Bác Hồ trong ký ức 'Dũng sĩ diệt Mỹ' người Quảng Nam

Bác Hồ trong ký ức 'Dũng sĩ diệt Mỹ' người Quảng Nam
7 giờ trướcBài gốc
Cậu bé “tí hon” và cuộc gặp lịch sử với Bác
Năm 1965, khi mới 13 tuổi, giữa khói lửa ác liệt của quê hương, cậu bé Hồ Ngọc Biên (xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đã tình nguyện tham gia du kích. Tuổi thơ không có sách vở, chỉ có súng đạn và tinh thần bất khuất. Hai năm sau, năm 1967, cậu được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", một phần thưởng xứng đáng cho sự gan dạ, mưu trí của một đứa trẻ sinh ra giữa lòng kháng chiến.
Ông Hồ Ngọc Biên cùng kỷ vật là tấm hình chụp với Bác Hồ khi vừa tròn 15 tuổi
Ngày 20/12/1968, giữa tiết trời mùa đông Hà Nội, cậu bé Hồ Ngọc Biên vừa tròn 15 tuổi, dáng người nhỏ thó cùng sáu chiến sĩ nhỏ tuổi khác từ chiến trường miền Nam được đưa ra Bắc, dự Lễ kỷ niệm 8 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi ấy, không ai trong đoàn biết rằng, một cuộc gặp thiêng liêng đang chờ đón mình. “Khi Bác Hồ vừa bước ra sân khấu, mọi người ùa lên. Tôi vốn nhút nhát, nên rón rén vòng ra sau, ôm lấy Bác từ phía sau. Bác quay lại xoa đầu tôi, dịu dàng nói: "Lên cháu, lên đây với Bác".
Từng câu, từng chữ như được khắc bằng lửa vào trí nhớ cậu bé. “Nếu lúc đó không gặp Bác, không được nghe lời dạy bảo, có lẽ cuộc đời tôi đã khác”, ông Biên nghẹn ngào. Khoảnh khắc ấy được lưu giữ mãi bằng một bức ảnh như minh chứng cho một niềm vinh dự thiêng liêng.
Lần gặp thứ hai đến vào ngày 13/2/1969 đúng dịp Tết Mậu Thân. Bác Hồ mời đoàn “dũng sĩ tí hon” vào Phủ Chủ tịch dùng bữa cơm Tết. Đó không chỉ là bữa cơm giản dị, ấm tình quê hương, mà là dịp để Bác căn dặn từng người: Phải học hành, phải rèn luyện, phải lớn lên làm người cộng sản gương mẫu.
“Sau Tết, tôi được đưa về Trung đoàn 253 để học tập. Vì học chậm hơn các bạn, đơn vị bố trí đến ba thầy giáo dạy riêng cho tôi. Tôi tự nhủ mình phải học thật tốt, thật chăm chỉ để không phụ lòng Bác. Nếu không được gặp Bác khi ấy, chắc gì tôi đã giữ được mình đến tận hôm nay”, ông Biên trải lòng.
Hai lần vào Đảng, một lần rơi nước mắt
Ông Hồ Ngọc Biên sinh ra trong một gia đình mà chất thép cách mạng thấm từ hơi thở. Cha từng bị giam giữ 21 năm trong địa ngục trần gian Côn Đảo, mẹ ông là một trong sáu đảng viên đầu tiên của xã Tiên Lộc. Tuổi thơ của ông không có những ngày vui như bao đứa trẻ khác. Ông lớn lên bằng cơm độn khoai và những câu chuyện về lý tưởng, về lòng trung thành. Từ nhỏ, ông đã hiểu làm cách mạng không chỉ là cầm súng ra trận, mà còn là giữ mình giữa gian nan, đứng vững giữa cám dỗ.
Ngày 30/7/1971, giữa lớp dũng sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được đào tạo đặc biệt, chỉ bốn người được kết nạp Đảng. Ông Biên là một trong số đó. Từ chiến khu, ông viết thư về cho mẹ: “Con đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi. Con hứa với cha mẹ sẽ sống xứng đáng!”. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông, mà còn là ánh sáng thắp lên trong ngôi nhà tranh giữa vùng rừng núi Tiên Phước.
Gia đình ông Biên hiện tại có 9 Đảng viên, một “gia đình cách mạng” đúng nghĩa giữa lòng trung du xứ Quảng
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, lần lượt giữ nhiều cương vị: Bí thư Huyện đoàn, Phó Bí thư Chi bộ xã, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiên Lộc. Những tưởng con đường cách mạng của ông cứ thế nối dài, nhưng không ai lường trước được một cơn giông giữa trời quang.
Tháng 4/1990, trong một cuộc họp nội bộ, ông Biên vì một phút nóng nảy đã có phát ngôn không đúng mực với cấp trên. Kỷ luật Đảng được thực thi. Ông bị cho ra khỏi hàng ngũ. Một quyết định như lưỡi dao cắt ngang niềm tin. Ông về nhà, lặng lẽ như cái bóng. Không ai thấy ông than vãn, không ai nghe ông oán trách. Chỉ thấy một người đàn ông sớm tối lặng thầm với mảnh vườn, những buổi sinh hoạt cựu chiến binh mà không bao giờ bước lên bục phát biểu. “Người cộng sản mà không giữ được mình thì chỉ còn là cái bóng”, ông lặng giọng. “Tôi thấy mình có lỗi với Bác, với cha, với mẹ. Tự nhủ nếu còn sống là còn có thể sửa sai”.
Người vợ hiền của ông - cô giáo Võ Thị Thạnh không trách, không giận. Bà chỉ nhẹ nhàng: “Ông đừng gục ngã. Còn sống là còn có thể đứng dậy”. Cả gia đình ông sống trong thầm lặng, giữ trọn vẹn niềm tin vào một ngày ông trở lại.
Và rồi, ngày 17/4/2006, sau 16 năm sống lặng thầm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định kết nạp lại ông Hồ Ngọc Biên vào Đảng. Ngày cầm lại thẻ Đảng trong tay, ông bật khóc. Khóc không phải vì sung sướng, mà vì ông hiểu sâu sắc một điều “Đảng có thể nghiêm khắc, nhưng Đảng không bao giờ bỏ rơi người biết ăn năn, biết sửa mình”, ông Biên nghẹn ngào, và đó là lần ông thật sự trở về.
Tấm gương sáng giữa đời thường
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ nằm nép mình bên triền đồi xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước - vùng trung du rắn rỏi và đậm đà khí chất Quảng Nam, người ta dễ bắt gặp hình ảnh quen thuộc ông Hồ Ngọc Biên đang cặm cụi chăm chút từng gốc cây trong khu vườn nhỏ sau nhà.
Ít ai nghĩ rằng, người cựu chiến binh lặng lẽ ấy từng là Dũng sĩ diệt Mỹ, từng được hai lần gặp Bác Hồ, từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, là tấm gương sáng, suốt đời sống vì Đảng, vì dân.
Giờ đây, khi đã 73 tuổi, ông Biên vẫn giữ phong thái ung dung, đôn hậu. Ông sống cùng người vợ thủy chung và bốn người con là những cán bộ, chiến sĩ, đảng viên tiêu biểu nối tiếp truyền thống gia đình. Người con đầu là cán bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, người thứ hai đang công tác tại Ban Quản lý dự án – Quỹ đất – Đô thị huyện. Người con thứ ba đang phục vụ trong Quân khu 5, còn người con út là cán bộ Văn phòng UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Chín đảng viên trong một mái ấm, một “gia đình cách mạng” đúng nghĩa giữa lòng trung du xứ Quảng.
“Đồng chí Biên là một người đáng kính, luôn mẫu mực trong công tác cũng như đời sống thường ngày” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tiên Phước, ông Nguyễn Văn Thông nhận xét. “Dù tuổi cao, ông vẫn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống giản dị, khiêm nhường, chân thành. Ở ông, không có gì là phô trương, tất cả đều toát lên từ sự tử tế, liêm chính trong từng lời nói, hành động. Tư cách, đạo đức và lối sống giản dị của đồng chí là điều mà thế hệ trẻ cần học hỏi”.
Không ồn ào, không khoa trương, tấm gương của ông Hồ Ngọc Biên lặng lẽ lan tỏa như mạch nguồn ấm áp giữa đời thường, để lại dấu ấn bền lâu trong lòng đồng đội, đồng chí và nhân dân quê hương Tiên Phước (Quảng Nam) - nơi ông đã cống hiến cả tuổi trẻ và cuộc đời cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Hải Nam
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/bac-ho-trong-ky-uc-dung-si-diet-my-nguoi-quang-nam-479241.html