TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là người luôn đau đáu với việc tháo gỡ rào cản thể chế để doanh nghiệp (DN) phát triển.
Bình luận về Nghị quyết 68 mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành, TS Nguyễn Đình Cung nói: “Đây là một nghị quyết được cộng đồng kinh tế tư nhân rất mong đợi, khi kinh tế tư nhân ngày càng trở nên quan trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất”.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung xung quanh nội dung trên.
Vì sao doanh nghiệp tư nhân chưa thể lớn?
. Phóng viên: Bối cảnh ra đời của Nghị quyết 68 theo ông là đã chín muồi chưa? Liệu cộng đồng DN có “thở phào” khi đón nhận nghị quyết này?
Ông Nguyễn Đình Cung.
+ TS Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng sự phát triển và đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia đã được nhìn nhận từ lâu. Thực tiễn là có rất nhiều DN tư nhân (DNTN) muốn lớn mà không thể lớn được. Ngoài chuyện DNTN không thể tiếp cận được đất đai, vốn để tạo bước ngoặt nhằm nắm bắt công nghệ, cơ hội kinh doanh để bứt phá và phát triển thì nguyên nhân khiến DNTN không lớn được là do hệ thống pháp luật, chính sách hiện nay chưa tạo cơ hội cho DNTN tiếp cận các nguồn lực, các yếu tố sản xuất hoặc hạn chế các cơ hội tiếp cận nguồn lực nói trên của họ.
. Những biểu hiện của việc DNTN không muốn lớn, theo ông quan sát trong quá trình đồng hành với cộng đồng DNTN là gì?
+ Họ không muốn lớn là vì các tổ chức kinh tế tư nhân ưa chuộng hình thức kinh doanh phi chính thức, nửa chính thức như hộ kinh doanh cá thể hơn là hình thức kinh doanh theo các loại hình DN chính thức, chính quy có đăng ký. Ngay cả đối với DN có đăng ký thì không ít trong số đó cũng sử dụng 2-3 sổ sách kế toán.
Sản phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới, chinh phục khách hàng quốc tế tại các hội chợ thương mại. Ảnh: QH
Là bởi vì họ vẫn sợ, chưa bỏ được tâm lý “trung thực, thật thà thì thua thiệt”. DN không thể trở nên hiện đại và phát triển bền vững từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, từ địa phương, quốc gia ra khu vực và toàn cầu, nếu tiếp tục xu hướng thiên về phi chính thức, thiếu minh bạch. Kinh doanh quy mô càng lớn, càng đa ngành thì nguy cơ rủi ro pháp lý không kiểm soát được càng lớn; vì vậy, họ sợ lớn.
Đến một quy mô nhất định, chủ sở hữu cảm thấy đã đủ giàu có không còn hứng khởi kinh doanh. Họ cảm thấy nếu tiếp tục kinh doanh sẽ trở nên mệt mỏi, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, tốn kém. Họ luôn ở vị thế “đi xin” không được tôn trọng, chưa nói đến tôn vinh nên mất đi nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho phát triển chung của quốc gia. Số DNTN lớn lên được là rất nhỏ, ngoại lệ. DNTN quy mô lớn ở nước ta cũng khác biệt đáng kể so với các DN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế ở các quốc gia phát triển.
. Như ông nói ở trên, rào cản lớn nhất không cho DNTN phát triển, lớn lên vẫn là tắc nghẽn do thể chế, quy định pháp luật…
+ Hệ thống luật pháp kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, không hợp lý, thiếu minh bạch, không tiên liệu trước được, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nhau (nhiều tầng nấc). Tư duy xây dựng luật pháp thiên về quản lý là chủ yếu, không quản được thì cấm, năng lực cơ quan nhà nước có đến đâu thì mở cho dân, DN làm đến đó… Hệ quả là luật pháp buộc DN kinh doanh đúng quy định, làm những gì cơ quan nhà nước cho phép, trong phạm vi hiểu biết và năng lực quản lý của cơ quan nhà nước liên quan.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát để bãi bỏ bớt ngành nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện, nghiên cứu bãi bỏ thủ tục đầu tư (chấp nhận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư), chỉ giữ lại nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hạn chế gia nhập thị trường.
Báo cáo thẩm tra “một luật sửa bảy luật” của Ủy ban Kinh tế - Tài chính ngày 24-4
Nhiều quy định trong các luật, nghị định bó buộc DNTN không được làm tốt hơn, hay hơn, hiệu quả hơn nếu chưa có quy định hoặc chưa được cơ quan nhà nước cho phép. Nếu làm mà chưa được phép thì có nghĩa là “làm trái, hay không đúng quy định pháp luật”.
Điều này dẫn đến việc DNTN khó đổi mới sáng tạo, không có nhu cầu nghiên cứu phát triển, không có động lực tích lũy nguồn lực, năng lực nghiên cứu phát triển, tiếp nhận, nắm bắt và làm chủ công nghệ…
Đấy là chưa kể đến ảnh hưởng, tác động bởi tình trạng thân hữu DN sân trước, sân sau… trong cả thể chế, phân bổ nguồn lực, tác động tiêu cực đến văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Rào cản từ tình trạng “nhiều không” trong các luật
. Trong nhiều hội thảo, hội nghị, ông khẳng định rằng một hệ thống luật pháp như vậy thì ngay cả cơ quan nhà nước cũng khó thực thi.
+ Đúng vậy, điều này có thể thấy được việc mấy năm trước có tình trạng địa phương gửi hàng trăm công văn ra bộ, ngành Trung ương để hỏi về các vấn đề từ thực tiễn phát sinh mà luật pháp chưa rõ ràng, chưa chắc chắn. Hàng trăm văn bản của các bộ, ngành Trung ương cũng phúc đáp lại nhưng thường là ở tình trạng “có cũng như không”, không thể thực thi.
Có những quy định như dự án đầu tư phải được chấp thuận chủ trương đầu tư với rất nhiều nội dung mà DN phải chuẩn bị hồ sơ. Nhiều câu hỏi được đặt ra cho quy định này. Mục tiêu của chấp thuận chủ trương đầu tư là gì? Tại sao Nhà nước phải chấp thuận mục tiêu đầu tư của dự án? Quy mô dự án là vốn, là công suất, năng lực sản xuất, hay số lao động sử dụng? Tại sao Nhà nước lại can thiệp vào quy mô dự án đầu tư?
Chấp thuận chủ trương đầu tư là một khái niệm mơ hồ, nhầm lẫn và khác nhau từ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, nặng về quản lý, hạn chế hơn là tạo thuận lợi cho đầu tư.
Thậm chí, quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư còn có những ràng buộc khiến cho đa số DN nhỏ và vừa không thể đáp ứng yêu cầu và nếu có cố gắng cũng chỉ đến “vòng gửi xe”, mất cơ hội, không tạo ra cạnh tranh bình đẳng, an toàn.
. Tức là theo ông, có những quy định của luật pháp đã loại trừ hẳn DN nhỏ và vừa nếu muốn đầu tư lớn, tham gia vào đầu tư công để có điều kiện lớn lên?
+ Ngay trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, có quy định DN phải có tài liệu chứng minh năng lực tài chính gồm ít nhất một trong các tài liệu như “báo cáo tài chính hai năm gần nhất”. Vậy có nghĩa là nhà đầu tư phải tồn tại ít nhất hai năm, những DNTN mới thành lập trong vòng hai năm đương nhiên không có quyền đầu tư. Có nghĩa là DN mới thành lập, không có ngay cả khả năng làm đủ hồ sơ chứng minh năng lực chứ đừng nói đến việc được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Còn rất nhiều các quy định, các thủ tục mà hoàn toàn là hành chính, “xin-cho”, không có mục tiêu quản lý, can thiệp hành chính vào hoạt động đầu tư kinh doanh, gây tốn kém thời gian, tiền bạc không cần thiết, tạo ra nút thắt thể chế đối với huy động vốn, phân bố và sử dụng vốn.
Tựu trung lại, như tôi nói ở trên, DNTN cứ phải được Nhà nước cho phép thì mới được đầu tư, kinh doanh chứ không phải được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề luật không cấm như tinh thần của Hiến pháp 2013.
. Ông từng nhiều năm kiên trì kiến nghị phải bãi bỏ ngay các luật, các quy định không còn cần thiết. Vậy tiêu chí cần sử dụng để bãi bỏ các luật, các quy định không còn cần thiết trong các luật là gì?
+ Tôi hay nói đến tiêu chí “nhiều không”: Không rõ mục tiêu quản lý; không rõ ràng; không cụ thể; không hợp lý; không minh bạch; không hiệu lực; không hiệu quả; không tiên liệu trước được; không thống nhất.
Tình trạng “nhiều không” như trên trong các luật tạo ra rào cản gia nhập thị trường quá cao khi: Đa số DN không có năng lực làm đủ hồ sơ theo yêu cầu, mỗi dự án đầu tư đều phải có chấp thuận chủ trương đầu tư, thực chất là giấy phép đầu tư biến tướng. DN có bao nhiêu dự án thì có bấy nhiêu giấy phép.
Các phân tích ở trên cho thấy: Bản chất vấn đề là DN được quyền kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép chứ không phải tự do kinh doanh những luật pháp hay luật không cấm. Tình trạng này ngăn cản, triệt tiêu phát minh, đổi mới sáng tạo, tạo ra rủi ro pháp lý vô cùng lớn đối với nhà đầu tư.
. Xin cảm ơn ông.•
Cơ hội để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”
. Theo ông, đâu là điều cần thiết nhất để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất như Nghị quyết 68 và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như cả xã hội mong muốn.
+ Tôi vẫn kiên trì quan điểm tháo gỡ “điểm nghẽn thể chế” chứ không chỉ là sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung luật pháp như hiện nay. Phải nhanh chóng chuyển đổi hệ thống luật pháp luật hiện nay từ thiên về quản lý, không quản được thì cấm, năng lực đến đâu thì mở đến đó, sang hệ thống pháp luật bảo đảm tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển…
Phải nhận thức rằng hiện đang có cơ hội chưa bao giờ thuận lợi hơn để tháo gỡ ”điểm nghẽn của điểm nghẽn” khi Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị và Trung ương đã xác định tư duy mới trong xây dựng và thực thi pháp luật như Nghị quyết 66 vừa qua. Nghị quyết 68 cần được thực hiện trong các khâu soạn thảo, thẩm tra, thẩm định và thông qua các dự luật; loại bỏ ngay trong quá trình soạn thảo các quy định không phù hợp với yêu cầu đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian và kiến tạo cơ hội phát triển.
. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, nên ưu tiên tháo gỡ trong các lĩnh vực nào?
+ Theo tôi, ưu tiên tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật về kinh doanh có điều kiện; quyết đoán (không chần chừ, do dự) bãi bỏ một số luật, bãi bỏ nhiều nội dung trong các luật có liên quan khác theo đúng tinh thần và nội dung các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cần có một định hướng rõ ràng rằng: Đối với các điểm nghẽn nằm trong thông tư thì yêu cầu bộ trưởng các bộ bãi bỏ ngay; đối với các điểm nghẽn nằm trong nghị định thì kiến nghị Chính phủ bãi bỏ ngay; đối với các quy định thuộc các luật và các luật không còn phù hợp thì đề nghị Chính phủ hoặc đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét, bãi bỏ.
Nếu chúng ta vẫn hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung luật pháp trên nền tư duy cũ thì chắc chắn sẽ không thể hiện được quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.
Những dự luật như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… đang trình Quốc hội tại kỳ họp này xét cho đến cùng, đều quy định về cùng một vấn đề. Có lẽ nên gộp các luật này hoặc ít nhất là hai luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lại và đặt mục tiêu, tiêu chí rõ ràng.
Bởi vì, yêu cầu của Trung ương, của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư là nhất quán chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dựa trên quản lý rủi ro, lịch sử tuân thủ của DN. Nếu các luật nói trên không làm được như vậy thì có thể sẽ mất đi cơ hội của DN, mất đi cơ hội thể chế hóa triệt để các nghị quyết tiến bộ như Nghị quyết 66, Nghị quyết 68.
Còn với các chính sách khuyến khích ưu đãi khác về tài chính, đất đai, khoa học công nghệ… dành cho DNTN trong Nghị quyết 68, tôi cho rằng ngay tại kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ có thể đề nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn vào các dự luật đang trình Quốc hội thông qua.
CHÂN LUẬN thực hiện