Trồng rừng theo quy chuẩn FSC ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Chu Khôi.
Với mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp… Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500.000ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình đang quản lý gần 2 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng sản xuất cả nước. Diện tích còn lại do các doanh nghiệp và các công ty lâm nghiệp quản lý. Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước hiện có khoảng gần 600 nghìn ha chứng chỉ rừng bền vững, trong đó chứng chỉ FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu) khoảng 410 nghìn ha và chứng chỉ PEFC (Chứng chỉ rừng quốc tế) /VFCS khoảng 183 nghìn ha.
Đáng chú ý, theo kết quả điều tra, tính đến hết tháng 10/2024, trong tổng số diện tích rừng được cấp chứng chỉ, diện tích rừng do hộ gia đình, cá nhân được cấp theo hình thức chứng chỉ nhóm là: 300.816ha, chiếm 50%. Trong đó, hình thức liên kết với doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ đứng ra làm đại diện nhóm và thu mua gỗ có chứng chỉ là chủ yếu, khoảng 220.000ha (chiếm 73,3%); các diện tích còn lại là cấp chứng chỉ nhóm theo hình thức hội chủ rừng và hợp tác xã.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng mô hình liên kết chủ rừng quy mô nhỏ liên kết với DN chế biến gỗ trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình trồng rừng là rất cần thiết, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, thúc đẩy phát triển hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, ngành hàng tỷ USD này vẫn đối diện với bài toán thiếu bền vững.
Nêu nguyên nhân, ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phòng Chế biến và thương mại lâm sản - Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, ảnh hưởng từ biến động toàn cầu, các biến động như dịch bệnh (Covid-19), thiên tai, đặc biệt là xung đột chính trị trên thế giới đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nhiên liệu, vận chuyển leo thang khiến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, thúc đẩy ngành chế biến gỗ chuyển sang sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện tại, Việt Nam khai thác hơn 20 triệu m³ gỗ từ rừng trồng sản xuất mỗi năm, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu gỗ nguyên liệu của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, khoảng 70% lượng gỗ này chỉ phù hợp cho sản xuất dăm gỗ và viên nén gỗ, chưa phù hợp về chất lượng và quy cách sản phẩm để chế biến sâu, chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu cao cấp. Chưa kể, những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc ngày càng áp dụng chặt chẽ các quy định về gỗ hợp pháp, và yêu cầu chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Do đó, để duy trì và mở rộng các thị trường xuất khẩu này, việc phát triển nguồn gỗ nguyên liệu từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ là điều kiện tiên quyết.
Giới chuyên gia cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hộ gia đình trong thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Phải làm cho người dân thấy lợi ích rõ ràng cho các bên tham gia. Về phía các địa phương tăng cường thu hút các DN chế biến gỗ đầu tư, xây dựng nhà máy gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương, từ đó các DN tổ chức sản xuất, liên kết với chủ rừng hộ gia đình trong phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững.
Khanh Lê