Việc sử dụng vốn TPCP thời gian qua còn lãng phí. Ảnh ST
Lập kế hoạch chưa sát, phân bổ vốn dư thừa gây lãng phí
Nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong nhiều thời điểm, đặc biệt là trong giai đoạn 2006-2016, Nhà nước đã huy động nguồn kinh phí rất lớn từ nguồn vốn TPCP đầu tư cho các công trình giao thông, y tế, giáo dục,… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này còn không ít bất cập.
Là một trong những dự án sử dụng nguồn vốn TPCP, bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km1265+000 đến Km1353+300 thuộc tỉnh Phú Yên còn nhiều thiếu sót. Trong đó, công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn còn lớn hơn nhu cầu vốn thực tế, dẫn đến chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao của Dự án bị dư thừa khoảng 441 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn TPCP.
Hay tại Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1392-Km1405 và Km1425-Km1445; đoạn Km1445+000-Km1488+000, tỉnh Khánh Hòa xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác; thiết kế, dự toán chưa hợp lý làm lãng phí vốn đầu tư; phân bổ chỉ tiêu kế hoạch vốn cho các dự án dư thừa trong khi Chính phủ phải trả lãi... Qua kiểm toán cho thấy, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư hơn 164,4 tỷ đồng. Theo đánh giá của Kiểm toán nhà nước (KTNN), tổng chỉ tiêu vốn được giao của các dự án bị dư thừa gần 719,2 tỷ đồng. “Với mức lãi suất huy động vốn TPCP năm 2015 là 6%/năm, tính trên số dư thừa vốn cuối năm 2015 là 514,5 tỷ đồng, trong thời gian khoảng 8 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9/2016) thì số tiền lãi Chính phủ phải trả là gần 20,6 tỷ đồng” - Báo cáo kiểm toán nêu, đồng thời chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) và các cơ quan có liên quan.
Thực tiễn cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn TPCP cho các công trình đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị tồn tại nhiều thiếu sót, gây lãng phí nguồn lực. Điều này cũng đã được KTNN nhiều lần chỉ ra và vấn đề này cần được tiếp tục quan tâm kiểm toán, đảm bảo các nguồn lực này được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đây là hai trong số hàng chục dự án được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP để xảy ra lãng phí mà KTNN chỉ ra trong thời gian qua. Kiểm toán việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, liên quan đến nội dung phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP, KTNN đánh giá, một số Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, vượt mức vốn giai đoạn; còn tình trạng điều chỉnh vốn ứng trước cho các dự án không có trong danh mục dự án được sử dụng vốn TPCP; điều chỉnh vốn ứng trước cho các dự án khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền. “Cá biệt, một số chủ đầu tư lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến phân bổ 3.374 tỷ đồng, quá số vốn TPCP cần thiết, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư” - KTNN nêu rõ. Những tồn tại trong sử dụng vốn TPCP cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra qua thanh tra một số dự án. Điển hình như việc thực hiện một số dự án sử dụng TPCP còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua đoạn Tây Nguyên năm 2022 cho thấy nhiều dấu hiệu lãng phí. Trong đó, Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trình Thủ tướng Chính phủ giao danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn tiếp tục còn dư cho 8 dự án chưa đủ điều kiện theo quy định. Tại dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1 (giai đoạn II), Bộ GTVT giao vốn cho dự án vượt nhu cầu dẫn đến tồn đọng vốn đến thời điểm thanh tra là 926.579 triệu đồng…
Cần những công cụ sắc bén để phòng, chống lãng phí nguồn vốn trái phiếu chính phủ
Từ những bất cập được chỉ ra, các đại biểu Quốc hội và cơ quan thanh tra, kiểm toán đã đưa ra kiến nghị nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc xử lý vi phạm trong công tác này còn chưa nghiêm; việc huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn này còn bộc lộ nhiều kẽ hở…
Báo cáo kết quả kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN chỉ rõ: Bộ KHĐT tham mưu Chính phủ phân bổ vốn TPCP chưa kịp thời, không phân bổ hết vốn đã huy động trong năm (dư 4.830 tỷ đồng); chưa bố trí kịp thời 5.583 tỷ đồng vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 cho các dự án theo đúng danh mục tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến hết năm 2016 còn 792,147 tỷ đồng của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chưa được giao kế hoạch; chưa ưu tiên thu hồi vốn ứng trước 1.802 tỷ đồng; phân bổ cho dự án ODA không đúng quy định 71,9 tỷ đồng…
Trong Kết luận thanh tra việc thực hiện một số dự án sử dụng TPCP còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ KHĐT kiểm điểm trách nhiệm việc đề xuất danh mục dự án đầu tư và giao vốn cho các dự án không đúng quy định. Bộ GTVT rà soát, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.
Trước đó, Báo cáo giám sát việc sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những bất cập dễ dẫn đến rủi ro, lãng phí, tiêu cực trong sử dụng vốn TPCP như: Cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”… Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP, cần xác định tiêu chí phân bổ vốn rõ ràng; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp sai phạm. Đồng thời, cần những công cụ sắc bén để phòng, chống lãng phí nguồn vốn TPCP.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, vốn TPCP là nguồn vốn vay công, khi các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn này triển khai chậm sẽ tạo ra sự lãng phí, thậm chí phải trả oan tiền lãi. Trong bối cảnh ngân sách không đủ đáp ứng thì việc huy động nguồn vốn vay từ TPCP là đúng đắn. Tuy nhiên, cơ chế vay, lãi suất vay, trả như thế nào thì chưa rõ và với tiền lệ các dự án đầu tư công chậm giải ngân như vừa qua thì cần tính toán để tránh tăng thêm gánh nặng nợ công. Đề nghị kiểm toán vào cuộc từ sớm, từ xa để kịp thời phòng ngừa lãng phí, tiêu cực, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý: “KTNN phải vào cuộc ngay từ khi có chủ trương đầu tư, xây dựng phương án tìm vốn, công tác huy động vốn, sử dụng vốn, trả nợ…, để có những phản biện chính xác, tránh trường hợp huy động vốn xong để đó chờ giải phóng mặt bằng rồi đội giá…”.
Như vậy, việc rút kinh nghiệm đối với công tác quản lý, sử dụng vốn TPCP là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng TPCP cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược. Bộ GTVT đã dự kiến danh mục dự án đáp ứng các tiêu chí, đảm bảo có thể triển khai thi công và giải ngân được ngay khi phát hành TPCP, tránh lãng phí. Đồng tình với hướng tiếp cận này, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy đầu tư, tập trung đầu tư vào các dự án có tính khả thi cao, có đánh giá kỹ lưỡng để hoàn thành đúng thời hạn, đưa dự án vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, đặc biệt là KTNN trong việc phòng ngừa lãng phí, tiêu cực trong sử dụng vốn TPCP./.
N.LỘC - N.HỒNG - M.THÚY