Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò. Ảnh: HOÀNG LÊ
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 54 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực này, như nuôi bò lai/dê/heo đen sinh sản, nuôi vịt xiêm thịt, gà thương phẩm… Kết quả đã có 353 hộ thoát nghèo.
Nuôi bò sinh kế, có của để dành
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) đầu năm 2023 được Nhà nước hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng. Với số vốn có được, chị Hương mua 2 con bò cái giống về nuôi. Sau gần 2 năm, 3 con bê ra đời. “Tôi nuôi bò chỉ tốn công vì thức ăn có sẵn từ rơm rạ của 5 sào ruộng lúa sau mỗi mùa thu hoạch. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm cỏ voi cho chúng ăn dặm nên không tốn kém gì”, chị Hương nói. Nhờ làm ruộng, nuôi bò và làm thêm lúc nông nhàn, cuộc sống gia đình chị Hương đã khá hơn trước, con cái yên tâm học hành.
Còn gia đình bà La Thị Bích ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đang nuôi 4 con bò vỗ béo và sinh sản, trong đó có 2 con được Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình khác.
Bà Bích chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt, hằng ngày cho ăn cỏ, cháo nấu từ rau muống, cám gạo nên bò nhanh lớn, khoảng 1 năm là xuất chuồng. Còn bò sinh sản nếu chăm sóc tốt, sau 1 năm có thể sinh bê”. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt đúng quy trình, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ nên đàn bò của gia đình bà Bích phát triển tốt. Năm 2024, gia đình bà đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Theo ông La Thanh Phục, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, đối với người dân miền núi, trồng một vài sào mía, sắn chỉ đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày. Do vậy, đối với những hộ thiếu đất sản xuất thì nuôi bò mang lại nguồn thu nhập, có dư làm của để dành.
Cũng nhờ được hỗ trợ bò giống cùng với hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phù hợp, năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của xã Sơn Phước giảm 4,79%, hiện còn 17,05%. Đây là kết quả đáng phấn khởi đối với xã miền núi đặc biệt khó khăn này.
Tập trung hỗ trợ nhóm hộ nghèo có lao động
Theo Sở LĐTB&XH, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nói chung và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Trong năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện tiểu dự án này có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng. Các đối tượng tham gia được đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, được kiểm tra, giám sát các nội dung, hoạt động; được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao trình độ, từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần và giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tiếp tục triển khai Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Theo đó, tập trung hỗ trợ nhóm hộ nghèo có lao động bằng cách: hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp kiến thức, tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm cho người lao động thuộc hộ nghèo trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện sẵn có của đối tượng tham gia dự án, phù hợp tiềm năng lợi thế của địa phương.
Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và hỗ trợ khác theo quy định.
Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng; tổ chức tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
KIM CHI