuộc bất cứ truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo hay thế gian khác.
Ảnh sưu tầm
Ngăn ngừa yểu mạng và ban gia trì tuổi thọ
Có nhiều câu chuyên ghi chép lại cho thấy truyền thống tu tập đức Phật Dược Sư ảnh hưởng rất lớn tới những người có mối bận tâm tuổi thọ trong sự phát triển Phật giáo tại Trung Quốc. Đời người có nhiều khổ đau nhưng nỗi khổ về mệnh yểu rất quan trọng. Thân người vô cùng quý giá nhưng để có được thân người quý giá, lại có tín tâm với giáo pháp giải thoát là điều vô cùng hy hữu bởi vậy sở hữu tuổi thọ giúp người thực hành Phật pháp có thêm thời gian để thực hành và tích lũy công đức.
Quan niệm về Trời và sức mạnh của Trời ảnh hưởng tới vận mệnh xã hội cùng con người, rất phổ biến trong xã hội Trung Quốc cổ đại và trung đại. Trời được quan niệm như những thế lực có sức mạnh siêu nhiên kiểm soát đời sống con người. Quan điểm về Trời và vai trò của việc thực hành đức Phật Dược Sư được thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm của Mục Nguyên, một học giả nhà Đường thời trị vì của Đường Đức Tông.
Động cơ ban đầu thúc đẩy Mục Nguyên thực hành Phật Dược Sư là bởi một loạt cái chết xảy ra trong gia đình ông. Vào mùa xuân năm 790, Mục Nguyên mất đi người em gái út thứ hai, một ni sư Phật giáo tại Tu viện An Quốc. Thêm nữa, chị gái cả của ông, người đã kết hôn với quan trấn Vũ Thành, đã qua đời vào mùa hè cùng năm.Tiếp theo, anh rể và mẹ vợ của Mục cũng qua đời vào những năm sau đó.
Dựa trên các bài viết của ông, được lưu giữ trong Quan Tang văn, cho thấy nỗi đau buồn của Mục Nguyên về sự mất mát của anh chị em và gia đình đã thúc đẩy ông tìm tới nguồn ân phúc của đức Phật Dược Sư. Các bài viết của ông thể hiện cảm xúc mạnh mẽ với lời than rằng Trời đã không hỗ trợ cho gia đình. Ông còn cáo buộc Trời đã nhẫn tâm giáng cho ông những nghịch cảnh. Thâm chí những cảm giác buồn bã của ông đã chuyển thành sầu đau và tức giận. Tiếp tới, ông đổ lỗi cho Trời về những khó khăn của mình.
Theo quan điểm của Mục Nguyên, Trời có thẩm quyền tuyệt đối để quyết định vận may và bất hạnh của một người. Ông liên kết sự bất hạnh của gia đình với việc họ không được Trời ban phúc. Khi một số người thân của họ qua đời trong vòng vài năm, ông và gia đình đã chuyển sang thờ đức Phật Dược sư với mong cầu sự hộ trì và trường thọ. Ông và em gái út đã thỉnh cầu đức Phật ban phước cho mẹ họ được sống lâu. Để thể hiện niềm tôn kính của mình, người em gái đã thêu một bức tranh dâng cúng lên Đức Phật. Khi bức tranh thêu hoàn thành, Mục Nguyên đã sáng tác “Bài Tán thán hình ảnh đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Minh”.
Phần lời tựa , Mục Nguyên viết: Kinh văn dạy rằng Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Minh ngự ở cõi phương Đông. Hiện tại, em gái út của con là cô Bùi đang trang trí bức tranh và hết lòng tôn kính đức Phật. Bức tranh được trang hoàng như thế nào? Cô đã cắt lụa trắng và tô điểm thêm bằng cách thêm vật phẩm trang trí, rồi cầm một cây kim nhỏ có xỏ chỉ để khâu. Sử dụng những sợi chỉ ngũ sắc, cô tạo ra hình ảnh của đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ tùy hình. Rồi cô thêu mô phỏng những lời nguyện của bản thân nương theo mười hai lời nguyện cao quý của đức Phật. Chúng con cầu nguyện điều gì? Chúng con mong mẹ nhận được phúc lành của đức Phật như Ngài đã hứa nguyện và mong ước rằng đời sống của bà sẽ dài bằng số lượng sợi chỉ này. Chúng con tin tưởng rằng thần lực của đức Phật, có thể mang lại lợi lạc cho những kẻ đã biết nuôi dưỡng tình thương, thiện tính và nỗ lực tinh tiến vươn lên thành kẻ cao quý hơn. Thật tuyệt vời làm sao! Ngài đã nhanh chóng đáp ứng mọi sở cầu của chúng con. Tình thương và sự cao quý của ngài là vô biên và vô lượng như không gian bao la nơi Phương Đông mà kinh văn đã dạy. Những kẻ phàm phu chúng con cũng được truyền cảm hứng từ những tâm nguyện cao quý của ngài và chúng con mong muốn truyền bá đức hạnh thiêng liêng của ngài cho muôn loài chúng sinh khổ đau. Với mong muốn thể hiện lòng thành của mình, con đã không dám bỏ lỡ cơ hội này để viết lên đôi lời dâng cúng lên đức Phật tôn quý.
Ngoài việc bày tỏ lời thỉnh cầu của mình, Mục Nguyên còn ca ngợi đức Phật bằng cách nhấn mạnh đến những phẩm tính cao quý của đức Phật. Bài tán thán có đoạn: Trời quyết định gieo rắc may mắn hay sự bất hạnh. Có một bậc Thiên nhân sư có đủ trí tuệ tỉnh thức quy luật của Trời. Bởi vậy con kính ngưỡng ngài và mong nguyện được nương theo đức hạnh như ngài. Giống như ngọn núi uy nghi bất động và dòng sông liên tục chảy không ngừng, lời hứa nguyện vĩ đại của ngài chính là giúp thức tỉnh chúng con biết sống thuận Thiên. Mười hai lời nguyện của đức Phật Dược Sư trở thành lý tưởng, định hướng cho cuộc đời của chính chúng con.
Ở đây Mục Nguyên đã trích dẫn các lời kinh văn cho thấy sự tiếp nhận trí tuệ thấu hiểu bản chất không gian và thời gian vô tận không thể tính toán được bằng hiểu biết của phàm phu. Hàng triệu sợi chỉ được so sánh tương ứng với vô lượng những năm tháng của cuộc đời.
Bài viết của Mục Nguyên phản ánh niềm tin của ông rằng số phận của một người phụ thuộc vào một thế lực thần linh cao hơn. Tuy nhiên đức Phật với lòng từ bi của mình đã chỉ dạy cho con người những cách tích lũy công đức và trí tuệ để giúp họ giải trừ những khổ đau mà họ gặp phải trong đời sống thế gian, để từ đó dần dần mở ra trí tuệ thâm sâu hơn cho con người thấu hiểu bản chất đời sống, biết sống thuận Thiên và dần biết tìm được vào cửa giải thoát.
Trong tác phẩm trên có ghi lại hai câu chuyện kể về điều linh ứng kỳ diệu khác, điển hình cho sự ứng nghiệm lời cầu nguyện tăng tuổi thọ lên đức Phật như sau:
Câu chuyện đầu tiên viết về nỗi lo âu của một cặp vợ chồng người Ấn Độ về đứa con trai có thể yểu mệnh, trong khi câu chuyện thứ hai chỉ ra nỗi lo âu của một người đàn ông Trung Quốc thời trung cổ về tuổi thọ của chính mình. Câu chuyện phép lạ đầu tiên kể về một cặp vợ chồng Bà la môn Ấn Độ giàu có đã vui mừng khi có một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, một nhà tiên tri nổi tiếng đã tiên đoán rằng đứa bé không thể sống thêm được hai năm nữa. Điềm xấu đã khiến cặp đôi này thất vọng và khiến họ lo âu tột cùng. Họ đã thỉnh cầu bậc cao Tăng và được dạy rằng, họ nên tạc một bức tượng Phật Dược Sư và thường xuyên cầu nguyện lên tôn tượng để tích lũy công đức. Họ đã nhất tâm làm theo lời chỉ dạy của cao Tăng và câu chuyện kể tiếp rằng, một đêm nọ, người cha mơ thấy một sứ giả từ địa ngục, cưỡi một con ngựa xanh và đội vương miện đỏ, đến và báo rằng tuổi thọ của người con trai đã tăng lên đến năm mươi tuổi nhờ những công đức mà họ hướng lên đức Phật Dược Sư.
Câu chuyện linh ứng thứ hai, một lần nữa, nhấn mạnh đến hiệu quả của tâm thành kính. Câu chuyện kể về Trương Lập Đồng, người đã kéo dài tuổi thọ một cách kỳ diệu vào thời Đường: Trương Lập Đồng, ở tuổi hai mươi bảy, đã gặp một thầy bói nói với ông, "Tuổi thọ của ông rất ngắn, sẽ không dưới ba mươi mốt năm." Trương Lập Đồng cảm thấy lo lắng và thỉnh cầu cao Tăng chỉ dạy. Cao Tăng nói: "Có một phương pháp để kéo dài tuổi thọ. Cậu nên toàn tâm toàn ý chép lại và hiểu lý nghĩa lời kinh văn." Sau đó, Cao Tăng đưa cho ông Kinh Phật Dược Sư do Đường Tam Tạng dịch. Trương Đồng thưa rằng, "Do cuộc sống thế tục và những bổn phận thế gian còn quá bận rộn, con lại còn sợ bị quân vương khiển trách, rồi kẻ độn căn như con không dễ gì hiểu được ý nghĩa thâm sâu kinh văn nhưng con vẫn xin chép lại kinh văn. Vì còn bận rộn với việc thế gian, ông chỉ hoàn thành một lần chép nhưng khi thầy bói kia gặp lại Trương Lập Đồng, ông ta nói, “Thật là phi thường. Thật là phi thường. Cậu đã làm công đức kỳ diệu gì mà có thể tăng tuổi thọ lên ba mươi năm ngay tức thời?” Trương Lập Đồng kể lại những gì mình đã trải qua và bất kỳ ai nghe câu chuyện đều khởi niềm tin kính lên đức Phật.
Trong các bản kinh văn do Huyền Trang, Nghĩa Tịnh chuyển dịch đều có ghi lại lời hứa nguyện của đức Phật Dược Sư cho “những ai tìm cầu tuổi thọ sẽ đạt được tuổi thọ.” Kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa những cái chết là một trong những mong nguyện chính đáng của con người bởi vì thân người rất quý giá, chỉ trong thân người mới có thể dễ dàng tu tập Phật pháp, tích lũy công đức và làm việc thiện ích.
Hình ảnh Trương Nguyên sẵn sàng phát nguyện đánh đổi thị lực của mình cho người ông nội cho thấy ông đã thấu hiểu rất nhiều về bản chất vô ngã của thân mình, từ đó phát khởi thiện tính chia sẻ công đức mà mình đang có cho người thân. Tô Đông Pha sáng tác lời Tán thán đặc biệt nhấn mạnh bản chất cõi Tịnh độ đức Phật Dược Sư và lý tưởng tâm nguyện của Ngài hòa nhập trở thành lý tưởng gia đình ông, cho thấy ông thấu hiểu rất rõ con đường đạo giải thoát và các hạnh nguyện cao quý nơi đức Phật cũng vốn nằm ngay trong thân tâm ông và mọi người.
Mục Nguyên khi cầu tuổi thọ cho mẹ, đã phát triển trí tuệ và từ bi tâm cầu nguyện tuổi thọ cho nhiều người và chúng sinh, đồng thời thấu hiểu bản chất các đời sống tương tục kế tiếp nhau vô lượng như lượng sợi chỉ, không chỉ giới hạn trong một đời. Điều này chứng tỏ người cầu nguyện và tu tập đức Phật Dược Sư không chỉ mong cầu sự hóa giải những khổ đau trước mắt của đời sống, mà chính họ đã thấu hiểu bản chất khổ đau, của hạnh phúc, khai mở từ bi tâm, trí tuệ rộng lớn. Những câu chuyện về sự linh ứng kỳ diệu trên không chỉ phản ánh những mong nguyện của con người muốn vượt trên những khổ đau về sự hữu hạn của đời người, đồng thời cũng phản ánh tâm từ bi rộng lớn và trí tuệ thiện xảo của đức Phật Dược Sư giúp xoa dịu khổ đau chúng sinh, đồng thời khai mở trí tuệ và từ bi tâm nơi họ, giúp họ tỉnh thức hướng về đạo giải thoát.
Dịch giả: TS Anh Vũ và La Sơn Phúc Cường
Dịch và tổng hợp theo: The Worship of Medicine Buddha in Medieval China, Yujing Chen, University of Florida, 2017.
***
Tài liệu trích dẫn
Zanning’s 贊寧 (918-1001) Song gao seng zhuan 宋高僧傳 (The Song-dynasty Collection of Biographies of Eminent Monks), T 50.710c15.
The aforementioned rituals refer to a set of practices that includes the making of seven images of the Buddha, lighting forty-nine lamps, reciting the scriptures for forty-nine times, setting up colorful banners, and releasing creatures. See T 14.415c29-416a4.
100 Jiu tang shu, 7.135-151; Zizhi tongjian, 208.6596-6606 and 209.6637-6638.
101 T 14.516a5-9. English translation is adapted (with minor modifications) from Raoul Birnbaum, The Healing Buddha, 205-206.
Song gao seng zhuan, T 50.864b16-c3. Fengxiang is located in present-day Shaanxi province in China. 146
108 Fozu tongji, T 49.375c18-376a24.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bac-duoc-su-y-vuong-trong-lich-su-phat-giao-trung-quoc.html