EU vẫn chưa thể thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. (Nguồn: 1lurer)
Báo DW đưa tin, phát biểu sau cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh khối này Kaja Kallas cho biết, vấn đề hiện nay thuộc về Slovakia. Về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bà Kallas cho biết, EU muốn Mỹ "chia sẻ gánh nặng" cung cấp vũ khí.
Hồi tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, hoạt động ngân hàng và công nghiệp quốc phòng. Trong số các biện pháp đề xuất có lệnh cấm các giao dịch tài chính liên quan hệ thống khí đốt Nord Stream của Nga.
Slovakia - quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đã phản đối gói đề xuất này, viện dẫn quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung và chi phí năng lượng tăng cao liên quan một đề xuất riêng của EU nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào đầu năm 2028.
Đáng chú ý, trong cuộc họp ngày 15/7, các ngoại trưởng EU đã thông qua việc trừng phạt bổ sung 9 cá nhân và 6 tổ chức Nga, với cáo buộc chịu trách nhiệm thực hiện các hành động gây bất ổn của Moscow ở nước ngoài, trong đó có hành vi thao túng và can thiệp thông tin nước ngoài (FIMI).
Theo thông báo từ Hội đồng EU, các mục tiêu trừng phạt lần này bao gồm: Mạng lưới phát thanh và truyền hình Nga (RTRS), cùng với Tổng giám đốc và Giám đốc Vụ Phát triển hạ tầng truyền thông tại các vùng lãnh thổ mới.
RTRS bị cáo buộc thay thế hệ thống phát sóng của Ukraine tại các khu vực bị chiếm đóng, truyền tải nội dung do chính phủ Nga phê duyệt nhằm đàn áp bất đồng chính kiến và phi hợp pháp hóa chính quyền Ukraine.
Trung tâm Tác chiến điện tử độc lập 841 cùng 2 thành viên cấp cao giám sát hoạt động tại Kaliningrad cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU. Trung tâm này bị cáo buộc liên quan các vụ gây nhiễu và giả mạo tín hiệu GNSS ảnh hưởng đến hàng không dân dụng và các quốc gia Baltic.
Tiếp theo trong danh sách trừng phạt là Hiệp hội Nhà báo BRICS (BJA), Quỹ Chống bất công (R-FBI) và Trung tâm chuyên gia địa chính trị (CGE). Các tổ chức này bị cáo buộc tham gia nhiều chiến dịch FIMI nhắm vào Pháp và Ukraine, bôi nhọ các nhân vật chính trị phương Tây và gây ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử.
Một sĩ quan Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), nhiều nhà tuyên truyền, công ty Tigerweb cùng ông chủ công ty này Yevgeny Shevchenko cũng bị đưa vào “danh sách đen”.
Tổng cộng, các biện pháp hạn chế của EU liên quan những hoạt động gây bất ổn của Nga hiện áp dụng cho 47 cá nhân và 15 tổ chức. Các đối tượng này sẽ bị phong tỏa tài sản, cấm cung cấp tài chính và các cá nhân sẽ bị cấm đi lại hoặc quá cảnh qua lãnh thổ các quốc gia thành viên EU.
Bảo Minh