Thừa Thiên Huế: Những Di sản được UNESCO công nhận

Thừa Thiên Huế: Những Di sản được UNESCO công nhận
2 giờ trướcBài gốc
Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận năm 1993. Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng.
Toàn cảnh hệ thống Kinh Thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh. Lê Hoàng
Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...
Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia… Xuyên suốt cả ba tòa thành, khi thì lát đá cụ thể khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung...
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.
Với một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới.
Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới
Mang ý nghĩa ''âm nhạc tao nhã'', Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại âm nhạc phong phú đã từng được phát triển ở Việt Nam, chỉ có Nhã Nhạc mang tầm quốc gia.
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Cổng TTĐT TTH
Mặc dầu, nguồn gốc của Nhã Nhạc có từ thế kỷ thức 13, nhưng nó chỉ đạt đến độ mức điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. Ngày 7/11/2003, UNESCO chính thức công bố Nhã nhạc Huế là một trong 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới
Hơn 34.000 tấm mộc bản (bản khắc trên gỗ) chứa đựng nội dung của 152 đầu sách trên nhiều lĩnh vực được chế tác hoặc tập hợp từ thời Nguyễn. Giá trị của mộc bản mang tính văn bản, nghệ thuật và là dấu mốc cho sự phát triển nghề khắc ván in ở Việt Nam.
Mộc bản triều Nguyễn. Ảnh: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm mộc bản, "chế bản" của 152 đầu sách chủ yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong giai đoạn 1802 - 1945... Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ..., ngoài ra còn có các tác phẩm Ngự chế văn, Ngự chế thi do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác. Kho tàng mộc bản triều Nguyễn có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn….
Bản khắc mộc bản là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt về việc ấn hành và san khắc. Đa phần những bộ sách chính văn, chính sử của triều đình đều do Quốc sử quán thực hiện theo chỉ dụ của vua, những bộ sách của tư nhân khi thực hiện san khắc cũng phải xin giấy phép. Chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng. Trước hết, hoàng đế ban dụ cho phép biên soạn sách. Sau đó cơ quan biên soạn dâng tấu xin được nghiên cứu châu bản để biên soạn, bản thảo hoàn thành dâng lên hoàng đế ngự lãm. Bản thảo được giao cho ban biên soạn bổ sung chỉnh sửa theo ý của hoàng đế. Ban biên soạn có nhiệm vụ lập biểu dâng sách lên hoàng đế ngự phê, sau đó sẽ chuyển xuống giao cho cơ quan san khắc dưới sự kiểm soát của các quan. Mộc bản sau khi khắc xong được các quan dâng biểu xin cho in thành sách.
Với những giá trị đặc sắc về văn bản, nghệ thuật của mộc bản triều Nguyễn, ngày 31/7/2009, cùng với 34 tư liệu khác, mộc bản triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức Thế giới của UNESCO.
Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính được hình thành trong quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945) do hoàng đế ban hành. Đây là khối tài liệu lưu trữ quý hiếm, nội dung phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội dưới triều Nguyễn. Tháng 5/2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Châu bản triều Nguyễn. Ảnh: Cổng TTĐT TTH
Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức Ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của Châu bản.
Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Ngày 19/5/2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Việc bảo vệ hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được các chuyên gia đánh giá thành công và xuất sắc nhất trong tất cả các hồ sơ được đề cử lần này. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.
Các bài thơ được đặt tại Trường Lang -Tử Cấm Thành (Đại nội Huế). Ảnh: Cổng TTĐT TTH
Các chuyên gia nhận xét: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 2 di sản chung với các địa phương khác gồm: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).
Tuấn Mỹ
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thua-thien-hue-nhung-di-san-duoc-unesco-cong-nhan-355267.html