7 giải pháp chiến lược giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao và bền vững

7 giải pháp chiến lược giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao và bền vững
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 8/7, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) diễn ra với chủ đề "Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới".
Diễn đàn do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng GDP tăng 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là mục tiêu mang tính bước ngoặt, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Khi các động lực tăng trưởng truyền thống như khai thác tài nguyên, đầu tư công, lao động giá rẻ hay xuất khẩu gia công dần suy giảm hiệu quả và tính bền vững, nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là phải tìm ra các động lực mới mang tính đột phá.
Theo ông Trần Lưu Quang, với mục tiêu tăng trưởng hai con số, cần phải làm gì và làm thế nào để tạo được cú hích đủ mạnh nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa đất nước bước vào một chương phát triển mới thịnh vượng, bền vững và tự chủ hơn trở thành một câu hỏi chiến lược mang tính sống còn. Đây không chỉ là một thách thức về kinh tế, mà còn là bài toán lớn về tầm nhìn, thể chế và năng lực hành động.
Ông Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN.
Cũng tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đánh giá tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, rất phức tạp và khó lường. Trong đó, thách thức từ sự bất định khi các cú sốc và biến động địa chính trị, địa kinh tế ngày càng thường xuyên, đa chiều hơn; khoa học công nghệ đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu; suy giảm niềm tin bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược đang hạn chế vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương; xuất hiện nhiều yếu tố kìm hãm xu hướng phát triển bền vững và bao trùm.
Trong nước, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
"Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế," Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước.
Muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, cần có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN.
Để hóa giải khó khăn thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung giải quyết được một số "điểm nghẽn" về thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực phù hợp với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.
Theo đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch… Đồng thời, ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Thứ hai, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để "dẫn dắt", là "vốn mồi" để huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Trong đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.
Thứ ba, tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thứ tư, khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như khoa học cônh nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.
"Xác định đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến về chất trong giai đoạn phát triển mới," Phó Thủ tướng định hướng
Thứ năm, phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo "sức mạnh tổng hợp" cho phát triển kinh tế đất nước.
Thứ sáu, tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế.
Thứ bảy, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, nội lực phải được đặt ở vị trí quyết định; ngoại lực là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ quá trình phát triển, bảo đảm hội nhập toàn diện, sâu rộng mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ, nâng cao năng lực tự cường và khả năng thích ứng trước mọi biến động toàn cầu.
Để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, các địa phương hãy đồng lòng, chung sức, cùng Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng xây dựng đất nước trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, là trung tâm sản xuất, dịch vụ, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/7-giai-phap-chien-luoc-giup-viet-nam-tang-truong-kinh-te-cao-va-ben-vung-43524.html