Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Con đường của Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) Đà Nẵng phải khác với TP Hồ Chí Minh nhằm tránh xung đột, cạnh tranh nhau. Phát triển TTTCQT không chỉ làm một vài tòa nhà là xong mà phải xây dựng cả hệ sinh thái huy động tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế số”…
Với những định hướng trên, Đà Nẵng định hình và lựa chọn hướng đi nhằm tránh xung đột với định hướng phát triển TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh và tránh trùng lặp với mô hình của Singapore và UAE.
Đà Nẵng nhanh chóng có kế hoạch
Ông Đặng Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, thành viên Ban Chỉ đạo 47 chia sẻ, nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định cơ quan, tổ chức thuộc TTTCQT bao gồm: Cơ quan điều hành; Cơ quan giám sát; Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc TTTCQT. Trong đó, Cơ quan điều hành chịu trách nhiệm quản lý, điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại TTTCQT; Cơ quan giám sát thực hiện chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tài chính tại TTTCQT (hai cơ quan này do UBND TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng thành lập); Trung tâm Trọng tài quốc tế được thành lập để giải quyết các tranh chấp thương mại, tài chính phát sinh trong TTTCQT… Những vấn đề này vẫn đang tiếp tục được bàn luận.
Đối với Đà Nẵng, theo dự thảo Nghị quyết mới nhất, Ban Chỉ đạo 47 đã xây dựng kế hoạch để tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TTTCQT, đặc biệt nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...; tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại TTTCQT của 2 địa phương
Ông Đặng Đình Đức cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự quyết tâm của Đà Nẵng, cùng với sự đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương và hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, TTTCQT đặt tại Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhấn mạnh về lộ trình, ông Đức nêu, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo TTTCQT tại Việt Nam, một TTTCQT cần mang lại môi trường vật chất hấp dẫn bao gồm các khu văn phòng làm việc, các cơ sở hạ tầng số (trung tâm dữ liệu, trung tâm lưu ký bù trừ, trung tâm điều hành sàn giao dịch…), khu không gian đổi mới sáng tạo, khu giải trí phức hợp, hội nghị quốc tế, trung tâm mua sắm, trình diễn nghệ thuật, các cơ sở y tế và giáo dục chất lượng cao, bất động sản nhà ở cao cấp….
Trước đó, để có cơ sở góp ý, điều chỉnh hồ sơ dự thảo Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế đính kèm Tờ trình số 526-TTr/BCSĐ ngày 25/10/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), Đà Nẵng thống nhất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với tổng diện tích 6,17 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha; đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính (fintech) ở khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha.
Tuy nhiên, mới đây, ngoài các quỹ đất đã được thống nhất, Đà Nẵng nhận thấy cần thiết phải bổ sung thêm các quỹ đất khác đảm bảo các yêu cầu về vị trí địa lý thuận lợi, các điều kiện về giao thông, viễn thông và dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là đảm bảo tính sẵn sàng về tình trạng pháp lý, có thể sớm triển khai để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Ngoài hạ tầng cho TTTCQT, việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý TTTCQT cũng được chú trọng, đồng thời TP lựa chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên để cử đi đào tạo, thực tập tại một số TTTC lớn.
Đề xuất Trung tâm tài chính quốc tế phải cùng luật “chơi” với quốc tế
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết thêm, lãnh đạo TP đã có các chuyến công tác tại Thụy Sĩ, UAE và Singapore (cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2025), làm việc với các tổ chức, định chế, quỹ đầu tư tài chính để trao đổi về phát triển TTTC theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản mã hóa, tham vấn chính sách thu hút đầu tư, tìm hiểu kinh nghiệm quá trình xây dựng, quản lý và vận hành TTTC.
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam. Cụ thể, Đà Nẵng đề xuất được áp dụng luật thông lệ Anh để điều chỉnh các hoạt động tài chính, thương mại trong phạm vi TTTCQT; cho phép thí điểm giao dịch trong TTTCQT các tài sản mã hóa, thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong chuyến công tác cùng Đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng khảo sát kinh nghiệm xây dựng TTTCQT tại Singapore
“Chúng ta cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội với các cơ chế đặc thù, đột phá như áp dụng luật thông lệ Anh trong phạm vi TTTCQT, hay cơ chế thuê trọng tài quốc tế… Như vậy, TTTC của Việt Nam mới tham gia vào sân chơi chung của tài chính thế giới”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.
Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng một lần nữa nhấn mạnh: “TTTCQT thì phải chơi cùng sân chơi và cùng luật chơi với quốc tế chứ chúng ta không thể có một hình thức và một luật chơi riêng của chúng ta được”. Do đó, ông Quảng đề xuất những vấn đề cần phải đồng bộ với bất kỳ một TTTC là các yếu tố về ngôn ngữ được sử dụng tại Trung tâm; các cơ chế về giải quyết tranh chấp; cơ chế về điều hành; cơ chế về giám sát và các cơ chế về liên thông dữ liệu.
Điều đáng nói, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng từng lưu ý, để tránh xung đột với định hướng phát triển TTTC tại TP Hồ Chí Minh và tránh trùng lặp với mô hình của Singapore và UAE, hướng đi của TTTC Đà Nẵng phải là tài chính xanh, kinh tế số. “Điều kiện tiên quyết của TTTC là khả năng kết nối toàn cầu chứ không phải làm cho toàn cầu, nếu chọn đúng con đường của Singapore và UAE sẽ không thể cạnh tranh với các TTTC này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đưa thêm những nhìn nhận, Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính quốc tế nhằm phát huy, khai thác được lợi thế cạnh tranh của TP, đặc biệt những dịch vụ tài chính quốc tế gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, ông đã tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trong chuyến thăm và làm việc tại 3 nước châu Âu gồm: Anh, Luxembourg và Đức từ ngày 16-25/3. Qua những ngày làm việc tại Vương quốc Anh, Đà Nẵng thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển TTTC tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã dự những buổi làm việc với Phó Thị trưởng TTTC London, thăm, tìm hiểu mô hình tổ chức, hoạt động của TTTC London, thăm thị trường chứng khoán London và đặc biệt là buổi tọa đàm với The CityUK về phát triển TTTCQT của Việt Nam”, ông Minh nói
Ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ, qua những buổi làm việc với các tổ chức và các cơ quan này, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam, Đà Nẵng còn chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển TTTCQT tại Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho những sản phẩm, dịch vụ tài chính quốc tế mà phát huy, khai thác được lợi thế cạnh tranh của TP như các dịch vụ tài chính quốc tế gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các dịch vụ liên quan đến fintech, ngân hàng số, các sản phẩm tài chính gắn với tài sản số, tài sản mã hóa blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI),
Theo ông Hồ Kỳ Minh, TTTCQT Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển, tập trung cho 3 nhóm dịch vụ: các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh. Qua đó, hướng đến cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, ngoài ra huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính của quốc gia, khu vực.
Bên cạnh đó, cũng trong chuyến đi, thông qua buổi làm việc với Hội Trí thức người Việt Nam tại Anh, Đà Nẵng nhận thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. “TP sẽ xây dựng các chính sách để thu hút trí thức người Việt với trình độ chuyên môn, năng lực cao đang làm việc tại các tổ chức, các ngân hàng Anh về làm việc cho TTTCQT tại Đà Nẵng trong thời gian tới”, ông Minh thông tin.
Vũ Vân Anh
(còn tiếp)