Cứ dịp cuối năm, trên địa bàn nhiều quận tại Hà Nội, vỉa hè, lòng đường lại được cắt xẻ, cạy gạch đá lên để thay mới. Việc cải tạo, sửa chữa này gây không ít bất tiện cho hoạt động giao thông, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Theo ghi nhận trên tuyến phố Lương Định Của (quận Đống Đa), việc thi công lát lại vỉa hè khiến con phố luôn ở trong tình trạng bụi bắm. Vỉa hè bị đào xới, vật liệu thi công tập kết gây không ít phiền toái cho cuộc sống của người dân.
Vỉa hè cả tuyến phố được lật lên, cát sỏi, gạch đá được tập kết vào mùa hanh khô như hiện nay khiến bụi bẩn vương vãi khắp phố.
Bà N.T.M (Hộ kinh doanh trên tuyến phố Lương Định Của) cho biết: "Công nhân thi công tuyến đường này đã được hơn 1 tuần. Tại sao họ không làm cuốn chiếu mà lại đào bới tung cả 1 tuyến phố. Ai đi qua lại tuyến phố này cũng khẩu trang kín mít, ngay cả tôi ngồi bán hàng cũng bịt kín khẩu trang, cũng chả bán buôn được gì. Ngán ngẩm với vỉa hè Hà Nội".
Miệng cống thoát nước thi công dở dang, đơn vị thi công cũng không có biển báo, người dân cắm vài cây cọc sơ sài khiến nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn.
Dọc tuyến phố bị cắt xẻ đào bới, vật liệu thi công vứt ngổn ngang gây nguy hiểm cho người đi đường.
Nhiều rãnh cắt xẻ sâu để chạy đường cáp nhưng gần như không không có biển cảnh báo.
Vỉa hè xung quanh phố Hồ Đắc Di (Đống Đa) cũng đang được làm lại.
Vật liệu thi công tiện đâu bỏ đó.
Vỉa hè trên tuyến đường Võ Thị Sáu (Quận Hai Bà Trưng) cũng đang được cạy lên toàn bộ để thi công. Vật liệu thi công được chất đống không che đậy, trời hanh khô, gặp gió bay tứ tung.
Các rãnh sâu hạ ngầm hệ thống cáp được chăng dây sơ sài.
Ông Nguyễn Huy Phú, người dân quận Hai Bà Trưng cho biết: "Tuyến vỉa hè này trước đây có chỗ láng bê tông, có chỗ lát gạch. Khu vực vỉa hè này khá là nham nhở, nơi tập kết rác, nơi tập kết vật liệu xây dựng, nơi đỗ ô tô, vỉa hè xuống cấp nhanh".
Vỉa hè lát gạch được sử dụng làm nơi đỗ xe nên nhanh chóng xuống cấp, bong tróc.
Cũng theo ông Phú, đầu tư hạ tầng của Việt Nam không chắc chắn, không đồng bộ. Khi làm vỉa hè phải tính toán xem đường cống, đường điện, đường nước ra sao...phải tính độ lâu dài, chứ 2-3 năm lại đào bới lên gây lãng phí tiền của của nhà nước, của nhân dân.
"Cũng vì không làm đồng bộ, nên đường vừa rải nhựa xong lại đào lên. Hay có những đoạn rải lại thảm nhựa không đều, thảm mới cao hơn thảm cũ tạo con đường không bằng phẳng, lồi lõm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Đã đầu tư thì làm cho thật tốt, thật chắc đỡ phải đào lại", ông Phú bức xúc nói.
Nguyễn Hà - Bảo Ngọc/VOV.VN