Bài 1: Coi doanh nghiệp là đối tác, lấy sự hài lòng là tiêu chí đánh giá

Bài 1: Coi doanh nghiệp là đối tác, lấy sự hài lòng là tiêu chí đánh giá
7 giờ trướcBài gốc
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: Châu Anh.
Hình thức, phương pháp đa dạng
10 năm qua, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan được ngành Hải quan triển khai với 4 nhóm giải pháp lớn gồm: thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác ở cả 3 cấp: Tổng cục, cục và chi cục. Đến nay, công tác phát triển quan hệ đối tác đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực cho cả cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, được Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
99,73% rất hài lòng và hài lòng
Khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan thực hiện với 2.194 doanh nghiệp tham gia cho thấy 53,37% lượng doanh nghiệp được hỏi rất hài lòng về sự đa dạng của hình thức cung cấp thông tin; tỷ lệ hài lòng là 42,48%; tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 0,27%.
Cơ quan hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế. Đồng thời tập trung tham vấn cộng đồng doanh nghiệp các chính sách, quy định pháp luật về hải quan và thuế; các chương trình cải cách, hiện đại hóa trọng điểm trước khi được ban hành; các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cử như về thông tin, ngành Hải quan đã triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau đến người khai hải quan, doanh nghiệp như đăng tải nội dung mới các văn bản pháp luật trên Cổng thông tin điện tử hải quan, qua báo đài, hay thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp hoặc bằng văn bản, điện thoại; đường dây nóng; viber, zalo; gặp trực tiếp… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, tại các cục hải quan tỉnh, thành phố hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm và triển khai thống nhất từ cấp cục tới chi cục, tổ, đội và công chức. Hàng năm, các đơn vị trong ngành đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp, xử lý hàng chục ngàn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ năm 2023, số lượt giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan là 17.179 lượt yêu cầu giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan. Trong đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 15.784 vướng mắc; các đơn vị vụ, cục nghiệp vụ đã tiếp nhận 1.395 vướng mắc được giải đáp kịp thời hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền giải đáp theo đúng quy định.
Công tác giám sát thực thi pháp luật được các đơn vị trong ngành Hải quan chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh, qua đó doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ cũng cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các chi cục.
Tăng tính chính xác và tuân thủ
Các giải pháp thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thu Thủy - đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh châu Á - Thái Bình Dương (CAPEC), lợi ích rõ nhất là giảm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, hỗ trợ về khai báo hải quan, tư vấn về quy định và quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và năng lực trong việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan. Các hỗ trợ từ cơ quan hải quan giúp tăng tính chính xác và tuân thủ, từ đó doanh nghiệp nắm vững các quy định và quy trình hải quan, tăng tính chính xác trong khai báo hàng hóa và tuân thủ các yêu cầu hải quan, tránh sai sót và vi phạm pháp lý, từ đó giảm rủi ro và tránh các hậu quả tiêu cực.
Bên cạnh đó, đảm bảo sự nhất quán và công bằng trong việc áp dụng quy định hải quan các doanh nghiệp đối tác được xử lý theo cùng một tiêu chuẩn và quy trình, không gặp phải sự thiên vị hay không công bằng. “Các hình thức hỗ trợ từ cơ quan hải quan giúp xây dựng quan hệ đối tác và tạo niềm tin giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn tạo ra một môi trường hợp tác, nâng cao sự tương tác và giao lưu giữa hai bên, từ đó xây dựng quan hệ đối tác đáng tin cậy và bền vững” - bà Thủy nêu.
Để công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất, theo ông Lương Khánh Thiết - Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng.
Thời gian qua, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động, tích cực hợp tác với cơ quan hải quan các cấp và đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố đã ký kết văn bản hợp tác với khoảng 42 hiệp hội doanh nghiệp. Tới đây, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hợp tác cùng cơ quan hải quan càng phải được tăng cường và chú trọng hơn.
Nhiều sáng kiến để phát triển quan hệ đối tác
Ngoài triển khai các nội dung theo hướng dẫn theo của Tổng cục Hải quan, nhiều cục hải quan địa phương đã vận dụng linh hoạt và có cách làm sáng tạo thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, thiết thực.
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, đơn vị đã tiến hành ký biên bản thỏa thuận với hơn 25.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, 21 hiệp hội, ngành hàng, cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải đáp trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn vị đã xây dựng phần mềm đánh giá sự hài lòng của công chức Cục Hải quan Hải Phòng. Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp “hài lòng” và “rất hài lòng” đạt trên 99%, góp phần động viên, khích lệ công chức thực hiện nhiệm vụ.
Tại Cục Hải quan Quảng Ninh, ông Bùi Ngọc Lợi - Phó Cục trưởng chia sẻ, cơ chế đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp cơ sở (CDCI) đã được triển khai trong nội bộ đơn vị; thành lập các tổ giải quyết tiếp nhận vướng mắc của các doanh nghiệp (Tổ ESEC). Đặc biệt là chủ động xây dựng các phần mềm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hải quan như phần mềm quản lý hàng hóa của cư dân biên giới. Cục Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, đây được xem là điểm sáng trong toàn ngành Hải quan.
Trong khi đó, Hải quan Bình Dương đã triển khai tổ chức thực hiện khảo sát sự hài lòng của của doanh nghiệp thông qua hệ thống Kiosk tại các chi cục hải quan từ năm 2020.
Một sáng kiến nổi bật nữa là của Hải quan TP Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Đỗ Thanh Quang chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, đơn vị liên tục triển khai sáng kiến “Cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh là đối tác đồng hành chung tay cùng phát triển”; Đề án tạo thuận lợi thương mại tại cảng Cát Lái.
Hồng Vân
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-coi-doanh-nghiep-la-doi-tac-lay-su-hai-long-la-tieu-chi-danh-gia-160762.html