Bài 7: Tín chỉ carbon – Bước đột phá cho giao thông TP.HCM

Bài 7: Tín chỉ carbon – Bước đột phá cho giao thông TP.HCM
18 giờ trướcBài gốc
Tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đang là những vấn đề quan trọng mà các thành phố lớn trên thế giới phải đối mặt và TP.HCM, với mật độ dân số cao, cùng tốc độ phát triển nhanh đô thị nhanh, cũng không ngoại lệ.
Với hơn 10 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố mỗi năm. TP.HCM đang đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cao nhất tại Việt Nam.Theo thống kê, mỗi năm lượng phương tiện giao thông tại TP.HCM phát thải ra 13 triệu tấn carbon, chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của thành phố.
Do đó, việc áp dụng tín chỉ carbon trong giao thông trở nên cấp thiết nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở TP.HCM.
Với lượng phương tiên giao thông lớn, TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính. Trong lĩnh vực giao thông, tín chỉ carbon giúp tạo động lực cho các đơn vị sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Theo Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố có thể tạo nguồn thu từ bán tín chỉ cacbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Khoản thu này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.
Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu khả năng tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông. Điển hình như chuyển đổi các phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang chạy điện. Theo đó, TP.HCM đang có nhiều mô hình giao thông thân thiện môi trường như xe buýt điện, xe đạp chia sẻ TNGo, dịch vụ gọi xe điện Xanh SM (sử dụng xe máy và ôtô điện)…
Tại thời điểm này TP.HCM đã đưa vào vận hành hơn 500 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, chiếm khoảng 25% tổng số xe buýt (2.200 xe). Giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến triển khai thêm 2.771 xe buýt điện, trong đó 1.663 xe sẽ thay thế phương tiện cũ, còn 1.108 xe được đầu tư mới cho các tuyến mở rộng. Ngoài ra, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của thành phố được đưa vào vận hành thương mại chính thức từ hôm 22/12/2024, trong những năm tới thành phố dự kiến xây dựng thêm nhiều tuyến metro khác, điều này giúp cho lượng phát thải giao thông của thành phố sẽ giảm rất đáng kể.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc TP.HCM thúc đẩy xanh hóa giao thông từ đó làm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giúp TP.HCM có dư địa rất lớn để bán tín chỉ carbon.
Dịch vụ xe đạp chia sẻ TNGo tại TP.HCM
Ông Lê Thành Long, chuyên gia giao thông tại TP.HCM chia sẻ, tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông là định hướng kịp thời và phù hợp của TP.HCM. Đây thực chất là việc giảm ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Điều này giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Ông Long cho rằng, TP.HCM cần quan tâm đến yếu tố lợi ích mà tín chỉ carbon mang lại cũng như các chính sách thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện xanh, nâng cao tiêu chuẩn phát thải. Thành phố cũng cần có thêm nhiều chương trình tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng điện, khuyến khích người dân lựa chọn xe điện khi tham gia giao thông.
“Trong thập kỷ tới, mạng lưới Metro ở TP.HCM được đưa vào sử dụng hoàn chỉnh, thuận tiện thì người dân sẽ giảm mạnh việc sử dụng xe máy. Điều này cũng sẽ kéo giảm lượng phát thải, thúc đẩy việc tạo tín chỉ carbon”, ông Long nhận định.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu TP.HCM chuyển đổi 2.600 xe buýt diesel sang xe buýt điện (giai đoạn 1), TP.HCM có thể tiết kiệm 18 tỉ đồng/năm từ việc bán tín chỉ carbon, tương đương 1,5% kinh phí trợ giá xe buýt hằng năm (1.200 tỷ đồng). Con số này mặc dù không nhiều, nhưng là một yếu tố thúc đẩy động lực phát triển xanh, kéo giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân của thành phố.
Hàng loạt thách thức
Tuy tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai rộng rãi cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), một trong những thách thức lớn nhất trong việc áp dụng tín chỉ carbon trong giao thông là rào cản kỹ thuật, vì Việt Nam chưa có mức tham chiếu hay đường cơ sở (base line) phát thải giao thông. Mà để tính ra tín chỉ carbon cần đường cơ sở, tức tính được lượng giảm phát thải mỗi năm khi chuyển đổi xanh.
“Chúng ta chưa có báo cáo đo đếm phát thải đầy đủ, theo tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực giao thông. Đó là điều bắt buộc làm trước khi bàn đến tài chính hay các vấn đề tiếp theo", ông An nói.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM mới được đưa vào vận hành thương mại chính thức từ hôm 22/12/2024.
Ngoài ra, ông An cho rằng, cái khó thứ 2 là về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực tín chỉ carbon hay giảm thểu khí thải nhà kính ở Việt Nam đang thiếu và nếu không tìm ra được lời giải cho bài toán nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ mãi mãi đi chậm hơn so với thế giới.
Để chủ động hơn và khai thác tốt hơn tiềm năng của tín chỉ carbon trong hoạt động giao thông vận tải, theo ông Trần Du Lịch, Chủ tịch hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của TP.HCM, thành phố cần có 1 đề án thực hiện trong 10 năm (2026-2035), và trong đề án này phải gắn liền với những việc mà thành phố đang làm ví dụ như lộ trình xây dựng các tuyến tàu điện hay lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện và tăng tỷ trọng phương tiện giao thông công cộng trong tổng số phương tiện của thành phố, việc này sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân.
Thứ 2, TP.HCM cần nghiên cứu và đề xuất một loạt chính sách đối với Trung ương trong việc miễn giảm thuế hỗ trợ cho chuyển đổi phương tiện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khuyến khích người dân chuyển đổi.
Thứ 3, là xây dựng hạ tầng và tiếp theo phải ứng dụng công nghệ số để quản lý đô thị thông minh, quản lý toàn bộ hệ thống giao thông đô thị để giảm ùn tắc vì chính ùn tắc làm tăng lượng khí thải ghê gớm.
Một vấn đề quan trọng khác là giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức người dân ngay từ trẻ em, từ mẫu giáo, từ trường học… từ đó cần xem việc sử dụng phương tiện xanh sạch, phương tiện công cộng là 1 thói quen.
“Trong quy hoạch phát triển thành phố cũng cần tạo điều kiện để người dân đi bộ, đi xe đạp. Thành phố cần 1 đề án tổng thể như vậy và đặt mục tiêu đến 2030 đạt được gì, 2035 đạt được gì. Dĩ nhiên các ngành khác cũng phải chuyển đổi nhưng cần ưu tiên cho lĩnh vực giao thông”, ông Lịch nói.
Tín chỉ carbon thực sự là một bước đột phá trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của giao thông TP.HCM. Việc áp dụng tín chỉ carbon không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới cho doanh nghiệp và người dân. Với sự cam kết và nỗ lực chung của toàn xã hội, TP.HCM có thể hướng tới một tương lai giao thông bền vững, xanh và sạch.
H.A
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/bai-7-tin-chi-carbon-buoc-dot-pha-cho-giao-thong-tphcm-96029.html