Doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68-NQ/TW

Doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68-NQ/TW
8 giờ trướcBài gốc
Tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" của do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Giữa bối cảnh thị trường đang cần một cú hích về tính minh bạch và chuẩn hóa thông tin, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân xuất hiện như một nền tảng thể chế có khả năng định hình lại toàn bộ cách thức vận hành thị trường bất động sản trong tương lai.
Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Nghị quyết 68 mở ra cơ hội thay đổi toàn diện cơ chế định giá. Nếu được triển khai đồng bộ và minh bạch, đây sẽ là cú hích cải tổ toàn diện cơ chế định giá đất trong thời gian tới.
Điểm sáng đáng chú ý là Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp nâng cao khả năng định giá chính xác cho tất cả các cấu phần tham gia thị trường.
Chia sẻ tại "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" của do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Bất động sản địa phương… đều bày tỏ sự phấn khởi và kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Phạm Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện VNREA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ông Phạm Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện VNREA tại khu vực phía Nam nhận xét, đây là bước ngoặt chiến lược, đặt nền tảng cho tư duy kiến tạo, mở đường cho doanh nghiệp bất động sản bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk cũng nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của nền kinh tế, hàng loạt chủ trương lớn từ Đảng, Nhà nước, điển hình như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã và đang mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tháo gỡ khó khăn, tái định vị vai trò trong hệ sinh thái kinh tế quốc gia.
“Bản thân doanh nghiệp phải giữ vững vai trò là chủ thể kiến tạo tăng trưởng. Doanh nghiệp không chỉ là bên thụ hưởng chính sách mà cần thực sự làm chủ quá trình phát triển để đóng góp vào chiến lược chung. Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững đang được kỳ vọng sẽ ban hành trong thời gian tới” – ông Kế nhận xét.
Các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Nếu thị trường bất động sản bùng nổ một cách đồng loạt, thiếu kiểm soát, phát triển lệch pha với nhu cầu sử dụng thực tế, hệ lụy tất yếu là nguồn cung dư thừa, dự án ra đời mà không có người ở.
Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk" Nghị quyết 68 mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Theo ông Kế, cần có một chiến lược định hướng rõ ràng, không chỉ từ cơ quan quản lý mà cả trong chính sách của doanh nghiệp, phát triển bất động sản cần phù hợp với thực tiễn từng địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể, dân số, hạ tầng và nhu cầu thật của người dân.
Liên quan đến việc thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, ông Phạm Lâm cho rằng, tại thị trường các địa phương vẫn còn không ít dự án gặp vướng mắc do thiếu cơ chế giải quyết chuyên biệt. Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây ách tắc nguồn cung và lãng phí nguồn lực xã hội.
Do đó, ông Phạm Lâm đề xuất sớm thành lập tổ công tác chuyên trách tại từng địa phương để tập trung tháo gỡ các nút thắt dự án tồn đọng, vừa giúp địa phương phục hồi kinh tế, vừa kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Lấy thị trường bất động sản phía Nam là ví dụ điển hình, ông Lâm cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường này gần đây ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án mới, quy mô lớn với pháp lý hoàn chỉnh đã được mở bán. Đây là điểm tích cực cần ghi nhận sau khi thị trường hưởng “trợ lực” từ chính sách.
Tuy nhiên, điều thị trường cần không chỉ là sự sôi động nhất thời, mà là một bước tiến bền vững, minh bạch và có chiều sâu, để đủ sức thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo nền tảng ổn định lâu dài cho người dân tiếp cận nhà ở - ông Lâm phân tích.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Chia sẻ về các vướng mắc, tồn đọng, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA thẳng thắn cho biết, chịu tác động chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản năm qua vẫn còn nhiều khó khăn và trầm lắng. Vẫn còn tình trạng tồn đọng dự án dở dang ở các địa phương; việc đầu tư và thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn chậm, nhiều nơi bị gián đoạn.
Cùng đó, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên cả nước trong 20 năm qua vẫn rất chậm so với kế hoạch đề ra, chỉ đạt gần 2%, tỷ lệ này là quá thấp, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, giá bất động sản tăng bất thường cũng ảnh hưởng đến khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Hiện tượng thổi giá qua đấu giá quyền sử dụng đất, giá nhà ở làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam cần phải nghiêm khắc ngăn chặn…
Mặc dù nhà nước đã tạo nhiều ưu đãi và cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều thách thức như thiếu quỹ đất, thủ tục kéo dài, phức tạp, công tác đấu thầu chưa phù hợp loại hình nhà ở xã hội, lợi nhuận định mức 10%..., người dân khó tiếp cận gói tín dụng 145.000 tỷ đồng vì lãi suất vay cao, thời gian trả nợ 5 năm là quá ngắn…- ông Chiến thông tin.
Trước thực tế này, VNREA đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án nhằm góp phần phát triển thị trường bất động sản. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong đấu thầu đất đai, vi phạm liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Năm 2025, VNREA sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chất lượng, hiệu quả trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan thị trường bất động sản, tham gia sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản một cách đồng bộ giữa các luật và văn bản dưới luật như Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị…
Đồng thời, VNREA sẽ chủ động phối hợp các cơ quan Nhà nước kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương và thực hiện 3 Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản).
VNREA cũng sẽ thường xuyên theo dõi, phân tích thị trường, tổ chức các chuyên đề và có báo cáo thực trạng, cũng như đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm phục hồi, lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam theo từng giai đoạn…
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-dat-ky-vong-lon-vao-nghi-quyet-68-nq-tw/372971.html