Bài 1: Di sản văn hóa hội tụ và hội nhập

Bài 1: Di sản văn hóa hội tụ và hội nhập
2 giờ trướcBài gốc
Làm sống lại và tỏa sáng văn hóa Huế
Hơn 20 năm nay, Festival Huế là môi trường, là cơ hội làm sống lại và tỏa sáng di sản văn hóa Huế. Nhờ có Festival Huế, nhiều di sản được phục hồi, trao truyền và chủ thể văn hóa được hưởng lợi từ chính những di sản mình đang nắm giữ. Trong định hướng phát triển cũng như Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế được xác định sẽ trở thành Đô thị di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Bài 1:
Di sản văn hóa hội tụ và hội nhập
Qua các hoạt động của Festival Huế, nhiều chuyên gia nhận định, văn hóa Huế có thêm sức sống mới, đẹp hơn, lung linh hơn, mang hơi thở hiện đại hơn, đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Điện Kiến Trung lễ khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế - điểm nhấn của Festival Huế 2024. Ảnh: TTBTDTCĐH
Hồi sinh nhiều di sản triều Nguyễn
Sân khấu lễ khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế - điểm nhấn của Festival Huế 2024 - là điện Kiến Trung, ngôi điện từng được gia đình vua Bảo Đại sinh sống; cũng chính là nơi tọa lạc của đệ nhất thắng cảnh đất Kinh đô mà Hoàng đế Thiệu Trị đã nhắc đến đầu tiên trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (lầu Minh Viễn). Đây là công trình quy mô lớn nhất được nghiên cứu phục hồi kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1993. Sau 5 năm thi công, tòa cung điện mới được phục dựng, đưa vào đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn 2024.
“Lộng lẫy”, “hoành tráng”, “đậm bản sắc”... là những gì công chúng trầm trồ khi chứng kiến điện Kiến Trung ẩn hiện trong lễ khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế. Đó cũng là cách Thừa Thiên Huế đánh thức và phô diễn, quảng bá các di sản văn hóa đặc sắc của mình, đặc biệt là các di sản triều Nguyễn.
“Tôi nghĩ rằng, Festival Huế đã và đang thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đánh thức di sản Huế, đặc biệt là văn hóa triều Nguyễn, biến Huế trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo và bảo tồn di sản”.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn,
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Chỉ với thế mạnh là một cố đô, với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận (6 di sản riêng có của Huế), đi theo chúng là những kho tư liệu văn hóa, lịch sử hiếm có, Thừa Thiên Huế đã có thể khai thác được vô vàn sự khác biệt. Quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế trở thành hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong tổ chức Festival, trong đó có nhiều lễ hội cung đình.
Lễ tế giao được xem là quan trọng nhất trong các nghi lễ thuộc hàng đại tự của triều Nguyễn. Từ năm Festival Huế 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phục dựng Lễ Tế giao tại đàn Nam Giao và duy trì tổ chức và các kỳ Festival Huế sau này. Lễ tế Xã tắc, cũng được xếp vào hàng đại tự, chỉ sau Lễ tế giao, được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội Truyền lô và Lễ Vinh quy bái tổ lần đầu tiên được phục dựng quy mô tại Festival Huế 2006. Lễ hội Thi tiến sĩ võ được tái hiện lần đầu tiên tại Festival Huế 2008…
Festival Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống, được gìn giữ và phát triển. Có thể nói, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của Huế được phục dựng, hồi sinh trong đời sống, trên một phương diện mới và vị trí mới trong xã hội đương đại.
Tính dân tộc hòa quyện tính quốc tế
Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nhận định, không ở đâu thấy có và còn một không gian văn hóa vẫn đứng ở hàng đầu trong bảng giá trị của một đô thị kinh kỳ, rồi cố đô, nhất là những công phu bảo tồn, khôi phục và khai thác - phát huy mạnh mẽ đến thiết tha, tích cực và hiệu quả những giá trị quý báu của không gian và di sản văn hóa ấy, như ở Huế. Cùng với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Huế - là mẫu mực cho nhiều nơi - thì Festival Huế được tổ chức định kỳ và kỳ công cũng đã thành thương hiệu được nể trọng của cố đô Huế. Đó là những Festival đã định hình thành nơi chốn có đẳng cấp quốc gia và tầm cỡ khu vực, khai thác - phát huy tốt, đúng các giá trị của không gian văn hóa một đô thị kinh kỳ, một cố đô, trước hết là của và ở Huế, rồi Việt Nam, Đông Dương, Đông Nam Á và cuối cùng là thế giới.
Từ năm 2010 Festival Huế đã có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật đến từ cả 5 châu lục. Ảnh: TTBTDTCĐH
Ban đầu chỉ có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Pháp và Việt Nam, dần dần tiếng vang của Festival Huế đã thu hút các nghệ sĩ ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và từ năm 2010 đã có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật đến từ cả 5 châu lục. Theo thống kê, qua 24 năm, Huế đã đón tiếp gần 60 nhà hát, đoàn nghệ thuật, nhóm nghệ thuật, nghệ sĩ từ khắp các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam; 273 đoàn và nhóm nghệ thuật tiêu biểu của 60 quốc gia ở cả 5 châu lục hội tụ về Huế, và từ Huế nhiều đoàn kết hợp biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Hình ảnh nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế kết hợp biểu diễn chung sân khấu, chung tiết mục đã trở nên quen thuộc.
Các loại hình nghệ thuật cũng phong phú và đa dạng hơn, từ truyền thống đến đương đại, từ cung đình đến dân gian. Có đoàn nghệ thuật trở lại Huế nhiều lần, mang theo những nghệ sĩ chất lượng cao, kích thích xu hướng sáng tạo mới ở Huế và có ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nước. Các nghệ sĩ hào hứng khi được biểu diễn trong một không gian cổ kính, độc đáo như Đại Nội, trước những khán giả cởi mở, nhiệt tình.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương đánh giá, Festival Huế đã có bước tiến dài, thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa sâu lắng của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế, và mang thêm nhiều nét hiện đại, trong đó có việc kết hợp được những công nghệ hàng đầu trong sản xuất, sáng tạo văn hóa.
“Festival Huế cũng là nơi nhiều dân tộc trên thế giới đến phô diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình, giúp thúc đẩy hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu. Festival Huế, nhờ vậy, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, vừa thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hóa, trọng văn hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Hương Linh - Minh An
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-1-di-san-van-hoa-hoi-tu-va-hoi-nhap-post394619.html