Những trận đánh cuối cùng ở Biên Hòa

Những trận đánh cuối cùng ở Biên Hòa
6 giờ trướcBài gốc
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Sinh trong trận đánh kho bom Bình Ý. Ảnh: TL
Ngày 3-6-1972, tại ngã ba suối Bà Hào thuộc Căn cứ Chiến khu Đ, lực lượng Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 174 pháo binh và 2 tiểu đoàn đặc công Biên Hòa được sáp nhập thành Trung đoàn Đặc công 113, do đồng chí Nguyễn Thanh Tùng làm Trung đoàn trưởng. Nhiệm vụ của Trung đoàn Đặc công 113 là xây dựng căn cứ, hành lang, bàn đạp vững chắc, bám chắc các mục tiêu, đánh phá thường xuyên các căn cứ, hậu cứ sâu và hiểm của địch.
Mật tập đánh kho bom Bình Ý
Bước vào tháng 3-1975, Trung đoàn Đặc công 113 được giao nhiệm vụ khẩn trương tổ chức lực lượng pháo kích vào Sân bay Biên Hòa, đồng thời dùng 2 tiểu đoàn tiến công phá hủy kho bom Bình Ý. Trong 2 nhiệm vụ đó, việc đánh phá kho bom Bình Ý để địch không còn bom đánh phá quân ta là rất khó khăn. Bởi kho bom Bình Ý vốn nằm sâu trong vùng địch chiếm đóng, được xây dựng gần với Tổng kho Long Bình, cũng là kho vũ khí quan trọng của địch nên được bố trí 16 lớp rào kẽm gai và nhiều bãi mìn khác nhau bảo vệ, chưa kể một loạt hệ thống đồn bót, tháp canh dày đặc bao quanh, phòng thủ khá cẩn mật.
Trong vòng 3 năm (1972-1975), Trung đoàn Đặc công 113 đã phối hợp với Tỉnh ủy Biên Hòa, với lực lượng vũ trang địa phương và được sự che chở, đùm bọc của nhân dân Biên Hòa đánh hơn 256 trận, phá hủy hàng trăm máy bay, hàng trăm ngàn tấn bom đạn, xăng dầu, nhiều cầu tàu và phương tiện chiến tranh hiện đại, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 4 ngàn tên địch...
Ngày 22-4-1975, Thường vụ Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn Đặc công 113 đã họp thông qua quyết tâm lần cuối và giao cho Đại đội 53 trinh sát đảm nhiệm, nhưng lực lượng đánh trực tiếp chỉ có 3 người, do đồng chí Hồ Văn Sinh chỉ huy. Trên cơ sở nắm tình hình địch và địa hình kho bom, nhất là những tài liệu do Tiểu đoàn Đặc công Tỉnh đội Biên Hòa cung cấp, tổ trinh sát 3 người (Sinh, Quỳnh, Lương) đã sử dụng kỹ thuật đặc công bí mật đột nhập kho bom Bình Ý làm nổ tung gần 250 ngàn tấn bom đạn và những bồn xăng bốc cháy nghi ngút rực sáng cả một góc trời.
Trận đánh thắng lợi, tiêu hao lượng lớn vũ khí của quân địch, hạn chế các phi vụ ném bom để cản phá đội hình quân ta và tạo điều kiện để cho pháo chiến dịch của ta vào điểm xây dựng trận địa an toàn.
Kiên cường đánh chiếm căn cứ Hốc Bà Thức
Đầu tháng 4-1975, Trung đoàn Đặc công 113 nhận lệnh tăng cường cho Quân đoàn 4 đánh chiếm các mục tiêu quan trọng bên trong hậu cứ của địch ở Biên Hòa, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Chiến đoàn 15 Thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức, mở đường cho Sư đoàn 7 tiến công Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy; đồng thời, đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Hóa An, chốt giữ cầu để mở đường cho Sư đoàn 7 và Quân đoàn 4 tiến về giải phóng Sài Gòn.
Học sinh tham quan, tìm hiểu tại Sân bay Biên Hòa. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Hòa
Đồng chí Đỗ Văn Ninh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 113, chỉ huy trận đánh hồi tưởng: “Cái thiêng liêng của thời điểm, cái nghiêm túc của nhiệm vụ đã nâng trách nhiệm trong chúng tôi lên, có sức thôi thúc chúng tôi phải ráng hết sức mình mà vươn tới! Đây là trách nhiệm, vừa là vinh dự đối với lực lượng đặc công”.
Hốc Bà Thức là căn cứ trọng yếu của Chiến đoàn 15 ngụy nằm án ngữ giữa đường 1A và đường 24 (nay là khu vực phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa). Từ căn cứ này, chúng có thể thường xuyên uy hiếp vùng giải phóng của ta và là hàng rào vững chắc không cho ta thâm nhập vào vùng chúng tạm thời kiểm soát. Nhổ được căn cứ này là chọc thủng một mắt xích rất quan trọng trong dải phòng ngự Bắc Sài Gòn của địch.
Với tầm quan trọng như vậy, Trung đoàn Đặc công 113 đã họp lên phương án tác chiến, phân công Tiểu đoàn 9 và Đại đội Trinh sát 53 phải bao vây tập kích tiêu diệt bằng được căn cứ này. Sau nhiều ngày chuẩn bị, đêm 28-4-1975, đồng chí Đỗ Văn Ninh - Chỉ huy trưởng trận đánh, đã hành quân từ căn cứ Tân Uyên đến căn cứ Bùng Binh (xã Thiện Tân) cách mục tiêu chưa đầy 1km rồi dừng lại triển khai lập sở chỉ huy và các mũi tiến công. Đúng 2h ngày
29-4, các mũi tấn công của quân ta đã lọt vào và nổ súng đánh các mục tiêu bên trong căn cứ Hốc Bà Thức và khoảng 30 phút sau đã chiếm được căn cứ, tiêu diệt 60 tên địch, bắt sống 7 tên, trong đó có tên đại tá thiết đoàn trưởng.
Sáng sớm 29-4, Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy cho quân phản kích nhiều đợt hòng chiếm lại căn cứ. Trong tình thế đạn dược, thuốc men, lương thực nước uống thiếu thốn nhưng với ý chí kiên cường, dũng cảm, các chiến sĩ đặc công đã đánh lùi các cuộc phản kích của địch vào căn cứ, chốt giữ Hốc Bà Thức đến 16h ngày 29-4, khi đại quân ta tiến vào, quân địch hoảng loạn tháo chạy, căn cứ được giải phóng.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã xây dựng các công trình tưởng niệm như Tượng đài Liệt sĩ đặc công Sân bay Biên Hòa, Đài tưởng niệm Chiến thắng Long Bình, Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đặc công 113 và một ngôi miếu thờ 47 chiến sĩ đặc công 113 được nhân dân phường Bửu Hòa lập ở chân cầu Ghềnh, để đời đời ghi nhớ sự hy sinh to lớn, oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn Đặc công 113 đã ngã xuống trên đất Đồng Nai cho ngày đại thắng của đất nước, non sông thu về một mối. Đồng thời là những địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Xuân Nam
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nhung-tran-danh-cuoi-cung-o-bien-hoa-3624738/