Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành là không hình sự hóa các sai phạm kinh tế. Điều này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp, thưa ông?
Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, 82% việc làm nhưng gặp rất nhiều trở ngại, trong đó có trở ngại về pháp lý, nhiều doanh nghiệp hoạt động luôn nơm nớp nỗi lo bị xử lý hình sự.
Nghị quyết 68 đã yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp (DN), doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Thực tế, những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có nhiều lần phát biểu về việc không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế nhưng thực tế doanh nghiệp bị xử lý hình sự vẫn rất nhiều. Việc nội dung này được đưa vào Nghị quyết của Đảng khiến doanh nghiệp yên tâm hơn. Trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không cố tính làm trái mà vô tình vi phạm pháp luật do văn bản pháp lý chưa rõ ràng. Đây cũng là lý do doanh nghiệp nước ngoài còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Với Nghị quyết 68, theo ông, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao?
Một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết 68 là quy định không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp rất mừng.
Chúng ta thấy, thời gian qua, có hơn 170 dự án năng lượng tái tạo kêu cứu (trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI). Nguy cơ áp dụng quy định hồi tố sẽ khiến hàng loạt dự án đứng trước nguy cơ phá sản. Nghị quyết 68 ra đời sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể thở phào.
Bản than tôi đã tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp FDI và có đặt câu hỏi cho họ về nguyên nhân khiến họ còn e dè khi đầu tư vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho hay, tại khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp thứ 3 về thứ tự ưu tiên đầu tư, sau Thái Lan và Indonesia, nguyên nhân là hai nước này có hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu hơn nước ta.
Với Nghị quyết 68, tôi tin rằng hành lang pháp lý sẽ rõ ràng, minh bạch hơn, từ đó môi trường kinh doanh được cải thiện và sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, không chỉ đầu tư của khu vực tư nhân trong nước mà còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Triển khai Nghị quyết 68 đòi hỏi phải sửa rất nhiều luật, văn bản dưới luật liên quan. Liệu quá trình này có kéo dài không, theo ông?
Đúng là sẽ phải sửa rất nhiều luật và các văn bản pháp luật liên quan khác mới có thể triển khai được Nghị quyết. Các bộ, ngành và Quốc hội sẽ phải rà soát tất cả các văn bản pháp luật hiện hành để sửa đổi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của AI, tôi cho rằng việc rà soát, sửa đổi, thậm chí là phải bổ sung thêm… không quá khó khăn.
Không thể kỳ vọng kinh tế tư nhân sẽ thay đổi hoàn toàn ngay sau khi Nghị quyết ra đời mà phải có độ trễ vài ba năm để hoàn thiện các văn bản như Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, luật và các văn bản dưới luật. Tuy vậy, Nghị quyết sẽ là lý luận dẫn đường, một khi Đảng đã có chủ trương, cả hệ thống sẽ thay đổi.
Quay lại câu chuyện không hình sự hóa các sai phạm kinh tế, làm thế nào để tránh hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm, thưa ông?
Muốn tránh được tình trạng lợi dụng, các quy định cần phải rõ ràng, muốn vậy, luật không thể quy định quá chung chung.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 cũng không thể thành công nếu “đi một mình” mà phải triển khai cùng lúc cùng “bộ tứ chiến lược”. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, “Bộ tứ chiến lược này” chính là: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về xây dựng và thực thi pháp luật, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Bốn Nghị quyết này phải thực hiện song hành và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa thể chế để triển khai đồng bộ thì mới thành công được.
Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, vị thế của doanh nghiệp tư nhân và các doanh nhân sẽ ra sao, theo ông?
Nghị quyết 68 khẳng định không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực, điều này tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư,
Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu quan điểm phải kiên quyết xóa bỏ nhận thức, định kiến về doanh nghiệp tư nhân. Điều này rất quan trọng, sẽ tạo ra một cái nhìn tích cực của toàn xã hội về doanh nghiệp, doanh nhân. Hiện nay, đâu đó vẫn còn định kiến coi doanh nhân là “con buôn”, chưa thực sự coi trọng vai trò của doanh nhân. Khi định kiến được thay đổi, doanh nhân được tôn trọng, chất lượng đội ngũ doanh nhân sẽ được nâng lên, từ đó lại mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Thùy Liên