Chỉ sau vài năm vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam nổi lên như một trong những “ông trùm” ngành chăn nuôi, thực phẩm sau chiến lược chuyển dịch toàn diện về cả mô hình tăng trưởng và cơ cấu tài chính.
Trong quý I/2025, giá heo hơi vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg đã giúp BAF ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh ấn tượng với định hướng tập trung hoàn toàn vào chăn nuôi khép kín, nơi gần như toàn bộ lợi nhuận được tạo ra từ mảng cốt lõi này.
“BAF sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành chăn nuôi Việt Nam nhờ chiến lược mở rộng mạnh mẽ và tối ưu chi phí”, các chuyên gia của công ty chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh trong báo cáo phân tích mới nhất.
Lợi nhuận kỉ lục trong kỳ
Quý I/2025, BAF đạt doanh thu thuần 1.100 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh 26%, còn 833 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi gộp vọt lên 290 tỷ đồng, gấp 2,27 lần cùng kỳ, với biên lãi gộp cải thiện từ 10% lên gần 26%.
Dù chi phí tài chính tăng 56% và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2,2 lần do mở rộng quy mô, lãi thuần vẫn đạt 138 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý, gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ hoạt động chăn nuôi với sản lượng heo bán ra khoảng 160.000 con, đúng với định hướng chiến lược của ban lãnh đạo đề ra.
So với cùng kỳ, khi BAF ghi nhận hơn 100 tỷ đồng từ bán đất tại Mai Chí Thọ (TP.HCM), lãi ròng quý I/2025 chỉ tăng 11%, đạt 132 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mức lãi kỷ lục từ mảng chăn nuôi kể từ khi niêm yết, minh chứng cho sự chuyển dịch thành công sang mảng kinh doanh cốt lõi.
Giá heo hơi duy trì ở mức cao đem lại lãi "khủng" cho BAF. Ảnh: MBS
Đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản BAF đạt gần 8.600 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi tăng 2,6 lần, đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Tồn kho ghi nhận 2.200 tỷ đồng, chủ yếu là heo sẵn sàng ra thị trường. Tài sản cố định đạt 2.400 tỷ đồng, và các trang trại dở dang trị giá gần 1.000 tỷ đồng dự kiến vận hành trong quý II/2025.
Triển vọng tăng trưởng
BAF đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu thuần 5.602 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 774 tỷ đồng, tăng 91% so với 2024. Doanh thu sẽ tập trung hoàn toàn vào chăn nuôi, với sản lượng heo thương phẩm dự kiến 900.000 con.
“Sang năm 2025, BAF sẽ không phát triển mảng nông sản, chỉ tập trung 100% vào chăn nuôi,” bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc BAF khẳng định, nhấn mạnh mô hình khép kín 3F (Feed - Farm - Food) là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Trong mảng Feed, BAF khởi công nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ ba tại Bình Định, công suất 300.000 tấn/năm, nâng tổng công suất hệ thống lên 760.000 tấn/năm.
Ở mảng Farm, công ty dự kiến vận hành 8 trang trại mới với 17.500 heo nái và 156.000 heo thịt, đồng thời khởi công 13 trang trại và cụm trang trại.
BAF cũng chuẩn bị pháp lý cho dự án chăn nuôi nhà tầng tại Tây Ninh, hợp tác với Tập đoàn Muyuan (Trung Quốc), quy mô 1.550 ha, tích hợp trang trại và nhà máy sản xuất thức ăn.
“BAF đặt mục tiêu dài hạn đến năm 2030 sẽ bán ra 10 triệu con heo thương phẩm,” ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây.
Mảng thực phẩm được đẩy mạnh với nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước, năng lực giết mổ 240 con/giờ và chế biến 100.000 suất ăn công nghiệp/ngày. “Sau năm 2030, chúng tôi sẽ trở thành một công ty thực phẩm,” ông Bá nhấn mạnh.
MBS đánh giá cao BAF nhờ mô hình 3F khép kín, giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị từ thức ăn chăn nuôi, trang trại đến phân phối sản phẩm thịt.
BAF được dự báo tiếp đà tăng trưởng sản lượng và doanh thu mảng chăn nuôi. Ảnh: MBS
“Mô hình này giúp BAF chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm rủi ro biến động giá,” MBS nhận định. Hệ thống trang trại ứng dụng công nghệ cao cũng giúp công ty hạn chế rủi ro dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
MBS dự báo giá heo trong giai đoạn 2025-2026 sẽ duy trì ở mức cao, từ 65.000 đến 70.000 đồng/kg, tăng 10% so với trung bình năm 2024, do nguồn cung từ nông hộ giảm dưới tác động của Luật Chăn nuôi và nhu cầu tiêu thụ thịt heo ổn định.
“Hai tháng đầu năm 2025, giá heo tăng mạnh lên 80.000 đồng/kg do thiếu nguồn cung trước Tết và dịch bệnh,” MBS cho biết, dự đoán giá có thể giảm nhẹ trong quý II/2025 nhưng vẫn neo ở mức cao.
Luật Chăn nuôi 2018 và dịch tả heo châu Phi đã làm tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 70% xuống dưới 50%, dự kiến còn 30% vào năm 2030. “BAF muốn lấy thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, và chúng tôi phải đi thật nhanh, nếu không đối thủ sẽ chiếm mất,” ông Bá cho biết.
Giá heo hơi tăng hơn 30% trong năm 2024, cùng với giá thức ăn chăn nuôi giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giúp BAF duy trì biên lợi nhuận cao.
BAF dự kiến đầu tư mạnh mẽ, với tổng vốn có thể lên tới 53.000 tỷ đồng đến năm 2030, trong đó 23.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Hợp tác với Muyuan giúp áp dụng công nghệ chăn nuôi thông minh, giảm rủi ro dịch bệnh.
Về triển vọng, MBS nhấn mạnh động lực tăng trưởng của BAF đến từ chiến lược mở rộng trang trại và nâng quy mô tổng đàn. Công ty dự kiến nâng số trang trại lên 50 và đạt 90.000 heo nái cùng sản lượng 1 triệu heo thương phẩm vào năm 2025.
Hợp tác với Muyuan để chuyển giao công nghệ chăn nuôi hiện đại giúp BAF giảm rủi ro dịch bệnh và nâng cao năng lực sản xuất. “Mô hình 3F giúp kiểm soát chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm 60-70% giá vốn,” MBS phân tích.
MBS dự báo lợi nhuận ròng năm 2025 của BAF đạt 659 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2024, nhờ sản lượng heo tăng 43% và giá heo tăng 10%. Năm 2026, lợi nhuận ròng có thể tăng tiếp gần 40%.
Dũng Phạm