Bài 2: Lời giải nào cho bài toán 'đất của tôi, rừng của anh'?!

Bài 2: Lời giải nào cho bài toán 'đất của tôi, rừng của anh'?!
3 giờ trướcBài gốc
Khoảng 2.700 ha đất rừng trên địa bàn huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh (do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý) đang xảy ra chồng lấn, tranh chấp, bất cập cần được xử lý sớm để tránh phát sinh hệ lụy.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng xâm lấn, chồng chéo
Tình trạng đất do chủ rừng Nhà nước quản lý còn cây keo, tràm thì người dân trồng như hiện nay là do nhiều nguyên nhân, sai đến từ nhiều phía. Qua tìm hiểu từ người dân ở các xã: Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) cho thấy, trước hết, đây là hậu quả tất yếu của quá trình “khai hoang” tự phát, tràn lan trước đây.
Người dân trồng keo chồng lấn vào lâm phần thuộc BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý ở thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây.
Ông Trần Xuân L. ở thôn Bắc Xuân (xã Kỳ Tây) thừa nhận: “Gia đình tôi hiện có 3ha keo tràm trồng cách đây 5 năm, trên vùng đồi được khai hoang năm 2001. Trước đây, do điều kiện khó khăn, không có đất sản xuất nên tôi và nhiều hộ khác trong thôn đều đã tự ý khai hoang mà không xin ý kiến của ai và cũng không tìm hiểu đất do ai quản lý. Nhiều năm nay, dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại giấy tờ pháp lý khác nhưng tôi vẫn đinh ninh là tài sản của gia đình, chứ không phải là lâm phần của Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh”.
Ông Trần Xuân L. ở thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây: "Nhiều năm nay, dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại giấy tờ pháp lý khác nhưng tôi vẫn đinh ninh là tài sản của gia đình".
Ông Bùi Xuân T. ở thôn Xuân Tiến (xã Kỳ Lạc) chia sẻ: “Khoảng 20 năm trở về trước, vùng thượng Kỳ Anh rừng núi hoang vu, ai có sức thì phát rừng trồng cây lương thực, sau này chuyển sang trồng keo. Lúc đầu làm nhỏ, sau mở rộng dần, mạnh ai nấy làm chứ chẳng biết đất do ai quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến những chồng chéo, bất cập trong sử dụng đất rừng hiện nay”.
Sự chồng chéo trong quản lý đất lâm nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này, trong đó thể hiện khá rõ ở xã Kỳ Tây. Cụ thể, vào năm 2001, UBND tỉnh đã giao phần diện tích 659 ha của 209 hộ dân đang tự bỏ vốn trồng keo hiện nay cho BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý, nhưng vào tháng 9/2002, chính quyền địa phương vẫn ký đơn cho các hộ xin cấp làm vườn đồi, trang trại, trồng rừng (có chữ ký, đóng dấu của địa chính, chủ tịch UBND xã). Chưa dừng lại ở đó, nhiều năm nay, xã vẫn thu quỹ bảo vệ và phát triển rừng (số tiền tương đương 80 kg thóc/ha/chu kỳ) nên người dân nhầm tưởng đây là đất được chính quyền địa phương cấp cho mình.
Giấy thông báo thu hoa lợi công sản trên đất lâm nghiệp do UBND xã Kỳ Tây gửi cho các hộ gia đình.
Yếu tố lịch sử trong công tác quản lý, bảo vệ đất lâm nghiệp của chủ rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến đất của chủ rừng Nhà nước, còn cây trồng trên đất là của dân. Theo đó, vì BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh được giao quản lý 20.315 ha rừng và đất lâm nghiệp trong bối cảnh lực lượng “mỏng”, thiếu thốn đủ bề, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập nên hàng chục năm qua, người dân liên tục lấn chiếm, xẻ phát, sử dụng trái phép đất trên lâm phần được giao quản lý (riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 5 vụ lấn chiếm với tổng diện tích gần 7 ha).
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh chia sẻ: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn này là vì các yếu tố lịch sử. Cùng với phần diện tích được giao ban đầu, đơn vị chúng tôi còn nhiều lần tiếp nhận đất từ các chủ rừng khác chuyển về (giải thể) và các chương trình, dự án trồng rừng khác như 327, 661… (hết kinh phí nên thanh lý cho dân tự trồng) nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do nhân lực, phương tiện, cơ chế, kinh phí… còn hạn chế, công tác quản lý một số thời điểm còn lỏng lẻo, chưa thực sự tốt, dẫn đến tình trạng xẻ phát, lấn chiếm trên lâm phần”.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (bìa trái) làm việc với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Cần hài hòa lợi ích của 2 bên
Vấn đề khó giải quyết nhất khi thắt chặt quản lý đất đai, khai thác, giao khoán… là việc hài hòa giữa vai trò, trách nhiệm, quy định của chủ rừng với quyền lợi của người dân.
Ông Phạm Văn Tuân ở thôn Bắc Xuân (Kỳ Tây) mong muốn: “Cuộc sống, sinh kế, con cái ăn học của thôn chúng tôi và hàng nghìn hộ dân khác đang phụ thuộc vào quỹ đất rừng này nên nếu bị thu hồi bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, khi chuyển sang trồng rừng phòng hộ, chúng tôi sẽ phải nhận khoán lại theo từng giai đoạn, mất quyền tự quyết trên đất, phải làm quen với phương thức sản xuất mới, thu nhập thấp hơn vì cây bản địa tăng trưởng chậm… Vì vậy, mong chủ rừng, các cấp, ngành xem xét”.
Người dân khai thác keo khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Ảnh cắt từ video do BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cung cấp.
Đến thời điểm này, BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc làm việc với các phòng, ngành chức năng, chính quyền địa phương và ban hành nhiều văn bản gửi đến các hộ tự bỏ vốn trồng keo tràm trên lâm phần với mong muốn thắt chặt quản lý, đảm bảo các quy trình, tuân thủ quy định mới trong tất cả các khâu.
Ngày 30/9/2024, UBND huyện Kỳ Anh ban hành Văn bản số 114/TB-UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hải tại cuộc làm việc về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng lâm phần BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tây. Trong đó, yêu cầu BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh phối hợp với các xã liên quan rà soát, lập danh sách các hộ cụ thể theo các nội dung: số hộ, diện tích, hiện trạng đất rừng, thời điểm sử dụng… để phân nhóm (4 nhóm), có hướng xử lý riêng. Đồng thời, xây dựng phương án khai thác gỗ rừng trồng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao UBND các xã, BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh làm việc với từng thôn, xóm, hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục khai thác…
Người dân tái trồng rừng trên diện tích đất đã khai thác keo.
Tuy vậy, các văn bản nói trên nhìn chung chưa thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, chưa được các hộ giao khoán chấp hành tốt. Tình trạng khai thác gỗ rừng trồng trái phép vẫn còn xảy ra, thậm chí người dân vẫn đang tùy tiện tái sản xuất ở nhiều nơi… Điều này đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng, lộ trình thắt chặt quản lý các hoạt động lâm nghiệp trên toàn lâm phần của chủ rừng.
Trong khi đó, công tác quản lý khai thác dự báo cũng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Lưu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho biết: “Do nhiều hộ đang trồng keo ở vùng quy hoạch rừng phòng hộ nên việc khai thác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định của pháp luật, quy chế quản lý rừng phòng hộ. Ngoài đảm bảo quy trình, hồ sơ, thủ tục, khi được phép khai thác cũng phải đảm bảo cường độ khai thác dưới 20% diện tích, phủ kín lại diện tích rừng mới khai thác thì mới được cắt bán tiếp”.
Ông Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh cho rằng: “Tăng cường quản lý về đất rừng và hoạt động khai thác rừng trồng là việc cần thiết, phải làm và chúng tôi cũng đang phối hợp rà soát, đánh giá, có phương án xử lý cụ thể. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ rừng và các hộ dân, không phát sinh thêm việc khó”.
Lời kết
Công tác quản lý đất rừng và kiểm soát hoạt động khai thác keo do người dân tự bỏ vốn trồng trên lâm phần BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đang là vấn đề rất cần phải tập trung giải quyết tốt. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, mang yếu tố lịch sử, tồn tại đã nhiều năm và liên quan đến trách nhiệm rừng của chủ rừng, quyền lợi của hàng nghìn hộ dân, cũng như pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng nên phải cẩn trọng, có lộ trình, xây dựng phương án khả thi cao.
Đặc biệt, trong quá trình thắt chặt quản lý đất rừng và quy trình khai thác gỗ rừng trồng cần nghiên cứu xây dựng các phương án giao khoán, kế hoạch sản xuất, lộ trình chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị phòng hộ, duy trì sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng.
Trước mắt, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động…, các hộ dân liên quan cần thực hiện khai thác keo đã trồng đúng quy trình, không tự ý khai thác trái quy định, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Chủ rừng cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các phòng ngành chức năng để sớm tháo gỡ các vấn đề khó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hài hòa của các bên, không để phát sinh các tình tiết xấu gây mất ổn định tình hình ở cơ sở.
Tiến Dũng - Nam Giang
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/bai-2-loi-giai-nao-cho-bai-toan-dat-cua-toi-rung-cua-anh-post278079.html