Tại buổi họp báo "Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025", ông Lê Hoàng Chính Quang - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) đã chia sẻ nhiều nội dung về tình hình Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và những kết quả nổi bật trong triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng.
Về công tác chỉ đạo, cơ chế chính sách để triển khai Nghị quyết 57, Ban lãnh đạo NHNN đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng cũng xác định chuyển đổi số là chiến lược then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Chính Quang, với quyết tâm chính trị cao, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 57 tại Quyết định số 2223/QĐ-NHNN ngày 30/5/2025; Kế hoạch hành động của NHNN triển khai Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 30/6/2025.
Ông Lê Hoàng Chính Quang - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN)
Đặc biệt, ngày 27/5/2025, NHNN đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” ngành Ngân hàng gắn với thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Các phong trào này nhằm phổ cập tri thức và kỹ năng số, khơi dậy ý chí đổi mới trong từng cán bộ, tổ chức tín dụng và toàn hệ thống ngân hàng.
Để tích cực triển khai Nghị quyết 57, ngành Ngân hàng cũng tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và hiện đang thi hành Nghị định này. Trong năm 2025, NHNN dự kiến xây dựng và ban hành 21 thông tư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ số và hoạt động nghiệp vụ và quản trị; phát triển ngân hàng số và hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt và được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận là một trong những ngành dẫn đầu về chuyển đổi số.
Ngành Ngân hàng cũng tích cực xây dựng kho dữ liệu dùng chung và đẩy mạnh cải cách hành chính và dịch vụ công. Cùng với đó, Ngành xác định nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, là yếu tố quyết định sự thành công. Được biết, NHNN và các tổ chức tín dụng đã quan tâm, đầu tư cho nhân sự công nghệ và chuyển đổi số cả về số lượng và chất lượng. Những ngân hàng tiên phong cho chuyển đổi số đều có tỷ lệ từ 8-10% nhân sự công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên tổng số lượng nhân sự của mình. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã tích cực tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Ngành Ngân hàng xác định triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW và Đề án 06 là những nhiệm vụ rất quan trọng
Cũng theo ông Lê Hoàng Chính Quang, ngành Ngân hàng đã thu được nhiều kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, tính đến nay đã có 96 tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắp chip qua ứng dụng điện thoại; 63 tổ chức tín dụng đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; 19 đơn vị đã triển khai chính thức ứng dụng VneID trong mở tài khoản, xác thực giao dịch thanh toán.
Đáng chú ý nhất, nhờ những nỗ lực của NHNN, sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, đến ngày 27/6/2025 đã có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID (đạt 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số); hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số). Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đã đối soát được khoảng 57 triệu lượt hồ sơ, làm sạch được gần 43 triệu hồ sơ khách hàng vay trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng.
“Đồng thời, NHNN cũng đã thu thập kho dữ liệu tài khoản nghi ngờ và chia sẻ với các ngân hàng thương mại. Đây là một công cụ hữu ích để cảnh báo khách hàng, qua đó hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo”, Cục trưởng Lê Hoàng Chính Quang nhấn mạnh.
Hồng Sơn - ảnh: Hoàng Giáp