Giọt nước mắt dưới lá cờ giải phóng

Giọt nước mắt dưới lá cờ giải phóng
5 giờ trướcBài gốc
Tình nguyện vào chiến trường
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại làng Thạch Phú (nay là phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh), chàng trai Bùi Hoan (sinh năm 1942) là con trai duy nhất trong nhà. Dù không thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng vào năm 19 tuổi, anh đã tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường. Thời điểm đó, anh đang học lớp 7. Trong mắt anh, đó là nghĩa vụ thiêng liêng. Tháng 2 năm 1961, anh lên đường nhập ngũ. Người mẹ lặng lẽ quay mặt giấu đi hai hàng nước mắt, còn người cha đưa cặp mắt dõi theo bóng con khuất dần sau lũy tre làng. Họ biết, chiến tranh có thể lấy đi đứa con trai duy nhất của mình, nhưng đều hiểu rằng: “Tổ quốc đang cần con”.
Trung tá Bùi Hoan bật khóc khi kể lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chỉ cao hơn 1,6m, nhưng có thể lực dẻo dai cùng tinh thần thép, anh Bùi Hoan được tuyển vào học lái xe tăng tại Trung đoàn 202 tại Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), sau đó đi học Trường Sỹ quan Không quân (Tây Sơn). Tháng 10/1965, sau khi hoàn thành các khóa học, chàng lính trẻ chính thức được biên chế về Trung đoàn 225 pháo cao xạ, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kép, sân bay Nội Bài.
Đó là một trong những mục tiêu trọng điểm trong thời kỳ chiến tranh. Những năm sau đó, người lính trẻ ấy tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc và nhiều chiến trường khốc liệt khác như Đông Lào, Nam Lào… Dấu chân anh in trên từng nẻo đường, từ những khu rừng rậm rạp đến những vùng đất cháy bỏng bom đạn. Ngày 17/5/1974, khi Quân đoàn 2 được thành lập, anh Hoan được điều về làm trợ lý tác chiến, phụ trách xe tăng Lữ đoàn 203. Từ đó, anh cùng đồng đội có mặt liên tục tại các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
“Nhiệm vụ của tôi lúc đó là trinh sát địa hình, đảm bảo xe tăng di chuyển qua. Nhờ làm tốt nhiệm vụ, sau đó tôi được điều động đi học bổ túc chỉ huy tăng thiết giáp. Đến tháng 2/1975, khi đang học thì nhận lệnh trở về đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, tôi cũng như đồng đội hiểu sắp tới sẽ có trận đánh lớn diễn ra”, trung tá Bùi Hoan chia sẻ.
Đôi mắt trung tá Bùi Hoan rưng rưng khi nhớ lại mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phát đi vào ngày 7/4/1975. Mệnh lệnh ấy như một ngọn đuốc sáng rực, thắp lên tinh thần chiến đấu bất khuất trong mỗi người lính.
Ông Bùi Hoan (ngồi phía trước bên trái) cùng đồng đội, sau ngày chiến thắng 30/4/1975.
“Nội dung được truyền đi, lúc đó người lính phấn khởi lắm, bởi lời gọi ấy như là ngọn đuốc soi đường, tăng thêm tinh thần, sức mạnh. Mỗi người một nhiệm vụ, anh em không ai ngần ngại, ngày đêm chuẩn bị hết sức chu đáo và không biết mệt mỏi vì có niềm tin vào chiến thắng”, trung tá Bùi Hoan chia sẻ. Từng hồi ức về Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 dần gợi về trong tâm trí người lính năm xưa.
Trung tá Bùi Hoan kể, sau khi giải phóng Đà Nẵng, ông cùng các chiến sỹ trong Quân đoàn 2 thực hiện nhiệm vụ hành quân tiến vào miền Nam, mở đột phá tuyến phòng thủ từ xa ở phía Bắc Sài Gòn, đánh chiếm thị xã Phan Rang.
Trên đường đi, mặc dù nhiều con đường bị phá hủy, cầu cống hư hỏng và địa hình khó khăn, song người lính vẫn kiên trì, sửa chữa đường sá, để đảm bảo việc hành quân không gián đoạn. “Chúng tôi hành quân suốt ngày đêm, gần như không nghỉ. Trên đường đi, cầu hỏng thì chúng tôi sửa, dân làng cũng không quản ngại khó khăn, mang gạo, mía, bất cứ thứ gì họ có để tiếp tế cho bộ đội. Chỉ sau hai ngày, đoàn đã đặt chân đến Phan Rang và chỉ sau vài giờ đã phá tan lá chắn thép mà địch dựng nên. Đúng ngày 16/4/1975, Phan Rang giải phóng hoàn toàn”, trung tá Bùi Hoan nói.
“Bác ơi, Sài Gòn đã giải phóng rồi”
Đưa bàn tay đã in hằn dấu thời gian nhẹ nhàng lướt trên tấm ảnh cũ, trung tá Bùi Hoan dừng lại trước hình ảnh có 3 chàng trai trẻ ngồi trên chiếc xe tăng tại Dinh Độc Lập. “Trong ảnh là tôi cùng những đồng đội thân thương. Lúc ấy tôi đã ngoài 30 tuổi. Thời điểm này, tôi nhận nhiệm vụ là sỹ quan 'đốc chiến' của Lữ đoàn 203, vừa phải cập nhật tình hình hiện tại, vừa đôn đốc anh em chiến đấu, tiến vào Dinh Độc lập sớm nhất”, ông Hoan chậm rãi kể, ánh mắt như lạc về quá khứ.
Hơn nửa đời gắn bó với binh nghiệp, nhưng có lẽ ký ức về những ngày tháng 4/1975 vẫn luôn là dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người cựu binh. Một cảm giác vừa hồi hộp, vừa rạo rực, thôi thúc khó tả. Buổi chiều 29/4/1975, toàn bộ chiến sĩ trong đơn vị được phát quân phục mới, mũ cứng, quân hàm, đeo phù hiệu. Người lính lúc đó ai cũng bất ngờ, bởi rất hiếm khi được cấp phát đồ áo cá nhân đồng loạt. “Mọi thứ lúc đó rất bỡ ngỡ. Anh em nhìn nhau, dù không nói gì nhưng ai cũng hiểu, thời khắc quyết định đã đến. Mọi người âm thầm nghe theo mệnh lệnh để thực hiện”, trung tá Bùi Hoan nhớ lại.
Trung tá Bùi Hoan nhớ lại khoảnh khắc lá cờ giải phóng được cắm trên Dinh Độc Lập.
Theo lời trung tá Hoan, đêm 29 đến rạng sáng 30/4 chính là đêm ác liệt, khó khăn nhất, đây cũng là mấu chốt mở đường cho thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh. Để tiến vào Dinh Độc Lập, Lữ đoàn 203 và các lực lượng khác… phải vượt qua 2 cánh cửa đối mặt với “sinh tử” đó là đánh chiếm vượt cầu sông Buông và cầu Sài Gòn. Đây là hai vị trí hiểm yếu, nếu không vượt qua được thì toàn bộ mũi thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn dường như sẽ bị chặn đứng.
Trên đường tiến công, khi đến cầu sông Buông thì cầu bị địch phá. Lúc đó cả Lữ đoàn 203, lực lượng công binh, xe tăng đều tìm cách khắc phục cầu ngay trong đêm. Nhiệm vụ được thực hiện trong điều kiện thiếu thốn, áp lực thời gian và nguy cơ bị tấn công trở lại. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 30/4, cầu sông Buông được hoàn thành, vừa kịp để đoàn xe tăng tiếp tục tiến quân.
“Đêm đó không ai ngủ kể cả sỹ quan và chiến sĩ. Khi chiến dịch được mở ra, người lính không thấy hiểm nguy, quyết không lùi bước. Chúng tôi chỉ nghĩ đến càng chiếm Dinh Độc Lập nhanh bao nhiêu thì sẽ tránh đổ máu cho cả hai bên”, người cựu binh kể lại. Vượt qua sông Buông, khó khăn, thử thách như nhân đôi khi tiến đến đánh chiếm cầu Sài Gòn. Trận chiến này trong ký ức của trung tá Hoan rất ác liệt và đau thương nhất khi chứng kiến người đồng đội hy sinh ngay trên chiếc xe tăng.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng 30/4, ông Hoan thường ôn lại những kỷ niệm trong quá trình chiến đấu.
“Ba xe tăng đi đầu của ta bị địch bắn cháy, Đại úy Tiểu đoàn trưởng của chiếc xe tăng dẫn đầu đã hy sinh ngay tại cầu Sài Gòn. Lúc này địch liên tục nã đạn về quân đội ta, tư lệnh chỉ đạo quyết tâm, dùng biện pháp cảm tử. Chúng tôi cho xe tăng gạt những xe bị bắn cháy về 1 bên. Người nào bị thương thì tự băng bó, tất cả không thể dừng, phải tiến lên phía trước”, trung tá Hoan kể.
Đôi mắt đỏ hoe, lời tâm sự của người lính cũng nghẹn ngào khi nhớ lại giây phút lịch sử vào sáng 30/4. Thời khắc những chiếc xe tăng lần lượt tiến lên, vượt qua cầu Sài Gòn, mở đường tiến thẳng vào trung tâm thành phố, trái tim của ông Hoan như thắt lại bởi niềm xúc động nghẹn ngào. Lúc này, người người đổ ra đường, tiếng reo hò vang khắp nơi, hòa cùng âm thanh đanh thép của bánh xích lăn trên đường, tạo nên một Sài Gòn tràn ngập chiến thắng.
Dưới sự chỉ dẫn tận tình của người dân và lần theo tấm bản đồ, đoàn xe tăng hùng dũng của Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập giữa buổi trưa lịch sử 30/4/1975. Khi lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên nóc Dinh Độc Lập, cả không gian như lặng đi trong giây phút thiêng liêng. Dưới lá cờ giải phóng, ông Hoan, người lính xe tăng năm ấy khẽ thì thầm: “Chúng ta làm được rồi”, như một lời nhắn nhủ đến những đồng đội đã hy sinh. Giọt nước mắt cũng lăn dài trên gương mặt sạm nắng chiến trường, ông chậm rãi quay mình về miền Bắc, nghẹn ngào hô lớn: “Bác ơi, Sài Gòn đã giải phóng rồi!”.
Hoài Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/giot-nuoc-mat-duoi-la-co-giai-phong-post1737781.tpo