Bài 2: Người Anh hùng bắn liên tiếp 7 phát B41, diệt nhiều xe tăng và hàng trăm tên địch

Bài 2: Người Anh hùng bắn liên tiếp 7 phát B41, diệt nhiều xe tăng và hàng trăm tên địch
6 giờ trướcBài gốc
Trận Cồn Tiên - Dốc Miếu làm nức lòng quân dân
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng SN 1949 tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hiện sống tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Năm 1967, ông Ngưỡng nhập ngũ, sau một tháng huấn luyện được biên chế về C15 Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C (sau này là Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 - hiện nay là Quân đoàn 34).
“Trong 22 trận đánh lớn nhỏ, trận đầu tiên của tôi là trận Cồn Tiên - Dốc Miếu ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Cồn Tiên là căn cứ quân sự của Mỹ, nằm trên hành lang giáp miền Bắc, nhằm ngăn sự tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Địch trang bị hàng rào điện tử Macnamara cùng các loại vũ khí tối tân nhất. Tôi cùng đồng đội nhận lệnh bơi qua sông Bến Hải trinh sát từng ụ pháo, từng mét chiến hào. Tháng 8/1967, pháo của ta đồng loạt nã vào căn cứ Cồn Tiên, tạo nên chiến thắng vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước”- Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng hào hứng kể lại.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng.
Ở trận đánh cao điểm Yên Ngựa 832-845 Khe Sanh, lúc đó ông Ngưỡng là tiểu đội trưởng, sau khi trinh sát rồi đưa bộ binh áp sát trận địa, đặt mìn ở hàng rào thứ nhất. Đến "giờ G", ông Ngưỡng cho nổ mìn phá hàng rào, rồi tiếp tục ôm khối thuốc nổ thứ hai xông lên cài vào hàng rào cuối cùng để đồng đội kích nổ. Địch bắn xối xả làm hai chiến sĩ bị thương nặng, ông Ngưỡng phải bò ra kích nổ hàng rào để bộ binh xông lên.
Dù đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng thấy đồng đội bị thương nặng, ông Ngưỡng cùng bộ binh chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Sau khi bộ binh rút ra, chỉ còn một mình, ông Ngưỡng phát hiện 3 đồng đội đã hy sinh nên cõng từng người đưa xuống cao điểm. Khi đang cõng người thứ ba, ông Ngưỡng phát hiện chiến sĩ Do bị thương nặng, sau đó ông quay lại băng bó vết thương, cõng Do suốt 2 ngày đêm về hậu cứ. Trận đánh này, bộ đội ta diệt hơn 100 lính Mỹ, ông Ngưỡng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Chiến sĩ thi đua.
Những trận đánh lịch sử
Ngày 7/4/1968, Trung đoàn 95C vào chiến trường Kon Tum, trung đội trinh sát do ông Ngưỡng làm trung đội trưởng trinh sát cứ điểm Ngọc Hồi, chuẩn bị cho trận đánh mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên. “19 giờ ngày 8/5/1968, tôi cùng trinh sát đưa bộ binh áp sát mục tiêu. Khoảng 1 giờ sáng 9/5/1968, các mũi đồng loạt tấn công, chỉ trong khoảng 2 tiếng, chúng tôi diệt hơn một đại đội biệt kích. Sau đó, tôi cùng chiến sĩ Tá vào khu trung tâm, phát hiện 2 lính Mỹ trốn trong hầm. Một tên bị thương, tên còn lại lăm lăm súng trong tay. Tôi bắn loạt AK vào cạnh tên cầm súng, khi hắn hoảng loạn, tôi lao đến tước súng rồi cùng đồng đội giải 2 tên này giao cho đơn vị khác” - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng kể tiếp.
Sau trận đánh Ngọc Hồi, ông Ngưỡng cùng Trung đoàn 95C hành quân vào chiến trường Nam Tây Nguyên, đánh nhiều trận lập chiến công vang dội, rồi tiếp tục vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lúc này, ông Ngưỡng được bổ nhiệm Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 10, Sư đoàn 1. Trận đánh đáng nhớ nhất của ông Ngưỡng tại chiến trường Đông Nam Bộ, là trận Sóc Con Trăng (nay là ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Đây là cứ điểm đóng quân của tiểu đoàn hỗn hợp Sư đoàn Kỵ binh không vận Mỹ (còn gọi là Kỵ binh bay số 101) khét tiếng ở chiến trường. Nhiệm vụ của tiểu đoàn này là ngăn quân ta từ miền Bắc vào, từ Tây Nguyên xuống; uy hiếp, khống chế Bộ Chỉ huy Miền ở Lộc Ninh.
Ông Ngưỡng, xúc động kể lại: “Đại đội của tôi được giao nhiệm vụ đánh chính diện vào cổng chính của căn cứ địch. Sau khi trinh sát, tối 13/11/1968, các mũi của Trung đoàn 10 ém quân vào các mục tiêu thì bị lộ. Địch cho máy bay, pháo binh oanh tạc làm nhiều chiến sĩ bị thương. Lúc 2 giờ sáng 14/11/1968, Đại đội tôi nhận lệnh tấn công. Sau khi phá hàng rào trước cổng, từ 2 lô cốt chính diện, địch bắn như mưa vào chúng tôi. Sau khi hội ý chớp nhoáng, tôi bò đến chỗ chiến sĩ giữ khẩu B40 (đã hy sinh) lấy súng, nạp đạn bắn 1 phát diệt lô cốt bên phải, rồi bò sang trái diệt lô cốt thứ 2. Khi 2 lô cốt bị diệt, địch điều xe tăng ra án ngữ, tôi lắp tiếp viên thứ ba bắn cháy xe tăng. Trong lúc di chuyển, tôi lắp tiếp viên đạn thứ tư diệt nốt lô cốt còn lại.
Khoảng 5 giờ sáng 14/11/1968, đơn vị làm chủ hoàn toàn trận địa. Sau đó địch cho máy bay, pháo binh bắn phá, chúng tôi rút ra ngoài, không may một quả pháo nổ bên cạnh khiến tôi ngất đi. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang được chữa trị tại bệnh viện 7A. Sau trận đánh này, tôi được thưởng nhiều danh hiệu, được kết nạp vào Đảng”.
Dù mảnh đạn còn trong phổi, ông Ngưỡng vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu, giữ chức Đại đội trưởng để đánh trận phục kích trên Lộ 2, là đường vận chuyển súng đạn, thực phẩm của địch từ Sài Gòn lên Dầu Tiếng.
“Sáng sớm ngày 10/12/1968, tôi cho Đại đội ém quân tại ngã ba Đất Sét - suối Ông Hùng (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cách Lộ 2 khoảng 100m. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn xe tăng, bọc thép, xe chở lính của địch dài hàng cây số chạy từ Sài Gòn lên. Khi địch lọt vào đội hình phục kích, Trung đoàn 10 dùng pháo DKZ diệt tốp đi đầu khiến chúng rối loạn, nhưng vẫn dựa vào xe tăng, xe bọc thép chống trả, gọi máy bay, pháo binh bắn giải vây. Sợ địch tháo chạy, tôi gọi các chiến sĩ tập trung đạn B41, lấy súng của xạ thủ B41. Trong vòng 15 phút, tôi bắn liên tiếp 4 quả đạn, diệt 3 xe tăng, 1 xe chở lính cùng toàn bộ lính trên xe. Mặc dù tai bị ù, tôi tiếp tục cùng đồng đội lao thẳng vào địch, vừa chạy vừa lắp thêm 3 viên B41 diệt thêm 3 xe tăng, bọc thép. Trận này, Trung đoàn 10 diệt hơn 70 xe các loại, cùng hàng trăm tên địch, riêng tôi diệt 7 xe và khoảng 50 tên” - Anh hùng Nguyễn Thành Ngưỡng tự hào nói.
Những trận đánh nêu trên, theo ông Ngưỡng chưa ác liệt bằng trận Đồng Pan. Căn cứ này được địch lập nhằm án ngữ Bộ Tư lệnh Miền và bên nước bạn Campuchia, căn cứ gồm tiểu đoàn kỵ binh không vận số 1, hai đại đội bộ binh ngụy; có 50 xe tăng, bọc thép; khoảng 30 khẩu pháo các loại; máy bay trực thăng, gần đó là sân bay Kà Tum; hệ thống hàng rào, hào sâu cắm chông, hầm ngầm nửa chìm, nửa nổi.
“Tối 5/6/1969, Trung đoàn ra lệnh đánh, quân ta thương vong khá nhiều. Đại đội của tôi nhận lệnh đánh chiếm khu trung tâm bằng mọi giá. Khi bò đến chiến hào, do hào quá sâu, tôi phải đứng khom lưng để hơn 30 đồng đội vượt qua. Khoảng 10 giờ sáng, Trung đoàn làm chủ trận địa rồi rút ra ngoài, số còn lại khoảng 30 chiến sĩ không ra kịp bị địch rải thuốc mê bắt sống. Trận này Trung đoàn tiêu diệt gần 600 tên địch, bắn cháy 20 xe tăng, 15 máy bay trực thăng và C130, phá hủy hàng chục khẩu pháo. Tôi tiêu diệt hơn 30 tên địch, 2 xe tăng, 2 khẩu pháo, hàng chục hầm ngầm” - ông Ngưỡng xúc động kể.
Và trận đánh cuối cùng của ông Ngưỡng là trận Suối Dây vào ngày 2/9/1969, khiến ông bị thương nặng, phải đưa ra miền Bắc chữa trị. Đến cuối năm 1970, ông ra quân vì không còn đủ sức khỏe. Sau năm 1975, ông Ngưỡng học đại học, công tác tại Cục Hàng hải Việt Nam rồi làm việc tại Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ngày 28/5/2010, cựu chiến binh Nguyễn Thành Ngưỡng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cuối năm này ông nghỉ hưu. Hiện nay, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng là Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 34.
Tân Tiến
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bai-2-nguoi-anh-hung-ban-lien-tiep-7-phat-b41-diet-nhieu-xe-tang-va-hang-tram-ten-dich.690094.html