Nghiên cứu ban hành 2 chương trình mục tiêu quốc gia mới

Nghiên cứu ban hành 2 chương trình mục tiêu quốc gia mới
5 giờ trướcBài gốc
Tránh trùng lặp chỉ tiêu về văn hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 gồm 7 mục tiêu tổng quát, 10 nội dung thành phần, bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển văn hóa năm 2022. Năm 2025 tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình. Giai đoạn 2026 - 2030 tập trung giải quyết vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031 - 2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
“Tôi thống nhất thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình trong kỳ họp này. Đối tượng thụ hưởng của chương trình rất rộng, bao gồm người Việt Nam trong và ngoài nước, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, thiết chế văn hóa, riêng các loại hình di sản, di tích chỉ xác định đến cấp quốc gia. Chương trình còn để sót di sản, di tích ở địa phương (hiện vẫn chưa được xác định cấp bậc), cần được quan tâm bảo tồn và phát huy. Bởi nó được hình thành cùng với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc trong hàng ngàn năm qua. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chưa được đưa vào chương trình, có thể là trong mục tiêu cụ thể của các giai đoạn. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thêm tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, nhất là ở nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng nguyên tắc, cơ chế phân bổ và đối ứng linh hoạt hơn, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn về ngân sách” - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đóng góp.
Đấu tranh chống tội phạm về ma túy
Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới có nội dung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã và cấp thôn, bản; Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững có nội dung tại tiểu dự án 1 - Dự án 1, đầu tư công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao tại xã đặc biệt khó khăn; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Tuy nhiên, mỗi chương trình có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau. Vì vậy, việc thực hiện các nội dung trong Chương trình MTQG về phát triển văn hóa cần quan tâm rà soát thêm, tránh trùng lặp về chỉ tiêu với các chương trình đã có.
“Tôi đề nghị không cần thiết tích hợp, chuyển những dự án đã được xác định, đã và đang triển khai thực hiện tại các chương trình MTQG, nhằm tạo sự ổn định, thuận tiện và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả mục tiêu, chỉ tiêu đạt được của các dự án, tiểu dự án trong 3 chương trình MTQG cần được kết nối, đánh giá trong quá trình triển khai, thực hiện; sẽ là kết quả tổng thể cho bức tranh chung của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến.
Ngăn chặn hiểm họa ma túy
Trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, hướng đến kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.
Cùng với đó, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy đã hành động quyết liệt, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, tình trạng nghiện ma túy vẫn còn đáng báo động. Tại các diễn đàn Quốc hội, ĐBQH rất quan tâm, phân tích kỹ lưỡng vấn đề này. Việc xây dựng và triển khai Chương trình MTQG về phòng, chống ma túy trong thời điểm này sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và hiểm họa khôn lường liên quan đến sức khỏe giống nòi, an ninh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
GIA KHÁNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nghien-cuu-ban-hanh-2-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-moi-a410269.html