Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Hàng hải đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi Tổ quốc thống nhất, ngành Hàng hải đã có bước phát triển nhảy vọt. Từ chỗ trước đây chỉ quản lý 1.000km bờ biển, nay đã quản lý 3.260km bờ biển, hệ thống cảng biển Bắc-Trung-Nam, các tuyến giao thông vận tải trong và ngoài nước, hệ thống cảng biển lọt top 50 thế giới và hệ sinh thái logistics vươn rộng ra nhiều vùng của đất nước, tạo tiền đề cho bước đột phá của kỷ nguyên vươn mình của đất nước...
Bài 1: Chuyến tàu biển đầu tiên với hành trình biểu tượng của sự thống nhất
Trong những năm tháng hào hùng này, không ít tập thể tàu và các cá nhân đã đóng góp sức lực, xương máu và cả sinh mạng để duy trì con đường huyết mạch trên biển, phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước
“Giải phóng đến đâu, đường biển vào sâu đến đó”
Trong phòng truyền thống của Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) hiện nay còn lưu giữ rất nhiều những tư liệu về quá trình hình thành và phát triển 55 năm qua của đơn vị, trong đó có chuyến tàu biển đầu tiên nối hai miền đất nước sau ngày giải phóng.
Giọng chậm rãi xen lẫn đầy tự hào, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc VOSCO kể về những trang sử hào hùng của các thế hệ cha, anh đi trước, về những chuyến tàu biển vượt trùng dương chuyên chở những người con sau 21 năm mới trở về miền Nam sau ngày non sông về một dải.
Ngày 01/7/1970, VOSCO được thành lập trên cơ sở thống nhất tổ chức vận tải của 3 đội tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng, mở đầu cho sự chuyển hướng từ phương thức hoạt động vận tải biển trong chiến tranh sang phương thức tổ chức quản lý hoạt động vận tải trong điều kiện nửa chiến tranh, nửa hòa bình.
Đội tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng đã vận tải nhiều chuyến hàng chi viện cho chiến tranh miền Nam. (Ảnh: TTXVN)
Giai đoạn 1970-1975, tên tuổi của VOSCO gắn liền với thời kỳ ngành đường biển dốc toàn lực thực hiện cả hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Trong giai đoạn này, những con tàu của VOSCO là lực lượng xung kích, tham gia nhiều chiến dịch vận tải lớn từ Hải Phòng vào khu 4, từ đó vận chuyển hàng hóa vào miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới làn mưa bom bão đạn, đội tàu VOSCO kiên cường, dũng cảm mở tuyến vận tải Đông-Bắc, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, duy trì mạch máu giao thông trên biển, sát cánh cùng các lực lượng vận tải khác góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.
“Tình yêu đất nước đã được người chiến sỹ giao thông vận tải của VOSCO chuyển hóa thành tinh thần, ý chí, nghị lực quật cường, là những viên gạch đầu tiên xây đắp lên truyền thống đoàn kết, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của lớp lớp thế hệ cán bộ nhân viên, sỹ quan thuyền viên sau này,” ông Minh chia sẻ.
VOSCO đã huy động phần lớn lực lượng phương tiện, tàu nhỏ đi trước, tàu lớn đi sau, thi đua vận chuyển bám sát bước chân của đoàn quân giải phóng để đưa bộ đội, vũ khí, lương thực vào miền Nam.
Với quyết tâm đáp ứng cao nhất yêu cầu vận tải phục vụ chiến đấu, sản xuất của miền Nam, năm 1975, VOSCO cùng toàn ngành Đường biển tham gia tích cực vào phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành toàn thắng.
Phục vụ cho chiến dịch lịch sử này, VOSCO đã huy động phần lớn lực lượng phương tiện, tàu nhỏ đi trước, tàu lớn đi sau, thi đua vận chuyển bám sát bước chân của đoàn quân giải phóng để đưa bộ đội, vũ khí, lương thực vào các cảng mà quân địch bị tiêu diệt hoặc rút chạy, cùng với lực lượng vận tải khác phục vụ kịp thời cuộc tiến công thần tốc của quân ta. Công ty đã sử dụng 36 tàu VS (50 tấn) chở tên lửa, hàng quân sự phục vụ chiến đấu.
Với phương châm “Giải phóng đến đâu, đường biển vào sâu đến đó”, chỉ sau hai ngày địch rút chạy khỏi Thừa Thiên-Huế, tàu của Công ty đã vào cửa Thuận An. Đã Nẵng vừa giải phóng được ba ngày, bốn tàu Giải Phóng đã cập cầu cảng sông Hàn, sau đó được giao nhiệm vụ chở đồng bào di tản trở về Huế; tiếp theo là các tàu Bến Thủy, Sông Đà lần lượt đưa hàng vào Đà Nẵng trước sự đón tiếp, chào mừng nồng nhiệt của đồng bào, đồng chí. Khi địch vừa rút khỏi Phan Thiết, Xuân Lộc thì cũng là lúc tàu Giải Phóng, tàu VS có mặt ở Quy Nhơn, Nha Trang.
Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, lịch sử của đất nước bước sang một trang mới sau những năm bị chia cắt. Ngay sau đó, một chuyến hành trình trên biển đầy cảm xúc và ý nghĩa đã được thực hiện. Con tàu mang tên Sông Hương với hành trình Bắc-Nam đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất, niềm hy vọng và hạnh phúc đoàn tụ.
Mật lệnh đặc biệt cho chuyến tàu
Chỉ tay vào bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian về tập thể sỹ quan thuyền viên tàu Sông Hương được tặng hoa trên tay, đón tiếp nồng hậu sau khi cập bến Cảng Nhà Rồng vào tháng 5/1975, ông Minh tiếp tục kể cho chúng tôi về nguồn gốc tàu Sông Hương - chuyến tàu biển đầu tiên với hành trình Bắc-Nam đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất, niềm hy vọng và hạnh phúc đoàn tụ.
Thuở ấy, sau khi hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), từ đầu năm 1974, được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường biển dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Lê Văn Kỳ đã đầu tư mua một loạt các tàu như 3 tàu hàng khô Sông Hương, Đồng Nai, Hải Phòng (cùng trọng tải 9.580 DWT) của Thụy Điển và 2 tàu chở dầu Cửu Long 01, Cửu Long 02 của Na Uy (cùng trọng tải 20.840 DWT) bằng phương pháp vay mua và giao cho VOSCO quản lý.
Tàu Sông Hương - chuyến tàu biển đầu tiên với hành trình Bắc-Nam đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
“Tàu Sông Hương là con tàu đẹp nhất, lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam lúc bấy giờ. Tàu được đóng năm 1965, Công ty nhận bàn giao và đưa tàu vào khai thác từ ngày 19/12/1974. Đây là một quyết định sáng suốt của Cục trưởng Lê Văn Kỳ - người có tầm nhìn xa, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam,” ông Minh bồi hồi nhớ lại.
Tàu Sông Hương là con tàu đẹp nhất, lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam lúc bấy giờ.
Đầu tháng 5/1975, khi tàu Sông Hương đang trên đường từ Nhật Bản trở về cảng Hải Phòng để trả hàng thì nhận được mật lệnh từ Giám đốc Công ty Vận tải biển Việt Nam: “Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường biển và Công ty yêu cầu sau khi trả xong hàng thuyền trưởng khẩn trương đưa tàu ra vịnh Hạ Long chọn vị trí neo thích hợp, an toàn và kín đáo, gần cảng Hòn Gai, nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị để nhận nhiệm vụ đặc biệt, chở hơn 500 cán bộ miền Nam được trung ương cử về bổ sung lực lượng tiếp quản các vùng giải phóng...
Nhận chỉ thị, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm nhanh chóng cho tàu về cảng Hải Phòng. Trả hàng xong, tàu gấp rút chạy thẳng ra khu neo Hạ Long, Hòn Gai.
Vốn là tàu chở hàng viễn dương nên bình thường tàu Sông Hương chỉ chở hàng hóa, khu vực sinh hoạt chỉ đủ điều kiện đáp ứng tốt cho khoảng 40 sỹ quan thuyền viên chứ không chở hành khách. Khi chở số người lên đến hơn 500, tàu phải thiết kế lại gần như hoàn toàn nội thất để đón đoàn khách đặc biệt.
Trở lại quê nhà sau 21 năm đất nước bị chia cắt
Đêm ngày 9/5/1975, tàu Sông Hương đón 541 cán bộ miền Nam từ Hà Nội xuống Hạ Long và lên tàu. Sáng 10/5/1975, bà Ngô Thị Huệ (tức Bảy Huệ, vợ của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), khi đó đang là Vụ trưởng Vụ miền Nam, đã lên tận tàu trực tiếp giao nhiệm vụ cho sỹ quan thuyền viên của tàu có: Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, Chính ủy Lê Công Minh, Máy trưởng Trần Ngọc Giang, Thuyền phó nhất Nguyễn Mạnh Hà cùng số lượng thuyền viên được tăng cường tổng cộng lên đến hơn 60 người.
Sau nghi lễ tiễn đoàn cán bộ trở về miền Nam yêu thương, đúng 14g, tàu nhổ neo rời Vịnh Hạ Long, hướng mũi thẳng tiến về phương Nam dưới sự điều khiển của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm - người con của Sài Gòn. Chỉ hơn một ngày hành trình tàu Sông Hương đã vượt qua bán đảo Sơn Trà, phần biển phía Nam của Tổ quốc lần lượt hiện ra trước mắt. Chiều 12/5/1975, tàu Sông Hương về đến khu neo Vũng Tàu.
Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm - người con của Sài Gòn điều khiển tàu Sông Hương. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 13/5/1975, tàu Sông Hương rời Vũng Tàu chạy luồng vào Sài Gòn và đến 14g đã cập bến cảng Nhà Rồng, nơi năm 1911 Bác Hồ xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước trong sự đón tiếp vô cùng đằm thắm của những người thân và nhân dân Thành phố mang tên Bác.
“Đây chính là chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền đất nước, đưa 541 cán bộ tập kết ra Bắc - những người con của miền Nam trở lại quê nhà sau 21 năm đất nước bị chia cắt. Nhiều người đã khóc vì được trở về nhà,” ông Minh chia sẻ lại lời kể của các thế hệ đi trước.
Đây chính là chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền đất nước. Nhiều người đã khóc vì được trở về nhà.
Tiếp theo tàu Sông Hương, các tàu Hồng Hà, Đồng Nai tiếp tục chở hàng vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, kịp thời tạo dựng “nhịp cầu” nối liền hai miền Nam-Bắc ngay sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Theo vị Tổng Giám đốc VOSCO, trong những năm tháng hào hùng này, không ít tập thể tàu và các cá nhân đã đóng góp sức lực, xương máu và cả sinh mạng để duy trì con đường huyết mạch trên biển, phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước.
“Các thế hệ cán bộ, nhân viên VOSCO có quyền tự hào và thực sự chúng ta rất lấy làm tự hào rằng trong giai đoạn lịch sử nào VOSCO cũng đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đó là một phần lịch sử hào hùng, một trong những khúc tráng ca đẹp nhất của truyền thống Giao thông vận tải Việt Nam. Truyền thống đó đã được nhiều thế hệ người lao động xây dựng và gìn giữ bằng khát vọng, hoài bão, bằng nghị lực cùng với quyết tâm cao nhất,” ông Minh vui mừng nói./.
Bài 2: Ngành Hàng hải giữ vai trò xung kích đổi mới và mở cửa nền kinh tế
Tặng hoa đoàn thủy thủ tàu Sông Hương vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyến tàu nối hai miền đất nước. (Ảnh: TTXVN)
(Vietnam+)