Hàng giả, hàng nhái: ĐBQH yêu cầu xử lý dứt điểm, không để 'nhờn luật'

Hàng giả, hàng nhái: ĐBQH yêu cầu xử lý dứt điểm, không để 'nhờn luật'
6 giờ trướcBài gốc
“Không thể tiếp tục tư duy cũ là chỉ tìm kiếm vi phạm”
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh rằng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, và quan trọng hơn là chúng ta cần chuyển đổi tư duy trong công tác quản lý: “Có những sản phẩm trong thời gian qua được dư luận cả nước quan tâm vì chất lượng kém, thậm chí là hàng giả. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ là chỉ tìm kiếm vi phạm, mà cần chuyển sang tư duy phòng ngừa, không thể lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát, bởi vì như thế sẽ dẫn đến những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tôi cho rằng, tương lai bắt buộc phải đi kèm với chất lượng”.
Theo quy định hiện hành, nhiều nhóm sản phẩm bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng được phép tự công bố và không cần phải kiểm nghiệm trước khi lưu hành. Chính sách này được cho là tạo thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế này đang bị một số doanh nghiệp lợi dụng để hợp pháp hóa sản phẩm không đạt chất lượng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Tuy nhiên, thực tế hàng loạt sữa giả, mì chính giả, thuốc giả bị phát hiện trong thời gian gần đây không chỉ là một lời cảnh báo, đó còn là chỉ dấu rõ ràng về sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc hàng hóa, nhất là khi phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn tự công bố chất lượng sản phẩm mà không thông qua bất kỳ cơ quan kiểm nghiệm nào.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng: “Các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm mà chỉ kiểm soát trên hồ sơ doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thông tin công bố, không có xác nhận của bên thứ ba. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lọt lưới và đến tay người tiêu dùng. Thực tế đã có những vụ việc doanh nghiệp sản xuất thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện”.
Truy xuất nguồn gốc từ khuyến khích thành bắt buộc
Trong khi người tiêu dùng mong muốn được bảo vệ, thì nhiều doanh nghiệp lại tìm cách lách luật để tiết kiệm chi phí, rút ngắn quy trình. Hệ quả là nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm trôi nổi, thuốc không đảm bảo an toàn vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt tại các kênh bán hàng trực tuyến hoặc vùng sâu, vùng xa.
Trần Khánh Thu, đoàn ĐBQH Thái Bình
Nguyên nhân nằm ở việc thiếu minh bạch trong nguồn gốc, thiếu hồ sơ khoa học chứng minh chất lượng, và đặc biệt là thiếu một cơ chế kiểm soát thực sự chặt chẽ đối với các sản phẩm có nguy cơ cao. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị việc truy xuất nguồn gốc không thể chỉ là khuyến khích, mà cần được quy định bắt buộc trong luật, nhất là với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
Một giải pháp được các đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất là, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, công khai toàn bộ hồ sơ tự công bố lên Cổng thông tin quốc gia, bao gồm tên nhà sản xuất, tên doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học, chứng nhận kiểm nghiệm... nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu, truy xuất, kiểm tra.
Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải minh bạch trong công bố chất lượng sản phẩm. Ví dụ như bánh kẹo, hóa chất, nước giải khát… người tiêu dùng khi nhìn vào bao bì sản phẩm là phải thấy thông tin rõ ràng để biết và lựa chọn.
Đặc biệt, với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm y học, mỹ phẩm chức năng…, đại biểu đề nghị bắt buộc phải có hồ sơ công bố, kèm tiêu chuẩn riêng, hồ sơ khoa học và kết quả kiểm nghiệm từ đơn vị độc lập.
Đối với những quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu nói quá công dụng, chữa bệnh, giảm cân cấp tốc, thì cần kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý dứt điểm, không để “nhờn luật”.
Không chỉ xử phạt mà phải công khai và buộc bồi thường
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cảnh báo rằng, việc kiểm tra, thanh tra sản phẩm phải đi đôi với nghiên cứu thị trường, đánh giá sự ưa chuộng của người tiêu dùng để lựa chọn trọng điểm giám sát. Đồng thời, cần có hệ thống cảnh báo sớm và cập nhật liên tục các sản phẩm nguy cơ mất an toàn.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái là không mới, nhưng nếu không có biện pháp khắc phục thực chất từ hệ thống pháp luật, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, thì bức xúc xã hội vẫn sẽ còn tiếp diễn. Người tiêu dùng không thể mãi “tự bảo vệ mình” trong một thị trường mà trách nhiệm lại bị đẩy về phía người yếu thế.
Vì thế nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải công khai tên doanh nghiệp vi phạm, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
“Nếu sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu sai thì phải xử lý, phải thông tin rõ ràng đến người dân, vì đó là việc hết sức cần thiết”, ông Hòa cho biết.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng, trong trường hợp sản phẩm được sản xuất để xuất khẩu nhưng không đạt điều kiện, thì không thể cho phép lưu hành trong nước chỉ vì phù hợp với quy chuẩn Việt Nam bởi như thế là tiêu chuẩn kép, vừa thiếu công bằng, vừa gây lo ngại cho người dân.
Việc sửa đổi các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin là bước đi bắt buộc, cần được Quốc hội và Chính phủ xem xét nghiêm túc trong thời gian tới.
Vân Hồng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/hang-gia-hang-nhai-dbqh-yeu-cau-xu-ly-dut-diem-khong-de-nhon-luat-post1200124.vov