Người Việt ngày càng quan tâm tới nghệ thuật
Thưởng thức năng lượng sáng tạo trước khi đầu tư
“Trước đây, nghệ thuật Việt Nam chủ yếu thu hút các nhà sưu tập nước ngoài. Chỉ khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tầm những năm 2010, người Việt Nam ngày càng quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn, có người mua, nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật trong nước” - nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong cuộc trò chuyện về thị trường nghệ thuật cuối tuần qua. Hoàng Anh Tuấn hiện sở hữu khoảng 500 tác phẩm của hơn 100 tác giả, từ các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa họa sĩ kháng chiến, đến giai đoạn Đổi mới trong thập niên 1990 và các nghệ sĩ trẻ mới nổi.
Các cá nhân, tổ chức đến với nghệ thuật vô cùng đa dạng, người mua đơn thuần tìm kiếm tác phẩm để trang trí hoặc thỏa mãn sở thích cá nhân. Trong khi đó, nhà đầu tư lại có góc nhìn hoàn toàn khác, xem tác phẩm như một tài sản, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố như tác giả, kích thước, chất liệu, vị trí trong chiều dài lịch sử nghệ thuật và sự nghiệp của tác giả... để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Còn nhà sưu tập hướng tới xây dựng hệ thống tác phẩm, thể hiện quan điểm, cá tính và tầm nhìn riêng biệt.
Việt Nam ngày càng quan tâm đến nghệ thuật. Ảnh: TN
Gần 30 năm gắn bó với hoạt động xây dựng mạng lưới người chơi nghệ thuật cho các tác giả, nghệ sĩ, Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng kể: “Chúng tôi gặp một số người chơi tranh thực sự, mỗi lần gallery giới thiệu tác giả nào đó hay họ đều mua và theo cho tới tận bây giờ. Họ mua từ lúc tranh có giá thấp tới lúc tranh giá cao. Người chơi nghệ thuật qua năm tháng trở thành nhà sưu tập, có câu chuyện, cách nhìn riêng về bộ sưu tập của họ… Trong quá trình làm gallery tôi cũng gặp người chơi mới, thường 2 - 3 năm đầu họ mua bất cứ thứ gì hợp mắt, nhưng sau 7 - 8 năm họ đã rất chuyên nghiệp, mua ít hơn, theo dõi nhiều hơn, sẵn sàng mua tranh đắt nhưng xứng đáng”.
Nỗ lực giới thiệu những gương mặt mới triển vọng của mỹ thuật Việt Nam, kỳ vọng nghệ sĩ tạo tạo dấu ấn trong tương lai, bà Dương Thu Hằng cho biết, với tác phẩm của nghệ sĩ trẻ không thể mong sinh lời ngay trong 5 - 7 năm, mà phải tính bằng thập kỷ. Vì thế, hãy trở thành người mua, người sưu tập, thưởng thức tác phẩm đó với năng lượng sáng tạo trước khi coi đó là món đầu tư. Thực tế, song hành với Hanoi Studio, cũng có nhà sưu tập muốn bán lại tác phẩm đã mua và có người sẵn sàng mua lại tác phẩm với giá cao… Điều đó cho thấy Việt Nam đã bắt đầu có thị trường nghệ thuật.
Động lực mới cho thị trường nghệ thuật Việt Nam
Tuy chưa thực sự phát triển, nhưng tại Việt Nam đang manh nha yếu tố cần thiết để phát triển thị trường nghệ thuật, bởi điều kiện cần cho thị trường là sức mua nội địa. Nhận định như vậy, giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam Ace Lê cho rằng, nhìn lại quá khứ khi Việt Nam mới mở cửa, 90% người mua là người nước ngoài, đơn giản là do chênh lệch thu nhập. Hiện nay, diễn biến ngược lại, 70% là người mua trong nước, cho cả tệp tranh Đông Dương với thanh khoản, giá trị cao và tệp nghệ sĩ trẻ.
Sự quan tâm và nhu cầu về các tác phẩm nghệ thuật của người Việt Nam ngày càng lớn cũng đã tạo nên sự thay đổi của các yếu tố xung quanh. Chẳng hạn, gần đây, các hãng đấu giá nước ngoài cũng đã quan tâm tới thị trường nghệ thuật Việt Nam, như nhà đấu giá Millon ký kết hợp tác với các đối tác Việt Nam; nhà đấu giá Aguttes có các hoạt động quảng bá tranh tại Việt Nam; dù đã bán tranh Việt Nam 30 năm qua, lần đầu tiên, hãng đấu giá Sotheby's bổ nhiệm Giám đốc điều hành cho thị trường Việt Nam…
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, trước đây, đa số người mua là người nước ngoài, thị trường với hệ giá trị vị phương Tây, ngôn ngữ trao đổi, lời giới thiệu triển lãm và tác phẩm là tiếng Anh. Hiện nay Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á có kinh tế phát triển hơn trước, ngoài 70% thị trường nghệ thuật từ nội địa, người Việt Nam cũng sẵn sàng chi nhiều tiền nhất hồi hương tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Trong 20 tác phẩm đạt mức triệu USD trên sàn đấu giá, hầu hết là tác phẩm được hồi hương… Đây là điều đáng mừng, làm cho toàn bộ sự vận hành thị trường thay đổi theo. Chẳng hạn, khi giám tuyển triển lãm “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông”, các bài giới thiệu triển lãm tranh Đông Dương của nhà Sotheby's hướng tới khán giả Việt Nam, lời giới thiệu được viết bằng tiếng Việt, sau đó mới chuyển Anh ngữ…
Sự thay đổi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khi ngôn ngữ và góc nhìn của người Việt Nam ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo trong thị trường nghệ thuật Việt. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính người Việt sẽ phải xây dựng thị trường mỹ thuật của mình, bởi đây là khán giả thưởng thức, cảm thụ nghệ thuật Việt Nam tốt nhất, có thể kiểm soát được dòng tranh, biết đâu là tác giả tài năng và người mới chớm… Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật trong nước vẫn có nhiều rào cản để phát triển như kỳ vọng.
Thảo Nguyên