Có mặt tại thị xã Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) trong những ngày đầu tháng 3/2025, sau hơn 2 tháng thị xã này đi vào hoạt động, chúng tôi ngạc nhiên, hình ảnh một thị xã Chũ như được thay áo mới với sự nhộn nhịp của phố thị, những con đường trải nhựa thẳng tắp tới các xã liên thôn. Diện mạo nơi đây đã thay đổi từng ngày, người dân đoàn kết với tâm thế mới.
Được biết, thị xã Chũ chính thức đi vào vận hành 1/1/2025 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của 10 xã, thị trấn: Thị trấn Chũ và các xã Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Kiên Thành, Kiên Lao, Hồng Giang, Thanh Hải.
Trong niềm vui chung cùng người dân nơi đây, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Công Toản - Phó Bí thư, quyền Chủ tịch thị xã Chũ bày tỏ, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, thị xã Chũ cơ bản ổn định. Thị xã mới với diện tích rộng hơn tạo một không gian phát triển mới, lớn hơn, mở rộng hơn và tạo thuận lợi thu hút đầu tư, mở rộng quy hoạch thay vì manh mún, bị giới hạn bởi ranh giới nhỏ như trước.
Đồng thời, việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị tạo ra những cơ hội mới cho các thành phần kinh tế, là điều kiện thực tế mới để các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, vừa thích ứng, vừa phát triển. Do vậy, ngay từ khi thành lập thị xã Chũ, các thủ tục hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn được ưu tiên tổ chức triển khai ngay từ đầu tháng 1/2025, không để xảy ra gián đoạn…
“Về tầm nhìn và kỳ vọng, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các tiềm năng thế mạnh, các yếu tố đặc trưng riêng có, tỉnh Bắc Giang định hướng khi được thành lập, thị xã Chũ sẽ có vai trò là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Đông của tỉnh Bắc Giang, tạo động lực phát triển cho vùng về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, hậu cần vận tải (logistics), lâm nghiệp..., hướng tới trở thành đô thị loại III - thành phố sinh thái nông - công nghiệp và du lịch của tỉnh” - ông Phạm Công Toản nhấn mạnh.
Nhận định về quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Phó Bí thư, quyền Chủ tịch thị xã Chũ cho rằng, đây là chủ trương lớn, có tính chất “cách mạng”, được Đảng, Nhà nước quyết tâm triển khai thực hiện. Do đó cán bộ, nhân dân trên địa bàn thị xã đều đồng tình, ủng hộ cao. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền của thị xã đã chủ động triển khai thực hiện các bước chuẩn bị theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
“Chúng tôi tin tưởng, việc tổ chức lại mô hình đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy được những ưu điểm lớn, những thành quả và sứ mệnh lịch sử của mô hình hiện tại đã làm được; đồng thời, tạo ra xung lực mới, động lực thực sự mới có tính chất “cách mạng” để thúc đẩy đội ngũ cán bộ công chức viên chức toàn tâm toàn ý cống hiến trong công tác, vì mục tiêu phát triển kinh tế và vị thế của đất nước và mỗi địa phương, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho nhân dân” - ông Toản chia sẻ.
Từ khí thế của một thị xã và cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác có thể thấy câu chuyện sáp nhập, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước, địa phương trong giai đoạn mới. Đây là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam.
Thực tế, từ năm 2017 đến nay, cả nước đã tiến hành 2 đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (2019-2021 và 2023-2025). Kết quả sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp huyện giảm từ 713 xuống còn 696; số đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 11.162 xuống 10.035.
Tại cuộc họp giao ban đầu tháng 3/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà quán triệt việc triển khai nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng.
Bộ trưởng nhấn mạnh định hướng của Bộ Chính trị trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính là để chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, với mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, đảm bảo sự ổn định lâu dài của đất nước.
"Sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sự thay đổi ngắn hạn để vài chục năm phải điều chỉnh mà mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Cũng trong tháng 3, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, các việc liên quan đến tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này có thể làm được ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Vì vậy các bộ, ngành phải tập trung hướng dẫn tất cả các văn bản có liên quan. Việc này phải thực hiện rất gấp, các bộ phải gửi về Bộ Nội vụ sớm để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Vấn đề sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy đang bước vào giai đoạn “nước rút” và nhận được sự kỳ vọng rất lớn của cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh…
Ngay sau đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp tục yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp
Đặc biệt, tại Công văn số 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 đã đưa ra những yêu cầu quyết liệt cho kế hoạch tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nét nổi bật của Công văn số 43-CV/BCĐ là đã nêu rõ mốc thời gian cho tiến độ của một khối lượng công việc lớn nhưng rất cụ thể trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong đó, mốc thời gian đáng chú ý và cũng quan trọng nhất là ngày 30/6/2025 cho các mục tiêu: Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh...
Trong thời gian qua, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã và đang thực hiện cuộc sắp xếp, tổ chức hệ thống chính trị, một cách toàn diện, khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn.
Tại buổi gặp mặt hơn 300 cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên vào chiều 28/3, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị đang xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh (không tổ chức cấp huyện) và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để trình Trung ương.
Các công việc này nhằm mục đích tổ chức lại không gian phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an ninh quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045-2050 và xa hơn. Dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ được cơ cấu lại thành ba cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường.
Việc sáp nhập cũng hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, chủ động tiếp cận người dân thay vì để người dân phải tìm đến chính quyền. Điều này tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho từng khu vực, hướng tới sự phồn vinh của đất nước và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo người đứng đầu Đảng, dự kiến đầu tháng 4 Trung ương sẽ họp và tính toán các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy. “Dự kiến ban đầu cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành hiện nay; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường” - Tổng Bí thư nói.
Hiện nay, khoảng 80% quốc gia trên thế giới tổ chức hệ thống chính quyền ba cấp, trong khi Việt Nam là một trong hơn 10% các nước duy trì mô hình bốn cấp. Thực tế cho thấy có sự trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp hành chính. Nhiều việc Trung ương làm, tỉnh cũng thực hiện; tỉnh làm, huyện và xã cũng triển khai.
“Do vậy, cần thiết phải sắp xếp lại theo hướng Trung ương làm thì tỉnh thôi, nếu tỉnh làm thì xã thôi và nếu xã làm thì tỉnh không làm nữa. Bộ máy tinh gọn phải thống nhất như vậy. Thay vào đó, Trung ương sẽ làm công tác chiến lược quốc gia, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; còn tỉnh phải triển khai những vấn đề cụ thể ở địa phương, đặc biệt là cấp xã” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất là chính quyền cấp xã, bởi đây là cấp cơ sở, trực tiếp tổ chức triển khai mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Nếu các nghị quyết không được thực hiện đến chi bộ, đảng viên và nhân dân thì chỉ mang tính hình thức.
Chính quyền cấp xã trước đây chưa được phân cấp, phân quyền đầy đủ, ít trách nhiệm về các vấn đề kinh tế - xã hội; y tế, giáo dục do các cấp tỉnh, huyện đảm nhiệm; xã chủ yếu giải quyết thủ tục hành chính. Nay quy trình sẽ đảo ngược.
Trước đó, nhấn mạnh sự quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính, tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV tại trụ sở Chính phủ vào sáng 17/3, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định việc sáp nhập không vì một địa phương, cá nhân nào mà đây là chủ trương quan trọng vì sự phát triển chung của đất nước.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, trong giai đoạn 1, cả nước đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Giai đoạn 2 sẽ sửa đổi Hiến pháp và sửa một số luật để phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện nay, toàn quốc có 63 tỉnh, thành phố và tới đây sẽ có chủ trương sáp nhập một số tỉnh, thành với dự kiến khoảng 50% đơn vị cấp tỉnh, thành. Ở cấp huyện, nếu Hiến pháp sửa đổi thông qua sẽ không còn cấp huyện. Hiện số đơn vị hành chính cấp huyện là 696. Về cấp xã, cả nước tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, mục tiêu giảm 60 - 70% trong tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện có.
“Cả nước đang tích cực thực hiện kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW là xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Còn nhớ vào chiều 5/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các Kết luận 126-KL/TW, 127-KL/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.
Khi đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh cần căn cứ trên một số tiêu chí quan trọng, đó là diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa và khả năng bổ sung, hỗ trợ cho nhau để phát triển.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, chủ trương sáp nhập một số tỉnh và không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện được đa phần cử tri đồng thuận và ủng hộ.
Trên thực tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu trong một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua rằng, 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp, tức là cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã. Do đó, khi không tổ chức cấp huyện sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào. Qua đó, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.
“Nếu bỏ cấp trung gian là cấp huyện sẽ bỏ được một nấc trong phân cấp, phân quyền. Khi đó sẽ phân cấp, phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường, giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn” - đại biểu đoàn Đồng Tháp chỉ ra.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, bên cạnh việc tiết kiệm ngân sách, khi giảm bớt cấp trung gian có thể giúp bộ máy hành chính tinh gọn hơn, giảm chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, việc không tổ chức cấp huyện có thể giúp quản lý Nhà nước tập trung và thống nhất hơn. Các quyết định của cấp tỉnh sẽ được triển khai nhanh chóng và đồng bộ đến cấp xã.
Tiến sĩ Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, sáp nhập, mở rộng, chia tách tỉnh là một vấn đề trong quá trình phát triển của Việt Nam và đã diễn ra không phải một lần. Chúng ta phải hướng tới mục tiêu nhất quán, đó là không tổ chức cấp huyện và sáp nhập tỉnh không chỉ nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính mà phải hướng tới nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tối ưu hóa nguồn lực và tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn hơn.
Khi không tổ chức cấp huyện, nhiệm vụ quản lý sẽ được phân bổ lại giữa cấp tỉnh và cấp xã. Do đó, cấp tỉnh cần tăng cường thẩm quyền, nguồn lực (nhân sự, ngân sách, công nghệ) để đảm bảo khả năng quản lý trực tiếp các đơn vị cấp xã trên diện rộng. Đối với cấp xã cần được bổ sung nhân sự, cơ sở hạ tầng và ngân sách để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn từ cấp huyện chuyển xuống.
Còn nữa
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An
Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An