Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế liên tục tốp đầu

Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế liên tục tốp đầu
3 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp mở rộng quy mô, thêm đơn hàng mới
Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (thị xã Việt Yên) là doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chuyên sản xuất, gia công các linh kiện điện tử, chi tiết như: Mạch tích hợp, màn hình điện thoại và thiết bị điện tử khác cho một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Đi vào hoạt động từ năm 2012 tại Bắc Giang, DN không ngừng phát triển, hiện nay tạo việc làm ổn định cho gần một nghìn lao động. Năm 2023, do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới và khó khăn sau đại dịch Covid-19, Công ty bị sụt giảm đơn hàng, sản xuất, kinh doanh gặp trở ngại.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina.
Bước sang năm nay, nhờ tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, DN tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới nên doanh thu tăng mạnh. 9 tháng năm 2024, doanh số bán hàng đạt hơn 70 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ khi hoạt động tại tỉnh Bắc Giang đến nay. Ông Tăng Cầm Xuân, Giám đốc kinh doanh Công ty cho biết: “Quá trình hoạt động tại Bắc Giang, DN được hỗ trợ về mặt bằng, tuyển dụng lao động và tháo gỡ vướng mắc các thủ tục từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch thuê nhà xưởng để mở rộng quy mô, mong muốn tiếp tục được kết nối, tuyển dụng lao động có tay nghề cao vào làm việc tại DN”.
Qua nắm bắt của ngành chức năng cho thấy, hiện nay, đa số DN duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Cùng với Công ty TNHH Blueway Vina, nhiều DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, nhất là các DN thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải và DN ngành cơ khí, chế tạo.
Một số DN lớn mở rộng quy mô, tạo bước đột phá về giá trị sản xuất như: Công ty TNHH-ICT Luxshare Vân Trung (doanh thu 9 tháng ước đạt 59.830 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước); Công ty TNHH Hana Micron Vina (doanh thu 9 tháng ước đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 61,26%)… Doanh thu của các tập đoàn tăng cao, đưa giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng toàn tỉnh đạt gần 500 nghìn tỷ đồng, tăng 28,5%. Thông tin từ Cục Thuế tỉnh, thu thuế từ DN FDI 9 tháng qua vượt 16,7% dự toán. Kết quả này cho thấy, DN đã phục hồi nhanh, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp cao cho ngân sách, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN
Sự bứt phá của các DN, đặc biệt là DN hoạt động lĩnh vực công nghiệp đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm, sang quý III, kinh tế tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng trưởng cao với mức 12,23%. Tuy nhiên, trong quý III lại đồng loạt xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi làm ảnh hưởng đến tăng trưởng như: Thời tiết biến đổi gây mất mùa vải thiều; sản xuất nông nghiệp bị tác động trực tiếp bởi bão số 3, hoạt động xây dựng suy giảm khi giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân cư thấp, các công trình dân dụng và chuyên dụng chậm được triển khai...
Một góc KCN Quang Châu, thị xã Việt Yên.
Ông Đồng Văn Sủng, Cục trưởng Cục Thống kê thông tin: “Quý III tăng trưởng 12,23% là mức thấp nhất trong 4 quý trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng vải thiều giảm và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, tổng hợp 2 yếu tố này làm giảm 2,26 điểm phần trăm tăng trưởng trong quý III (nếu nông nghiệp không giảm thì tăng trưởng chung vẫn đạt trên 14%)”.
Dự báo những tháng cuối năm, công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng, ước quý IV tăng khoảng 18%; khu vực dịch vụ ước tăng hơn 6%. Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 14,5%.
Với kết quả quý III như trên, cộng lại 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế Bắc Giang đạt 13,89%, đây vẫn là tốc độ tăng cao nhất cả nước. Khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (đóng góp 12,92 điểm phần trăm), đây là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp và tập trung ở các DN FDI với sản phẩm chính là linh kiện điện tử.
Như vậy, tính từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang luôn duy trì vị trí số 1 về tăng trưởng kinh tế, quy mô kinh tế xếp thứ 12 cả nước. Thành quả ấn tượng này là nhờ Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH để phục vụ thu hút đầu tư; lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN… Qua đó thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như: Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar, Hana micron… đến đầu tư. Cùng với tỉnh, nhiều giải pháp vĩ mô của Chính phủ về triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như giảm thuế VAT, giảm lệ phí trước bạ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... cũng giúp Bắc Giang thúc đẩy tăng trưởng.
Dự báo những tháng cuối năm, công nghiệp, xây dựng tiếp đà tăng trưởng, ước quý IV tăng khoảng 18%; khu vực dịch vụ ước tăng hơn 6%. Khắc phục khó khăn, để hoàn thành mục tiêu đề ra là tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 14,5%, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, từ nay đến cuối năm cần tập trung các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư. Yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì đánh giá các điều kiện kinh doanh đối với dự án bất động sản KCN, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Hỗ trợ các DN tuyển dụng lao động để sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn trong KCN. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP cần thường xuyên bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/bac-giang-tang-truong-kinh-te-lien-tuc-top-dau-161720.bbg