Bài 2 - Hành trình chuyển mình giữa dấu mốc lịch sử

Bài 2 - Hành trình chuyển mình giữa dấu mốc lịch sử
9 giờ trướcBài gốc
Vùng sáng Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 1 - Hành trình thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dù còn không ít rào cản trong triển khai, với sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Sóc Trăng đang từng bước vươn lên, khẳng định vai trò trong hành trình phát triển bền vững cho đồng bào Khmer và các dân tộc thiểu số khác.
Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng (nay là TP cần Thơ) biểu diễn múa truyền thống – nỗ lực giữ gìn di sản văn hóa dân tộc giữa dòng chảy hiện đại
Từ ngày 1.7.2025, tỉnh Sóc Trăng đã chính thức hợp nhất cùng TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, trở thành một đơn vị hành chính mới mang tên TP Cần Thơ.
Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện Chương trình MTQG tại Sóc Trăng không chỉ là minh chứng cho một giai đoạn nỗ lực, mà còn là nền tảng để định hình tương lai phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong diện mạo hành chính mới.
Cụ thể hóa chính sách – hành trình từ văn bản đến đời sống
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sóc Trăng đã là một trong những địa phương vào cuộc sớm, quyết liệt và bài bản.
Với một vùng đất còn nhiều thách thức, việc hiện thực hóa chính sách không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để tạo nên sự chuyển mình toàn diện.
Chỉ trong thời gian ngắn, Sóc Trăng đã ban hành tới 139 văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện Chương trình, trong đó có 1 nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 29 nghị quyết của HĐND tỉnh và 111 văn bản chuyên ngành.
Đặc biệt, tỉnh mạnh dạn thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền: UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt danh sách thụ hưởng Dự án 1, rút ngắn thủ tục hành chính, đưa chính sách đến gần dân hơn. Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 24.5.2023 chính là cột mốc pháp lý làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực thi.
Tuy nhiên, hành trình từ chính sách đến thực tiễn không hề bằng phẳng. Việc lồng ghép giữa các chương trình MTQG như giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới vẫn còn lúng túng do quy định “không được trùng lặp đối tượng thụ hưởng”.
Năm 2025, Sóc Trăng buộc phải lồng ghép chính sách hỗ trợ nhà ở từ Dự án 1 vào kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hơn 28,7 tỉ đồng, trong đó có 7,6 tỉ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Cũng không ít chính sách tưởng như "đúng và trúng" nhưng lại gặp nhiều lực cản khi triển khai. Dự án hỗ trợ đất sản xuất hầu như không thể thực hiện do tỉnh không còn quỹ đất.
Hỗ trợ đất ở gặp khó vì định mức còn thấp, trong khi nhiều hộ nghèo không có khả năng đối ứng. Nhiều hộ cũng không đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, làm chậm tiến độ giải ngân.
Ở Dự án 3, Tiểu dự án hỗ trợ bảo vệ rừng và môi trường cũng gặp giới hạn. Sóc Trăng chỉ có 16 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 6 xã có rừng phòng hộ, chiếm vỏn vẹn 16% diện tích rừng toàn tỉnh khiến phạm vi thụ hưởng bị thu hẹp.
Tỉnh đã chủ động kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng để tăng hiệu quả bảo vệ rừng, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bảo tồn phục dựng nghề quết cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer
Khó khăn còn đến từ thủ tục hành chính ở Dự án 5. Các cơ sở đào tạo sau đại học như Học viện Chính trị Khu vực IV từ chối ký hợp đồng vì không đủ thẩm quyền, ảnh hưởng tới việc hỗ trợ học phí cho cán bộ người dân tộc.
Tại tuyến huyện, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cũng không thuộc danh sách được hỗ trợ theo Công văn số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31.7.2023, khiến việc nâng cấp hạ tầng, thiết bị dạy nghề bị đình trệ.
Thực tế tại cơ sở cũng cho thấy nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Ở những xã vùng sâu, người lao động chủ yếu đã đi làm xa, người còn lại đa phần là người già, trẻ nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện học nghề. Mức hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày chưa đủ hấp dẫn, trong khi kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp vẫn còn rời rạc.
Sức bật từ vùng trũng – Động lực cho giai đoạn mới
Dù còn vướng mắc, nhưng Sóc Trăng vẫn không ngừng tiến về phía trước. Tính đến hết tháng 6.2025, Sóc Trăng đã được phân bổ tổng cộng 1.390.227 triệu đồng để thực hiện Chương trình MTQG, đạt 64,59% so với kế hoạch giai đoạn 2021–2025.
Trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm 1.170.651 triệu đồng (gồm 660.273 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 510.378 triệu đồng vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương đóng góp 135.361 triệu đồng; các nguồn vốn lồng ghép, tín dụng chính sách và xã hội hóa lên đến gần 84.000 triệu đồng.
Năm 2024, việc triển khai các nghị quyết mới của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 108/2023/QH15 và Nghị quyết số 111/2024/QH15, đã tạo cú huých quan trọng về điều hành nguồn lực. UBND tỉnh đã kịp thời trình và được HĐND thông qua 3 nghị quyết quan trọng để điều chỉnh, kéo dài và chuyển nguồn vốn đầu tư chưa giải ngân từ các năm 2022–2023 sang năm 2024.
Nhờ đó, đến 31.1.2025, Sóc Trăng đã giải ngân được 379.424 triệu đồng trên tổng số 528.101 triệu đồng vốn kế hoạch năm 2024, đạt tỷ lệ 71,85%, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, một tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn nước rút.
Phục dựng nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong của đồng bào Khmer
Tuy nhiên, điều làm nên sức nặng thực sự của Chương trình không chỉ nằm ở những con số giải ngân hay tỷ lệ phần trăm đạt được, mà ở những chuyển biến cụ thể, hữu hình trong đời sống người dân.
Tính đến cuối năm 2024, Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 302 hộ và hỗ trợ nhà ở cho 3.028 hộ, giúp hàng nghìn người dân vùng sâu vùng xa an cư, ổn định cuộc sống.
Hơn 5.700 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, không chỉ là sự giúp đỡ vật chất mà còn là tấm vé mở ra hành trình thoát nghèo bền vững.
Trong lĩnh vực nước sạch, 2.448 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, trong khi 4 công trình cấp nước tập trung đi vào hoạt động, mang nguồn nước sạch đến khoảng 1.600 hộ dân – những con số tưởng như khô khan nhưng lại thấm đẫm mồ hôi, công sức của người dân và cán bộ cơ sở.
Không khí khởi sắc hiện rõ trên từng tuyến đường: 162 công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới; 14 chợ nông thôn được sửa chữa; 216 công trình hạ tầng thiết yếu được duy tu bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, hơn 124 mô hình sinh kế cộng đồng được triển khai, mang lại sinh lực mới cho sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Giáo dục – văn hóa cũng ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ. 07 trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập.
Trên mặt trận bồi dưỡng nguồn nhân lực, hơn 3.600 lượt cán bộ, công chức, viên chức đã được cập nhật kiến thức dân tộc và kỹ năng triển khai Chương trình.
Khoảng 6.300 học viên khác được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, tạo tiền đề cho sự chủ động từ cơ sở.
Đặc biệt, văn hóa truyền thống được gìn giữ và lan tỏa mạnh mẽ: 6 cuộc khảo sát, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể đã được thực hiện; 5 lễ hội tiêu biểu được phục dựng thành công; 2 nghệ nhân tiêu biểu được hỗ trợ trực tiếp để truyền dạy và phổ biến di sản.
4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 31 đội văn nghệ truyền thống được trang bị phương tiện biểu diễn; 1 clip phóng sự công phu đã hoàn thành, giới thiệu về 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả ấy không chỉ là thành tích của một giai đoạn chính sách, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần kiên cường, bền bỉ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng vươn lên của đồng bào các dân tộc Sóc Trăng.
Mặc dù hành trình thực hiện Chương trình MTQG ở Sóc Trăng còn nhiều vướng mắc, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực đã và đang hiện hữu.
Từ những con đường được mở mới, trường lớp được sửa sang, đến những mái nhà kiên cố lần lượt mọc lên tất cả là minh chứng cho hiệu quả chính sách và sự bền bỉ của chính quyền địa phương.
Giai đoạn 2025–2030 đang mở ra phía trước, trong một địa giới hành chính mới: TP Cần Thơ hợp nhất. Những bài học từ Sóc Trăng, trước ngày 1.7.2025 sẽ là kinh nghiệm quý báu để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.
(Còn tiếp)
NAM HƯNG - NGUYỄN LINH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/bai-2-hanh-trinh-chuyen-minh-giua-dau-moc-lich-su-150426.html