Từ và rải tâm từ

Từ và rải tâm từ
10 giờ trướcBài gốc
Kinh Tâm từ (thuộc kinh Tập, Tiểu bộ kinh) Đức Phật đã nói lên giá trị của tình thương này.
“Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, có nhóm 500 vị Tỳ-khưu đến xin Phật cho đề mục thiền định để nhập hạ trong ba tháng an cư.Sau đó các vị cùng nhau đến khu rừng thuộc dãy núi Himavantu để tu tập.
Trong khu rừng này có rất nhiều nhóm chư thiên cư ngụ. Chư Tỳ-khưu ngồi hành đạo dưới những cội cây, do oai lực giới đức trong sạch của các vị làm cho nhóm chư thiên ngự trong lâu đài của mình trên cội cây không thể ở yên ổn, nên đành dẫn thân quyến xuống ở mặt đất, mưa gió làm cho nhóm chư thiên này sống rất vất vả. Vì vậy họ bày nhiều cách phá hoại khiến cho các vị Tỳ-khưu không thể tu tập. 500 vị Tỳ-khưu bèn trở về bạch Phật. Phật đã chỉ dạy các vị cách rải tâm từ.
… Tâm từ, tình thương yêu
Với tất cả chúng sanh
Như một người từ mẫu
Thương yêu đứa con một
Bảo vệ đứa con mình.
Bằng sanh mạng thế nào
Hành giả rải tâm từ
Vô lượng đến chúng sanh
Cũng như thế ấy vậy…
Các vị Tỳ-khưu quay trở lại khu rừng đã thực hành tâm từ như lời Phật dạy. Năng lực tâm từ của các vị lan tỏa khắp khu rừng khiến cho chư thiên cảm thấy mát mẻ và an lạc. Từ đó họ không còn quấy phá nữa, nhờ vậy các vị Tỳ-khưu an ổn tu tập cho đến khi chứng được Thánh quả”.
Tâm từ trong bài kinh trên chính là tình thương, nhưng khác với tình thương thế gian ở chỗ là thương yêu tất cả chúng sinh và vô điều kiện.
Tình thương là một trạng thái của tâm mang năng lượng thiện lành. Chúng ta không thể thấy hay dùng lời diễn đạt về trạng thái đó mà chỉ có thể biết được nó qua hành động biểu lộ ra bên ngoài. Ví dụ như khi người mẹ vừa âu yếm vừa nói với đứa con rằng “mẹ thương con nhiều lắm”. Hình ảnh âu yếm của người mẹ cho ta biết rằng bà ấy rất thương con, còn thương nhiều lắm là bao nhiêu thì mình không sao thấy được.
Để dễ hình dung hơn, chúng ta có thể nhìn sợi dây điện, tuy không thấy dòng điện nhưng khi bật công tắc thì đèn sáng lên. Hoặc như gió không thể thấy nhưng khi mở quạt máy thì liền mát mẻ. Tình thương cũng như thế, khi ta vừa tác ý mở lòng yêu thương chân thật thì ngay lúc ấy lòng thương lan tỏa trong không gian. Đó là những điều không thể thấy bằng mắt nhưng chúng vẫn tồn tại, chỉ cần tạo tác thì tình thương sẽ xuất hiện.
Trường hợp khi không cần khởi tâm nhưng thương yêu vẫn hiện diện, đó chính là khi vị tu tập nhận ra và sống trọn vẹn với tánh giác của mình. Điều này đã được Thiền sư Thích Thanh Từ từng nhắc: “Người nhận ra và sống được với tánh giác thì từ bi tự phát, không phải cố gắng. Vì thấy mọi người đều như mình, cùng bản tâm đó, thì làm sao không thương cho được”. Đây là tình thương không phát sinh từ sự dính mắc, mà từ sự thấy rõ bản chất thật của các pháp, vì thế mới là tình thương rộng lớn, không điều kiện. Tuy nhiên khi chúng ta chưa thể nhận ra và sống được với tánh giác của mình thì cần khởi tâm thương yêu rộng lớn, rải tâm từ đến hết thảy chúng sanh.
“Hành giả rải tâm từ
Ðến tam giới chúng sinh
Gồm có mười sáu cõi
Với tâm từ vô lượng
Không oan trái hận thù” (Sđd).
Không chỉ thương yêu chúng sanh trong cõi giới hữu hình mà Đức Phật còn muốn chúng ta phải rải tâm thương yêu đến tất cả chúng sanh trong cõi giới vô hình. Từ cõi trời cao nhất cho đến nơi tận cùng sâu thẳm của địa ngục. Nơi mắt mình nhìn thấy và cả nơi mình không thể thấy. Tình thương đó thật đẹp, bao la.
Một trải nghiệm nhỏ để cùng nhau thực hành: hãy ngồi lặng lẽ, sau đó mở rộng tấm lòng rải tâm thương yêu, mong cho mọi loài được hạnh phúc, an vui. Một tình thương trong sáng, cao đẹp, lan tỏa khắp mười phương, không phải sự thương yêu của dục lạc tầm thường. Đối tượng có thể bất kỳ ai, rải tâm thương yêu đến họ.
Nếu có ai là người sợ ma hay sợ bóng tối, hãy tập rải tâm từ. Hôm nào rơi vào tình thế không còn sự lựa chọn khác, bất đắc dĩ phải đi qua một đoạn đường tối vắng thì hãy ứng dụng cách rải tâm này. Kết quả sẽ tùy thuộc sự yêu thương của bạn ở mức độ nào. Nhưng chúng tôi cũng có một lời khuyên, đừng đợi “nước tới chân rồi mới nhảy” mà hãy luyện tập ngay từ bây giờ để tích lũy tâm từ. Nhờ tâm từ mà chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi, để có những bước chân đầy an lạc khi đi một mình trong bóng đêm.
Ai đã từng đọc qua chuyện Đức Phật bị Đề-bà-đạt-đa hãm hại chắc hẳn đều nhớ chuyện voi say Nalagiri. “Đây là con voi hung hãn nhất của vua A-xà-thế. Trong một lần Đức Phật vào thành khất thực, voi bị chuốc rượu say rồi được thả ra giữa chốn đông người. Nó gầm rú dữ tợn, húc đổ mọi thứ, khiến ai cũng bỏ chạy hoảng loạn. Nhưng khi lao thẳng về phía Đức Phật, một sự kiện lạ lùng đã xảy ra. Phật bình thản, lòng thương yêu nơi Ngài tạo thành từ trường bao phủ khắp nơi, con voi đang chạy điên cuồng bỗng khựng lại. Nó nhìn Đức Phật rồi từ từ hạ đầu, quỳ mọp dưới chân Ngài, nước mắt voi rơi xuống. Phật xoa đầu voi và dạy nó trở về bản tính hiền lành”. Đây là một trong muôn vàn câu chuyện Đức Phật đã dùng tâm thương yêu của mình để chuyển hóa chúng sanh.
Trái ngược với tâm thương yêu là tâm ganh ghét, hận thù. Khi chúng ta hướng tâm xấu ấy đến với người khác thì họ cảm thấy bức rức, khó chịu, ta và người đều bất an. Vậy nên phải thường xuyên rải tâm từ. Khi các vị Tỳ-khưu rải tâm từ đến các nhóm chư thiên thì họ cảm thấy an lạc, từ đó họ không còn quấy phá mà còn hỗ trợ cho các vị Tỳ-khưu trong việc tu tập.
“Hành giả đang tiến hành
Rải tâm từ vô lượng
Ðứng, đi hoặc ngồi, nằm
Tinh tấn không buồn ngủ
Tâm an trú trong thiền
Có tâm từ vô lượng
Ðức Phật dạy bảo rằng
Hành giả sống cao thượng”.
Không chỉ mang đến an lạc cho người mà ngay cả bản thân mình cũng đạt được lợi ích to lớn. Khi một vị tu tập thực hành niệm rải thương yêu đến mười phương, không hạn lượng, không tán loạn thì vị ấy có thể chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc giới cho đến đệ tứ thiền sắc giới.
Tương tự như kinh Tâm từ, trong kinh Tăng chi bộ cũng hướng đến việc nuôi dưỡng lòng thương yêu rộng lớn. Khi thực hành tâm này, hành giả sẽ đạt được 11 điều lợi ích.
1. Ngủ an lành
2. Thức dậy an lạc
3. Không chiêm bao ác mộng
4. Được mọi người yêu mến
5. Được phi nhân ưa thích
6. Được chư thiên hộ trì
7. Không bị lửa, độc, vũ khí làm hại (khi đang an trú tâm từ)
8. Tâm không tán loạn
9. Sắc mặt tươi sáng, thư thái
10. Lâm chung an nhiên
11. Nếu chưa chứng được thượng pháp, sanh về Phạm thiên giới
(Kinh Tăng chi bộ, chương 11, phẩm Tùy niệm, phần Từ)
Xưa cũng vậy và nay cũng thế, thời nào con người cũng cần tình thương, nơi nào có tình thương thì nơi đó sẽ có hạnh phúc. Ngày nay, chúng ta thấy được điều đó qua những việc thiện lành trong xã hội. Khi một nơi nào hay ai đó đang gặp khó khăn cần giúp đỡ thì cá nhân và cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ.
Đối với chúng ta, dù mình có thể nghèo về vật chất, dù không đủ điều kiện về sức khỏe nhưng mình vẫn còn một thứ vô giá, đó chính là tâm thương yêu, hãy rải tâm này đến mọi người và tất cả chúng sanh. Chính khi ấy trái đất của chúng ta sẽ có thêm được một nguồn năng lượng đặc biệt lan tỏa. Đó là món quà vô cùng ý nghĩa mà mình có thể đóng góp cho xã hội.
Tình thương, dù vô hình nhưng lại hiện hữu trong từng khoảnh khắc của đời sống, như ngọn đèn soi sáng giữa đêm tối, như làn gió mát dịu xoa dịu bao nỗi đau trần thế. Từ lời dạy của Đức Phật trong kinh Tâm từ, chúng ta hiểu rằng tình thương là một năng lượng tinh tế, có thể chế tác được bằng thiền quán rải tâm từ. Tình thương rộng lớn có thể chuyển hóa khổ đau thành an lạc, biến thù hận thành bao dung, từ phàm trở nên Thánh. Trong thế giới đầy biến động hôm nay, hơn bao giờ hết, mỗi người hãy là một ngọn nến nhỏ, lặng lẽ thắp sáng bằng tâm từ, rải yêu thương không điều kiện đến khắp muôn loài. Dẫu quý vị là ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, quý vị vẫn có thể làm điều ấy, đơn giản chỉ bằng một tấm lòng. Được như vậy thì Ta-bà này chính là cõi Cực lạc.
Thích Đạt Ma Chánh Hoằng Hiền/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/tu-va-rai-tam-tu-post76467.html