Backlog mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) ước đạt hơn 7 tỷ USD từ nay đến năm 2030

Backlog mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) ước đạt hơn 7 tỷ USD từ nay đến năm 2030
5 giờ trướcBài gốc
Khối lượng việc mảng M&C có thể đạt hơn 7 tỷ USD
Mảng chế tạo, xây lắp cơ khí (M&C) sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong thời gian tới.
Trong năm 2024, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HoSE) ghi nhận hơn 23.880 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.411 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23,2% và tăng 33,2% so với năm 2023.
Riêng quý 4/2024, tổng công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 183%, đạt khoảng 705 tỷ đồng - mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Kết quả này đến từ việc thu nhập khác đạt tới 573 tỷ đồng khi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hạch toán khoản giảm nợ từ nhà cung cấp (311 tỷ đồng) khi công ty con - Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC - CGGV tiến hành giải thể, và khoản hoàn nhập dự phòng dài hạn (251 tỷ đồng) tại dự án điện gió ngoài khơi Gallaf Giai đoạn 1.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng chế tạo, xây lắp cơ khí (M&C) chiếm gần 59% tổng doanh thu năm 2024 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Theo sau là mảng lắp đặt sửa chữa (chiếm 11,4%); mảng kho nổi chứa, xử lý dầu thô FSO/FPSO (chiếm 9,9%); mảng tàu kỹ thuật (chiếm 9,1%); mảng căn cứ cảng (chiếm 6,1%); và mảng khảo sát địa vật lý (chiếm 2,1%).
Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, mảng M&C sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong thời gian tới. Mặc dù lợi nhuận gộp trong năm 2024 của mảng này chỉ đạt 1,5% nhưng với tỷ lệ dự phòng dài hạn công trình là 5% thì lợi nhuận gộp vẫn đạt mức 6,5%.
Chứng khoán VPBank dự báo lợi nhuận gộp mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ dần được mở rộng trong thời gian tới khi các dự án điện gió đi qua giai đoạn đầu - giai đoạn thường có tỷ lệ chi phí cao nhất.
Tại thời điểm cuối năm 2024, khoản dự phòng phải trả dài hạn công trình từ hoạt động chế tạo cơ khí của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là 1.819 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận bổ sung cho tổng công ty trong các năm tới.
Danh sách các dự án phát triển dầu khí và dự án điện gió ngoài khơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể tham gia trong giai đoạn 2024 - 2030. (Nguồn: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán VPBank)
Đồng thời, trong giai đoạn 2024 - 2030, hàng loạt dự án đầu tư lớn của ngành dầu khí Việt Nam trong phân khúc thượng nguồn sẽ được đẩy mạnh triển khai, điển hình là dự án Lô B, dự án Lạc Đà Vàng, dự án Sư Tử Trắng Giai đoạn 2 B… Với vị thế là nhà thầu lớn, uy tín, và cung cấp dịch vụ kỹ thuật trải dài từ thăm dò tìm kiếm, phát triển mỏ, chế tạo thiết bị, và dịch vụ kho nổi, cơ hội phát triển của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá ở mức rất lớn. Chứng khoán VPBank dự báo giá trị công việc mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể đạt mức từ 6,5 - 7,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã mở rộng hoạt động chế tạo cơ khí sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư và chủ đầu tư quốc tế. Dữ liệu của Chứng khoán VPBank cho thấy, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đem về lượng công việc trị giá 1,5 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong những năm qua.
Dự kiến con số này sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi tổng công ty đẩy mạnh tham gia các dự án mới và các quốc gia tăng tốc thực hiện cam kết quốc tế về chuyển đổi năng lượng bền vững.
Tiềm năng lớn từ mảng FSO/FPSO và căn cứ hậu cần dầu khí
Danh sách các kho nổi FSO/FPSO của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang hoạt động tại các dự án. (Nguồn: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán VPBank)
Đối với các mảng kinh doanh khác của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán VPBank nhận định lĩnh vực kho nổi chứa, xử lý dầu thô FSO/FPSO và lĩnh vực cảng, căn cứ hậu cần dầu khí sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.
Cụ thể, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang là đơn vị lớn nhất trong nước về mảng FSO/FPSO với việc đồng sở hữu 06 kho nổi chứa xuất dầu khí đang hoạt động tại các dự án khai thác dầu khí tại Việt Nam. Các kho nổi này có thời gian hoạt động dài hạn đến 2030 - 2035 và có thể tiếp tục gia hạn theo thời gian khai thác của các mỏ dầu khí.
Trong giai đoạn 2024 - 2030, tổng công ty tiếp tục có cơ hội trúng thầu cung cấp các kho nổi FSO/FPSO cho các dự án đã lên kế hoạch triển khai như Lạc Đà Vàng, Lô B, Nam Du U Minh,… và các dự án có thể được triển khai như Kèn Bầu - Cá Voi Xanh… Chứng khoán VPBank ước tính giá trị đầu tư của các dự án này lên tới 10.000 tỷ đồng.
Doanh thu (tỷ đồng), lợi nhuận gộp (tỷ đồng), và biên lợi nhuận gộp mảng cảng căn cứ hậu cần dầu khí của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. (Nguồn: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán VPBank)
Đối với mảng cảng căn cứ hậu cần dầu khí, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang quản lý và khai thác các cụm cảng căn cứ dầu khí quan trọng trên cả nước, gồm khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, và Quảng Ngãi. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng cho việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trên biển đối với ngành dầu khí Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi, hệ thống cảng hậu cần này sẽ tiếp tục được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực hoạt động khai thác. Giá trị đầu tư theo kế hoạch giai đoạn 2024 - 2030 là khoảng 6.380 tỷ đồng, bao gồm cả hệ thống máy móc thiết bị sản xuất.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/backlog-mang-m-c-cua-dich-vu-ky-thuat-dau-khi--pvs--uoc-dat-hon-7-ty-usd-tu-nay-den-nam-2030-133104.htm