Với 99% dân số là người Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) đã và đang được hỗ trợ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Người dân xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) phát triển nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cuối năm 2023, bà Bùi Thị Hoa ở xóm Riệc 2 được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay đã có thêm 1 con bê. Gia đình bà Hoa coi đây là động lực để cố gắng, chủ động sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt, trồng hoa màu để vươn lên thoát nghèo. Cùng với hàng trăm hộ nghèo, hộ DTTS trong toàn xã, gia đình bà Hoa còn được hỗ trợ téc nước phục vụ đời sống sinh hoạt.
Để giải quyết tình trạng thiếu điều kiện phát triển sản xuất, các chương trình, dự án hỗ trợ người dân trong xã về cây, con giống, vật tư, phương tiện máy móc cơ giới. Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức giúp mở mang kiến thức, nâng cao năng lực cho bà con. Đồng chí Quách Văn Hiệu, Bí thư Đảng ủy xã thông tin: Đến nay, xã đã tiếp nhận và bàn giao cho các hộ 140 máy nông cụ, trên 360 téc nước, 60 con bò sinh sản, 30 con trâu sinh sản. Đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào DTTS... Ngoài thực hiện các chính sách của nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình trồng cây lấy hạt chất lượng cao, nuôi ong lấy mật để tăng thu nhập. Mặt khác, huy động các nguồn lực xã hội hóa và từ nhân dân để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025; thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Ban giám sát cộng đồng. Đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các chi bộ để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ.
Giai đoạn 2019-2024, chính sách đầu tư phát triển được tích cực thực hiện với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã đã bê tông hóa 7 km đường giao thông nông thôn với kinh phí 10 tỷ đồng, giúp việc đi lại của nhân dân thuận tiện, giao thương phát triển. 5 công trình bai, hồ, đập được xây dựng và sửa chữa và 3,4 km mương thủy lợi được cứng hóa, góp phần đảm bảo cơ bản nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, đến nay 100% người dân có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở được nâng lên. Thông qua chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, 420 lao động nông thôn, người DTTS đã áp dụng kỹ thuật chăn nuôi dê, nuôi ong lấy mật, sửa chữa máy nông nghiệp… vào sản xuất của gia đình. Người có uy tín được quan tâm thăm hỏi, phát huy tốt vai trò gương mẫu, "cầu nối” tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng tới nhân dân.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Quách Văn Hiệu, nhờ sự tiếp sức của chính sách dân tộc, đồng bào các DTTS tại địa phương chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm ăn. Từ chỗ độc canh cây lúa, các hộ đã khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển diện tích rừng trồng kết hợp chăn nuôi. Toàn xã có trên 1.000 ha rừng sản xuất, một số gia đình thu nhập 300 triệu đồng/năm từ nghề trồng rừng. Toàn xã có trên 600 lao động trẻ làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, khoảng 130 lao động nữ đang tham gia ngành nghề mây tre đan. Năm 2024, thu nhập bình quân của xã ước đạt 24 triệu đồng/người. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Bùi Minh