Đẩy mạnh các ngành kinh tế chủ lực
Cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến thăm Nhà máy chế biến thủy sản Việt-Úc tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu), chúng tôi chứng kiến quy mô lớn và tính hiện đại của Nhà máy. Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Xác định ngành nông nghiệp giữ vai trò “trụ đỡ”, góp phần tăng trưởng kinh tế, cùng với Nhà máy chế biến thủy sản Việt-Úc, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2023 đạt 478.974 tấn, dự kiến năm nay sẽ đạt 553.926 tấn; trong đó sản lượng tôm tăng bình quân 22,6%/năm”.
Để có được những kết quả tích cực, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều biện pháp như: Tập trung hướng dẫn cho nông dân thực hiện việc nuôi trồng theo đúng kế hoạch; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị được thực hiện chặt chẽ. “Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những tín hiệu khởi sắc trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng; sản lượng lúa tăng từ 1.143.234 tấn năm 2019 lên 1.229.755 tấn năm 2023”, đồng chí Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ thêm.
Lãnh đạo Quân khu 9 và tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Ảnh: VĂN ĐÔNG
Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án khi đã có chủ trương đầu tư; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động trong quá trình triển khai thực hiện... Đồng chí Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu tâm sự: “Toàn tỉnh hiện có lưới điện dài hơn 7.331km; 8 dự án điện gió với tổng công suất hơn 469MW. Hiện nay, chúng tôi cũng đang triển khai một số dự án nhà máy điện khí, điện gió, hệ thống truyền tải điện... bảo đảm đồng bộ với các dự án đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh”.
Phát huy vai trò cơ quan quân sự
Tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH luôn gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực QP, AN trong khu vực phòng thủ (KVPT). Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng KVPT các cấp, Bộ CHQS tỉnh và cơ quan quân sự các địa phương đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong phát triển KT-XH với tăng cường QP, AN, nhất là chủ động tham gia thẩm định các dự án kinh tế của địa phương; tham mưu điều chỉnh, hoàn thiện theo yêu cầu, nhiệm vụ QP, AN... “Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều đề án phát triển KT-XH, cụm, khu công nghiệp được quy hoạch bảo đảm phù hợp với tổ chức xây dựng KVPT và thế trận phòng thủ chung. Đặc biệt, các đơn vị làm kinh tế-quốc phòng cũng phát triển sản xuất, kinh doanh với thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân; vừa thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương vừa tạo nguồn dự trữ quốc gia khi cần thiết”, Đại tá Đỗ Minh Đẩu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Nhận thức rõ vai trò nòng cốt của LLVT trong giữ gìn ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển KT-XH ở địa phương, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh về mọi mặt. Công tác huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức QP, AN được đổi mới, nâng cao, phù hợp với từng đối tượng. Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Bộ CHQS tỉnh thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội; tổ chức ngày hội tòng quân, Tết quân dân... qua đó góp phần củng cố thế trận lòng dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những khó khăn của tỉnh Bạc Liêu là việc quy hoạch phát triển KT-XH, gắn với QP, AN mặc dù được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, liên hoàn. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở chưa thật sự mang tính “lưỡng dụng”... “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải kết hợp phát triển KT-XH với QP, AN; tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực QP, AN trong KVPT; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các hoạt động đối ngoại... góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH bền vững trong thời gian tới”, đồng chí Phạm Văn Thiều khẳng định.
QUANG ĐỨC