Người đàn bà chồm chồm gào thét, người đàn ông lao ra đánh điều dưỡng ngay cạnh giường bệnh, nơi các y bác sỹ đang dùng hết tốc lực cứu chữa cho con cháu mình. Đó là đỉnh điểm của một vấn nạn đã tồn tại âm ỉ từ lâu: Sự côn đồ hóa trong môi trường bệnh viện, nơi lẽ ra phải là nơi thiêng liêng nhất để bảo vệ sự sống.
Hình ảnh ấy - những y bác sỹ gồng mình cứu đứa trẻ trong tiếng la hét man rợ và nắm đấm bạo lực - là sự đối lập rõ rệt giữa lành và dữ. Ở đó, những người mang sứ mệnh cứu người đứng đơn độc, cô đơn đến tận cùng.
Y bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ tập trung cấp cứu trong tiếng gào thét, mắng chửi và quấy rối của bệnh nhân.
Tháng 11/2023, khi bác sỹ ở Bệnh viện Quận 7 TP.HCM yêu cầu người nhà ra ngoài để họ khâu vết thương nhẹ cho bệnh nhân bị ngã thì bị chửi bới, nhục mạ một cách hung dữ. Bác sỹ phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu thì bị người kia đuổi theo đánh vào mặt, khiến công an phải đến can thiệp.
Hơn 10 ngày sau, nhân viên bệnh viện này lại bị tấn công. Nhận được cuộc gọi cấp cứu từ một quán nhậu rằng có người say rượu ngã bất tỉnh trong nhà vệ sinh, họ đến ngay, và vì nhà vệ sinh hẹp nên đề nghị người nhà hỗ trợ đưa bệnh nhân vào băng ca. Có thế mà người này cũng nổi giận, chẳng những mắng mỏ mà còn đạp mạnh vào lưng một nhân viên y tế đang đưa bệnh nhân trên băng ca chuyển ra ngoài.
Còn tại phòng Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đêm tháng 7/2022, người đàn ông vừa la hét đe dọa vừa xông vào bóp cổ, đẩy ngã bác sỹ đang khám cho bệnh nhân khác. Nguyên do là con gái 10 tuổi của anh ta bị hóc xương cá, bác sỹ khám thấy bé sinh hiệu bình thường, không khó thở hay la khóc nên hướng dẫn ngồi chờ khoảng 10 phút để bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng đến nội soi gắp xương. Khoảng 5 phút sau, bác sỹ đang xem phim chụp cho các bệnh nhân khác thì bị ông bố kia tấn công.
Một vụ việc gây phẫn nộ khác xảy ra đêm 15/9/2024 tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông nguy kịch, bác sỹ làm mọi thao tác cấp cứu cần thiết, bật báo động đỏ hội chẩn toàn viện và xác định cần chuyển tuyến mới có thể cứu sống. Người nhà không nghe giải thích mà liên tục chửi bới, nhục mạ, đe dọa rồi xông vào đánh bảo vệ và bác sỹ.
Việc nỗ lực cấp cứu vẫn được tiếp tục, tình trạng bệnh nhân ngày càng tệ, nhưng khi xe 115 đến đón lên tuyến trên thì hai người nhà lại lao tới hành hung bác sỹ. Thay vì báo công an, bác sỹ tập trung cấp cứu cho người bệnh, nhưng thật đau lòng là nạn nhân không qua khỏi. Nếu người nhà không cản trở và tấn công nhân viên y tế, có thể anh còn có cơ hội sống.
Cần hình sự hóa tất cả hành vi bạo lực trong bệnh viện.
Ngay tại nơi ánh đèn phẫu thuật chưa kịp nguội, những kẻ côn đồ và ngu muội sẵn sàng biến phòng cấp cứu thành chiến trường, làm hại sinh mạng những người đang chờ cứu.
Danh sách những vụ hành hung nhân viên y tế trải dài khắp các địa phương, từ thành phố lớn đến bệnh viện huyện xa xôi. Điều đáng sợ hơn cả là những hành vi ấy ngày càng trắng trợn, ngang ngược.
Bệnh viện, phòng cấp cứu đáng lẽ phải là nơi tối thượng để bảo vệ sự sống, lại trở thành nơi tung hoành của những kẻ thiếu giáo dục, côn đồ. Thật đau đớn khi một bộ phận người dân coi bác sỹ như “kẻ phải chịu mọi trách nhiệm” nếu rủi ro y khoa xảy ra, bất chấp nỗ lực tận tâm cứu chữa của họ.
Sự nóng giận trong nỗi lo sợ, đau xót mất người thân có thể phần nào thông cảm. Nhưng việc biến đau thương thành hành động bạo lực đối với những người đã và đang cố cứu vãn sự sống không còn là mất kiểm soát nhất thời, mà là biểu hiện trần trụi của sự suy đồi đạo đức.
Cái ác hiện hình rõ ràng trong từng ánh mắt đỏ ngầu, từng lời chửi bới thô tục, từng cú đấm nhằm thẳng vào người thầy thuốc không vũ khí, không sức tự vệ. Những y bác sỹ vốn chỉ quen cầm dao mổ cứu người lại phải đối mặt với đao kiếm, nắm đấm, dao găm ngay tại nơi mình đang giành giật từng giây sự sống cho bệnh nhân.
Không chỉ một lần các nhân viên y tế lên tiếng cầu cứu. Các bệnh viện từng nhiều lần phải viết đơn kiến nghị gửi cơ quan công an, yêu cầu hỗ trợ an ninh. Một số nơi buộc phải đặt chốt bảo vệ ngay tại phòng cấp cứu, cảnh tượng vốn chỉ thấy ở những nơi giam giữ tội phạm.
Nhưng những biện pháp ấy chỉ là "chữa cháy". Vấn đề cốt lõi cần thay đổi là ý thức xã hội, hệ thống pháp luật phải nghiêm khắc đến mức những kẻ dám động đến bác sỹ, hộ lý khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người đều phải trả giá đích đáng.
Cần hình sự hóa tất cả hành vi bạo lực trong bệnh viện, bất kể hậu quả thực tế xảy ra ra sao. Cần thiết lập những khu vực "bất khả xâm phạm" cho nhân viên y tế như khu vực an toàn đặc biệt. Và trên hết, cần một chiến dịch giáo dục cộng đồng sâu rộng về việc tôn trọng mạng sống và những người cứu mạng.
Sự cô đơn của những chiếc áo blouse trắng trong lúc đối diện với côn đồ cũng là sự cô đơn của những giá trị nhân văn trong lòng xã hội. Nếu chúng ta không lên tiếng, không hành động, không bảo vệ những người đang bảo vệ mạng sống chúng ta, thì ngày mai, không chỉ bác sỹ, mà tất cả chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự vô pháp và tàn nhẫn.
Bác sĩ không thể vừa cứu bệnh nhân, vừa tự cứu lấy mạng mình. Đừng để những chiến binh áo trắng phải chiến đấu trong cô đơn.
Lê Long