Rạp cưới được dựng trên đường một xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: V.H
Lấy ý kiến về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để dựng rạp đám cưới, đám tang
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cấm và xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng lòng đường, hè phố trái phép. Tuy nhiên, thực tế cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, hè phố để phục vụ mục đích khác vẫn diễn ra phổ biến.
Điển hình nhất là việc dựng rạp đám cưới hay đám ma ở vỉa hè, lòng đường. Tình trạng này không ít thì nhiều cũng làm ảnh hưởng đến người đi đường, thậm chí còn tiềm ẩn việc mất an toàn giao thông. Luật cấm, nhưng “phép vua thua lệ làng”, người dân ở nhiều địa phương vẫn vì cái… tiện mà vi phạm và luôn mong cơ quan chức năng “thông cảm” khi bị xử lý.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), trong đó có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ.
Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: sự kiện chính trị và hoạt động văn hóa, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định. Cụ thể, được sử dụng vào việc tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết. Đường cao tốc không cho phép sử dụng để thực hiện các mục đích trên, trừ khi có yêu cầu đặc biệt về quốc phòng, an ninh.
Thêm vào đó, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chỉ được thực hiện khi có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc có phương án phân luồng giao thông đường bộ tránh đoạn tuyến này.
Cũng theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định cũng quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.
Trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận không quá 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. “Cá nhân, tổ chức được cấp phép phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè khi kết thúc việc sử dụng; bồi thường thiệt hại gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…” - Bộ GTVT đề xuất.
Các văn bản pháp luật quy định thế nào về việc này?
Về nội dung này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc dựng rạp đám cưới, đám ma dưới lòng đường là không được phép theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 25a Nghị định 11/2020/NĐ-CP cụ thể là quy định được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định về sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
Cụ thể, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48h, trường hợp đặc biệt không được quá 72h. Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48h. Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó…
Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét; hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời. Ngoài ra, để sử dụng hè phố cho các mục đích nêu trên, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng.
Về đề xuất của Bộ GTGT mới đây, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, Bộ này đang có đề xuất cho phép người dân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè của một số tuyến đường cho các mục đích cụ thể như tổ chức đám cưới, đám tang; hoặc trông giữ phương tiện tham gia giao thông với phạm vi sử dụng rộng hơn so với các quy định cũ.
Trong bối cảnh giao thông và đô thị ở Việt Nam như hiện nay, việc cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho các mục đích như tổ chức đám cưới, đám ma là hợp lý, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, khi xây dựng các quy định liên quan, ngoài việc đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân cũng phải chú trọng tới việc đảm bảo việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng.
Gia Huy