Bài 2: Lấy công nghệ xanh làm trục cốt lõi, sản xuất xanh làm kim chỉ nam

Bài 2: Lấy công nghệ xanh làm trục cốt lõi, sản xuất xanh làm kim chỉ nam
9 giờ trướcBài gốc
Sản phẩm sứ vệ sinh của Viglacera ứng dụng công nghệ phủ men nano - nung một lần, thông minh, có khả năng tự làm sạch, kháng khuẩn, siêu chống bám dính, ố bẩn.
Không ngừng xanh hóa sản phẩm VLXD
Mặc dù thành công với sản phẩm sứ vệ sinh với công nghệ tiên tiến của châu Âu, Mỹ từ năm 1993, nhưng Viglacera luôn tự đề ra áp lực cho chính bản thân mình về trách nhiệm bảo vệ sự phát triển bền vững cho cộng đồng. Năm 2002, Viglacera chính thức đưa ra thị trường một sản phẩm mang yếu tố công nghệ mới là sứ vệ sinh phủ men nano - nung một lần, lắp đặt thiết bị thông minh, có khả năng tự làm sạch, siêu chống bám dính và ố bẩn. Người tiêu dùng ngay lập tức thấy được mức độ giảm tiêu hao nước sử dụng và các loại hóa chất tẩy rửa thông qua hóa đơn chi trả hàng tháng của chính gia đình mình. Với việc sử dụng bồn cầu ít tiêu hao nước, người dân đã góp một phần, dù rất nhỏ vào việc giảm tác động đến môi trường.
Làm chủ công nghệ sản xuất kính từ những năm 1990, nhưng đối diện trước “cơn khát” về kính an toàn trong xây dựng, từ năm 2016, Viglacera đã đầu tư Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới của Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức), công suất 2,3 triệu m2/năm.
Đây cũng là nhà máy kính tiết kiệm năng lượng (TKNL) đầu tiên được đầu tư thành công tại khu vực Đông Nam Á, nên không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam, mà còn cung cấp tới cả khu vực dòng sản phẩm kính xây dựng thế hệ mới, phù hợp với sự đa dạng về khí hậu và nhiệt độ. Kính TKNL Viglacera ra đời đồng thời tạo ra thế đối trọng trong cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu vốn dĩ “làm mưa làm gió” trước đây tại thị trường Việt Nam.
Kính TKNL Viglacera ngăn 99% tia tử ngoại, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.
Kính TKNL nhanh chóng có “đất sống” bởi chính tính năng phát xạ thấp và hệ số dẫn nhiệt nhỏ, làm giảm đáng kể sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài thông qua hệ thống vách kính.
Viglacera đồng thời sản xuất 2 loại kính TKNL là Solar Control và Low-E. Kính Solar Control có khả năng ngăn cản lượng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy từ ánh sáng mặt trời đạt khoảng từ 5%-95%; ngăn cản năng lượng từ ánh sáng mặt trời lên tới 79%; ngăn cản tia cực tím lên tới 99%... Còn kính Low-E được phủ các lớp có chứa bạc và có những tính năng phù hợp để chống thất thoát nhiệt từ phía trong nhà ra môi trường bên ngoài.
Với đặc điểm ưu việt này, các loại kính TKNL Viglacera sẽ đáp ứng được cả hai loại khí hậu nóng và lạnh, đồng nghĩa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu tiêu dùng ở 2 miền Bắc – Nam của đất nước. Đến nay, kính TKNL Viglacera được ứng dụng rộng rãi trong các công trình đề cao tiêu chí chất lượng sống, thân thiện với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.
Năm 2023, Viglacera tiếp tục là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và đưa vào thị trường kính siêu trắng. Sản phẩm kính siêu trắng Viglacera có hàm lượng sắt thấp (low iron) giúp kính trong suốt, độ thấu quang tới 91,5% (trong khi kính thường chỉ đạt 86%). Sản phẩm ứng dụng hiệu quả trong kiến trúc xây dựng; thiết kế nội thất, ngoại thất cao cấp; ứng dụng trong ngành công nghiệp ôtô…
Tới đây, khi kính siêu trắng ứng dụng rộng rãi để làm phôi sản xuất pin năng lượng mặt trời, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có cơ hội tiết giảm chi phí sản xuất, qua đó gia tăng cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận với nguồn năng lượng sạch, chi phí thấp.
Kính siêu trắng Viglacera – Trải nghiệm tầm nhìn không giới hạn.
Hiện nhóm sản phẩm kính của Viglacera đã chiếm xấp xỉ 60% thị phần nội địa và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành doanh nghiệp số 1 trong khu vực Đông Nam Á, hướng tới xuất khẩu sản phẩm và chinh phục các thị trường khó tính như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…
Chuyển đổi xanh từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất
Đối với sản phẩm ốp lát, năm 2023, Viglacera ra mắt đá nung kết Vasta Stone. Đây là thương hiệu đá nung kết đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục là một vật liệu xanh mang “họ Viglacera”.
Đá nung kết Vasta Stone được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên dễ khai thác ở Việt Nam. Quá trình gia công tiêu thụ ít nước và năng lượng. Công suất điện tiêu thụ của máy cán ép liên tục chỉ bằng 1/6 so với phương pháp ép truyền thống nên giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chi phí môi trường.
Hơn thế, đá nung kết Vasta Stone có khả năng tái chế 100%, bằng cách nghiền và tái sử dụng phế phẩm, không gây rác thải, chất thải rắn ra môi trường. Vasta Stone cũng không sử dụng hóa chất trong sản xuất hay xử lý bề mặt, nhưng lại có khả năng chống chịu với các loại hóa chất thông thường.
Đá nung kết Vasta Stone có kích thước lớn, lên đến 6x4m, bề mặt mô phỏng bề mặt đá tự nhiên đa dạng, tuổi thọ lại cao hơn so với đá tự nhiên nên tự bản thân nó đã tạo nên sức hút về nhu cầu tiêu dùng, qua đó chống lại xu hướng khai thác và sử dụng đá tự nhiên.
Đá nung kết với đẳng cấp đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và thiết kế.
Gần đây nhất, tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng Công ty Viglacera - CTCP, doanh nghiệp này tiếp tục ra mắt sản phẩm mới: Sen vòi Viglacera mạ màu PVD – đây là loại sản phẩm thế hệ mới, được sản xuất trên công nghệ của Protec Surface Technologies (Ý).
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Sen vòi Viglacera cho biết, công nghệ mạ PVD sử dụng phương pháp mạ chân không, là một công nghệ mạ sạch và thân thiện với môi trường, giúp loại bỏ các yếu tố độc hại, hạn chế phát thải hóa chất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Hướng tới thị trường xuất khẩu cao cấp, sản phẩm sen vòi mạ PVD của Viglacera đã đạt được chứng chỉ RoHS (Restriction of Hazardous Substances) của châu Âu. Chứng chỉ RoHS chứng nhận rằng sản phẩm sen vòi mạ PVD của Viglacera hoàn toàn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về việc hạn chế sử dụng các chất độc hại, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện môi trường…
Sản phẩm sen vòi mạ PVD của Viglacera đã đạt được chứng chỉ RoHS (Restriction of Hazardous Substances) của châu Âu.
Đa dạng giải pháp sản xuất xanh
Bên cạnh việc phát triển VLXD xanh, Viglacera đồng thời triển khai nhiều giải pháp sản xuất xanh, sản xuất thông minh, thiết thực giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững. Trong sản xuất gạch ốp lát và kính xây dựng, Viglacera chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu khí đốt CNG thay cho dầu FO, giúp giảm đến 20% phát thải khí hiệu ứng nhà kính.
Trong sản xuất sứ vệ sinh, Viglacera thực hiện kiểm toán năng lượng, tập trung chủ yếu vào các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng, trên cơ sở đó, đề xuất ra các biện pháp hữu hiệu như: Thay thế hoàn thiện tất cả đèn huỳnh quang T8 bằng bóng đèn led; Thay boiler sử dụng khí CNG bằng heat pump để cấp nước nóng cho khu vực điều chế và kiểm tra sản phẩm; Vận hành tối ưu hệ thống khí nén; Giảm tỷ lệ rò rỉ khí nén; Tận dụng triệt để khí nóng lò tuynel để sấy... Các giải pháp này giúp các nhà máy của Viglacera không chỉ giảm được chi phí sử dụng năng lượng trong sản xuất, mà còn giảm đáng kể phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Với những nỗ lực trong đầu tư công nghệ mới, thúc đẩy phát triển các sản phẩm xanh, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… Viglacera đang tích cực triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
Bài 3: Đầu tư phát triển bất động sản xanh
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/bai-2-lay-cong-nghe-xanh-lam-truc-cot-loi-san-xuat-xanh-lam-kim-chi-nam-384381.html