Luật sư Hà Huy Phong.
Trong cuộc trò chuyện cùng Tạp chí Kinh tế - Tài chính, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, Trọng tài viên, giảng viên Đại học Luật Hà Nội phân tích nỗi lo, kỳ vọng và cách thức “xoay trục” để không chỉ vượt qua khó khăn mà còn tận dụng cơ hội để bứt phá.
Giá trị thực tiễn của phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”
Phóng viên: Thưa ông, dưới góc độ là một công ty tư vấn pháp lý, ông cảm nhận nhịp đập tâm lý của các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thế nào khi thông tin về hàng rào thuế mới dồn dập xuất hiện?
Luật sư Hà Huy Phong: Tôi quen một số doanh nghiệp xuất khẩu, hiện có nhiều đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác. Có thể nói, tâm lý chung là có sự lo lắng.
Lần đầu tiên các doanh nghiệp gặp phải sự cố như vậy – điều mà rất khó lý giải bằng các lập luận kinh tế thông thường. Nỗi lo lớn nhất là mất thị trường, đứt gãy dòng tiền, buộc phải thu hẹp sản xuất. Khác với các tranh chấp pháp lý thông thường, lần này, vấn đề không nằm ở hợp đồng mà đến từ sự thay đổi chính sách pháp luật của một quốc gia.
Điều mà doanh nghiệp mong đợi lúc này là những giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước – gia hạn nộp thuế, hỗ trợ lãi suất vay, tiền bảo hiểm xã hội, tiền lương cho người lao động. Mặc dù luật không coi đây là tình huống bất khả kháng, nhưng doanh nghiệp mong pháp luật có thể linh hoạt nhìn nhận và xử lý hậu quả theo hướng đó.
Trong lúc này, niềm tin lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp đặt vào Nhà nước – như một chỗ dựa vững chắc về cả tinh thần lẫn chính sách.
Phóngviên: Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởngbởi những thay đổi về chính sách thuế quan. Ông có thể chia sẻ thêm góc nhìn từ nhóm doanh nghiệp này?
Luật sư Hà Huy Phong: Cũng giống như doanh nghiệp nội địa, nhóm doanh nghiệp FDI lớn cũng chịu những ảnh hưởng tương tự, nhưng họ có nhiều lối thoát hơn, bởi chuỗi phân phối toàn cầu của họ có thể giúp giảm thiểu, phân tán các rủi ro, hạn chế các thiệt hại. Cộng đồng doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các nhà máy sản xuất vẫn đang trong tình trạng “nghe ngóng” và phán đoán thông tin trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Điều tôi quan ngại là các doanh nghiệp này buộc phải di chuyển ra khỏi Việt Nam và tìm bến đỗ ở những quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn, không chịu các mức thuế đối ứng cao của Mỹ. Nhưng điều lo lắng là di chuyển tới quốc gia nào cũng không đảm bảo tính chắc chắn, bởi chính sách thuế của Mỹ có thể thay đổi bất kỳ lúc nào và không theo một quy luật, trình tự nào theo cách truyền thống.
Trước mắt, việc di dời ra khỏi Việt Nam chưa phải là giải pháp ưu tiên, thay vào đó là các hình thức về tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và tiêu thụ. Cũng như doanh nghiệp nội địa, cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng đang trông chờ các giải pháp từ Chính phủ với hy vọng bước qua được các quy định mới về thuế đối ứng một cách thuận lợi.
Tôi tin rằng, trong bối cảnh này, phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra càng có giá trị thực tiễn và nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp FDI.
Lời cảnh tỉnh và bài học "Thích ứng linh hoạt"
Phóngviên: Dưới góc nhìn pháp lý và thực tiễn thị trường, ông đánh giá đâu là những ‘"cửa sổ cơ hội" then chốt mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời để biến thách thức thuế đối ứng hiện nay thành lợi thế tăng tốc cạnh tranh bền vững?
Luật sư Hà Huy Phong: Học cách thích ứng linh hoạt có lẽ là bài học lớn nhất mà các doanh nghiệp có thể rút ra sau sự kiện thuế đối ứng này. Thế giới đủ lớn để doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn thị trường phù hợp.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam không chỉ là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, mà còn là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng ngay trong khu vực Đông Nam Á. Đây chính là lúc doanh nghiệp Việt cần củng cố chỗ đứng tại sân nhà, tránh để thị phần rơi vào tay các đối thủ nước ngoài.
Sự đa dạng hóa thị trường là một cách để phân tán rủi ro, thông qua việc tìm kiếm và liên kết chặt chẽ với mạng lưới các đối tác ở nhiều Quốc gia khác nhau.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên xem đây là cơ hội để nhìn lại mình. Còn sản xuất gia công thì còn phụ thuộc – đó là sự thật. Do đó, chủ động tái cấu trúc và tổ chức lại hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ để chủ động sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt và chủ động hơn trong việc đối phó với các cú sốc chính sách như hiện tại.
Sự kiện thuế đối ứng từ Mỹ chính là một lời cảnh tỉnh. Buộc phải thay đổi cũng là một cơ hội – một bước ngoặt quan trọng cho những doanh nghiệp biết cách chủ động tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động đầu tư và sản xuất để tồn tại và phát triển trong thời đại đầy biến động này.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Thùy Linh