Theo TTYT huyện Lục Nam, trong tháng đầu tiên triển khai kế hoạch uống vắc-xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi, toàn huyện có 233 trẻ thuộc diện uống liều 1 (trẻ đủ 2 tháng tuổi).
Cán bộ Trạm Y tế xã Cương Sơn cho trẻ đủ 2 tháng tuổi uống vắc-xin Rota.
Để triển khai, từ đầu tháng 12/2024, TTYT huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn việc sử dụng vắc-xin Rota cho cán bộ trạm y tế các xã, thị trấn; đồng thời rà soát, lập danh sách và thông báo đến từng gia đình có trẻ đủ 2 tháng tuổi (bao gồm cả đối tượng vãng lai) để nắm bắt, đưa trẻ đến uống đúng ngày.
Nhờ đó, trong sáng 18/12, toàn huyện có 121 trẻ ở 15 xã, thị trấn được uống liều 1 vắc-xin Rota, đạt 100% trẻ trong độ tuổi và bảo đảm an toàn tuyệt đối; 10 xã còn lại tổ chức uống trong ngày 19/12.
Chị Nguyễn Thị Khánh Linh, thôn Tân An, xã Cương Sơn cho biết: “Uống vắc-xin Rota dịch vụ giá từ 600 - 800 nghìn đồng/liều (mỗi trẻ uống 2 liều). Việc đưa vắc-xin Rota vào chương trình mở rộng giúp trẻ được tiếp cận với vắc-xin chất lượng, các bà mẹ yên tâm hơn trong chăm sóc con”.
Cán bộ Sở Y tế hướng dẫn, giám sát việc uống vắc-xin Rota tại huyện Lục Nam.
Vắc-xin Rota được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 12/2024 và là vắc-xin thứ 11 được đưa vào chương trình. Để triển khai, Bắc Giang được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phân bổ hơn 25 nghìn liều vắc-xin Rota.
Theo bà Khổng Thị Ngọc Anh, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 2,2 nghìn trẻ đủ 2 tháng tuổi được uống vắc-xin Rota liều 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng tháng 12.
Dự kiến từ ngày 19 đến 23/12, các địa phương còn lại sẽ đồng loạt tổ chức cho trẻ đủ 2 tháng tuổi tuổi uống vắc-xin Rota. Để bảo đảm an toàn, Sở Y tế thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các trạm y tế kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện.
Bệnh tiêu chảy cấp tính do virus Rota thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó tập trung cao ở nhóm trẻ dưới 12 tháng với các triệu chứng: Nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, ho, ăn uống kém. Hiện bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ trẻ phải nhập viện cấp cứu do căn bệnh này trên địa bàn cả nước trong đoạn 2016-2023 từ 20 - 50%.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết