Đầu tư công được xem là “cú hích” chiến lược, giữ vai trò dẫn dắt để kích hoạt “cỗ máy tăng trưởng”. Ảnh: internet
“Chìa khóa” mở ra không gian phát triển mới
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên vào năm 2025 và bứt phá hai con số trong các năm tiếp theo, với tinh thần thần tốc và tư duy hành động mạnh mẽ, Chính phủ đang chủ động “làm mới” ba động lực tăng trưởng truyền thống gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Song song với đó, những động lực tăng trưởng mới như: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và khu vực kinh tế tư nhân cũng đang được thúc đẩy để tạo ra sức bật dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong khi các động lực tăng trưởng mới cần độ trễ để phát huy hiệu quả thì việc củng cố và phục hồi nhanh các động lực truyền thống là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Thực tế cho thấy, tiêu dùng và xuất khẩu đang đối mặt với nhiều lực cản, từ suy giảm nhu cầu toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng đến sức mua trong nước còn yếu. Dù Việt Nam đã và đang quyết liệt đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, nhưng kết quả chưa thể đến ngay trong “một sớm một chiều”.
Trong bức tranh ấy, đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nổi lên như một trụ cột chủ lực, giữ vai trò “mồi lửa” kích hoạt toàn bộ "cỗ máy tăng trưởng". Cùng với vốn FDI và khu vực tư nhân, đầu tư công là đòn bẩy chiến lược để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, hỗ trợ tiêu dùng và gia tăng sức bật cho toàn nền kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà đầu tư công được gọi là “xương sống” của nền kinh tế. Đây không chỉ là công cụ mang tính chiến lược lâu dài, mà còn là điểm tựa điều hành linh hoạt trước mắt, góp phần giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ. Đầu tư công cũng chính là “chìa khóa” mở ra những không gian phát triển mới, khơi thông các điểm nghẽn hạ tầng, logistics và liên kết vùng – những yếu tố đang trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với vai trò là “vốn mồi” quan trọng, đầu tư công còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ: dẫn dắt dòng vốn tư nhân, hút FDI, kích thích đầu tư toàn xã hội. Một đồng vốn đầu tư công được giải ngân đúng thời điểm, đúng trọng tâm, có thể tạo ra hàng loạt hiệu ứng dây chuyền: tăng sản xuất, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng (Bộ Tài chính), một trong những đóng góp lớn nhất của đầu tư công là xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp thoát nước...). Đầu tư công thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cơ sở hạ tầng chất lượng cao không chỉ là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất kinh doanh mà còn làm giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các dự án xây dựng đường cao tốc, cầu, cảng biển, sân bay không chỉ kết nối các vùng kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển của các địa phương. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay tuyến cao tốc Bắc - Nam... là những minh chứng điển hình. "Những dự án này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong quá trình xây dựng mà còn mở ra cơ hội phát triển dài hạn cho nhiều ngành kinh tế", ông Dương Bá Đức chia sẻ.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư tài chính AzFin Việt Nam nhấn mạnh, cơ hội để Việt Nam bứt phá về tăng trưởng chỉ còn thực sự rộng mở trong vòng 9 - 10 năm tới, tức giai đoạn cuối của “cửa sổ dân số vàng”. Để tận dụng tối đa thời gian này, tốc độ tăng trưởng cần đạt mức tối thiểu 8 - 10% mỗi năm.
Ông Phục cho rằng, mức tăng trưởng đó không thể chỉ trông cậy vào khu vực FDI hay xuất khẩu, mà phải đến từ nội lực, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò dẫn dắt, với điều kiện tiên quyết là có một hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
“Đây chính là điểm giao nhau giữa mục tiêu tăng trưởng bền vững và vai trò đầu tư công. Không chỉ cung cấp nền tảng vật chất cho phát triển, đầu tư công còn có tính chất “hướng dòng”, tạo động lực cho các khu vực kinh tế khác bám theo”, ông Phục đánh giá.
Rốt ráo vào cuộc, giải ngân tăng tốc
Nhận diện rõ vai trò then chốt của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm nay. Đây là giải pháp chiến lược nhằm tạo "cú huých" mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đầy thạm vọng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngay từ những ngày đầu năm 2025, công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công đã được Chính phủ triển khai với tinh thần quyết liệt, xuyên suốt và không ngừng nghỉ. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư…
Chỉ trong nửa đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các giải pháp điều hành tăng trưởng đều tích hợp nội dung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thể hiện sự xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo điều hành.
Đặc biệt, đã có 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông và đường sắt được tổ chức để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nội dung về đầu tư công cũng được đưa vào chương trình làm việc thường xuyên của Thường trực Chính phủ, các phiên họp Chính phủ định kỳ và hội nghị với các bộ, ngành, địa phương.
Song song với đó, 7 tổ công tác của Thủ tướng đã trực tiếp xuống cơ sở, làm việc tại các “điểm nóng” giải ngân chậm để kiểm tra, tháo gỡ từng vướng mắc, đốc thúc từng dự án. Qua đó, đã nắm bắt sát thực tiễn, hướng dẫn tháo gỡ cụ thể, xử lý kịp thời các kiến nghị liên quan đến phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Không đứng ngoài cuộc, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng chủ động thành lập tổ công tác riêng, đẩy mạnh kiểm tra, rà soát tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu, giải phóng mặt bằng... nhằm đẩy sớm tiến độ giải ngân. Nhiều địa phương đã đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, tránh dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Việc bố trí vốn đầu tư công ngày càng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn vốn ngân sách trung ương được ưu tiên cho các dự án cao tốc, liên vùng, công trình trọng điểm, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, đã có 16 tuyến cao tốc đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài đường cao tốc toàn quốc lên 2.268km, đưa vào khai thác tuyến đường kết nối và nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 52 dự án và dự án thành phần khác đang thi công, cơ bản bám sát tiến độ.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cùng các giải pháp cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có bước tăng tốc rõ rệt. Ước đến hết tháng 6, giải ngân nguồn vốn này đạt 268,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,46% kế hoạch - cao hơn cùng kỳ năm 2024 cả về tỷ lệ (tăng hơn 4%) và giá trị tuyệt đối (tăng gần 80 nghìn tỷ đồng).
Đây là tín hiệu tích cực, là "bàn đạp" quan trọng để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn quan trọng này trong nửa cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và tạo nền tảng phát triển ổn định, bền vững trong các năm tiếp theo.
Trần Huyền