Hơn 50 đại biểu là người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Bắc Giang tham gia hội nghị. Tại đây, đại diện VACIP cho hay, hàng hóa giả mạo thương hiệu nổi tiếng được bày bán nhiều tại các cửa hàng kinh doanh truyền thống cũng như trên môi trường điện tử.
Quang cảnh hội nghị.
Riêng ở trên môi trường mạng, người mua cần lưu ý đến giá bán của sản phẩm (thường hàng giả có giá rẻ hơn nhiều lần so với hàng thật); địa chỉ người bán không rõ ràng; đánh giá về sản phẩm thường là đánh giá ảo, thiếu chân thực.
Khi nhận hàng và nghi là hàng giả, người tiêu dùng cần thu thập thông tin của website, cửa hàng online, thông tin giao dịch, mẫu sản phẩm… sau đó cung cấp kịp thời cho cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi.
Người dân tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết hàng giả thương hiệu blum.
Đơn vị tổ chức còn trưng bày, giới thiệu nhiều mẫu hàng thật và hàng giả các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam để giúp người dân nắm rõ dấu hiệu nhận biết.
Ví dụ như thương hiệu blum (phụ kiện bếp và nội thất của Áo), hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu này thường bị sai về tên gọi, cách viết sai như: BLUM, BLUMK, BLUKA, BLUMROO, BLONE; sai lô gô; thiếu tem nhãn; đóng gói sản phẩm sai quy cách; giá rẻ; không được bảo hành trọn đời.
Các sản phẩm của thương hiệu Victoria's Secret (chuyên về thời trang, mỹ phẩm của Mỹ) cũng bị làm giả nhiều. Một số dấu hiệu dễ nhận biết là: Giá rẻ; chữ in trên sản phẩm sai chính tả; không có tem nhãn đầy đủ; chi tiết đường may cẩu thả, thiếu tinh tế, không chắc chắn; có keo thừa; hộp đóng gói móp méo; đóng gói lộn xộn.
Qua hội nghị giúp các đại biểu nắm thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để phân biệt hàng thật, hàng giả của một số thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam; góp phần bảo vệ quyền lợi của bản thân, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bình ổn thị trường.
Tin, ảnh: Mạc Yến