Quảng Ngãi sáp nhập Kom Tum: Bất động sản biến động ra sao?

Quảng Ngãi sáp nhập Kom Tum: Bất động sản biến động ra sao?
8 giờ trướcBài gốc
Mở rộng không gian phát triển: Biển nối rừng
Theo Phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Việc sáp nhập này không chỉ tạo cơ hội tái cấu trúc hệ thống đô thị, mà còn là chiến lược giúp kết nối cao nguyên với duyên hải, rừng với biển.
Diện tích của tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ lên tới 14.832 km² (xếp thứ 6/34 tỉnh, thành) và có cả biển, rừng, đường cao tốc, cảng nước sâu, nông nghiệp, công nghiệp lẫn du lịch…
Đồng thời, tỉnh mới sẽ sở hữu vị trí đặc biệt khi vừa giáp biển Đông, vừa tiếp giáp với Lào và Campuchia. Điều này tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quảng Ngãi là địa phương sở hữu vị trí chiến lược với hệ thống cảng biển hiện đại và khu kinh tế Dung Quất – trung tâm công nghiệp quan trọng của miền Trung.
Về lâu dài, Quảng Ngãi có thể nâng tầm vị thế thành trung tâm liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải - Tam giác phát triển Việt - Lào - Campuchia.
Động lực mới cho kinh tế Quảng Ngãi
Khi hai địa phương này “về chung một nhà” sẽ tạo thành cấu trúc phát triển hoàn toàn mới, bổ sung lợi thế cho nhau. Nơi những gì Kon Tum thiếu lại chính là thế mạnh của Quảng Ngãi và ngược lại.
Quảng Ngãi giữ vị trí chiến lược trên trục kinh tế Bắc Nam và Đông Tây, kết nối biển Đông với Đông Nam Á. Với cảng nước sâu Dung Quất, khu kinh tế trọng điểm và hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, nơi đây vừa là trung tâm công nghiệp, vừa là đầu mối logistics quốc tế.
Quảng Ngãi hội tụ các yếu trở thành động lực mới phát triển kinh tế. Ảnh: Báo Nhân dân
Khi Kon Tum sáp nhập với Quảng Ngãi mở ra một vùng kinh tế mới với quỹ đất lớn, tài nguyên dồi dào và lợi thế về du lịch sinh thái, nông nghiệp. Theo đó, một trục liên kết phát triển Đông – Tây sẽ chính thức hình thành. Liên kết này không chỉ mang tính địa lý mà còn mở ra dư địa mới về kinh tế xã hội. Hành lang kinh tế từ cao nguyên xuống duyên hải sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư đổ vào hạ tầng, thương mại và các ngành nghề khác.
Chu kỳ tăng trưởng mới cho bất động sản Quảng Ngãi
Sự phát triển của ngành bất động sản luôn gắn liền với nhịp đập kinh tế và những chuyển đổi về hạ tầng, nguồn vốn. Và lẽ dĩ nhiên, vùng động lực mới được tạo ra nhờ chính sách sáp nhập chắc chắn sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.
Trước hết, sự kết nối giữa đồng bằng ven biển và cao nguyên sẽ thúc đẩy hình thành các trục giao thông liên vùng, kéo theo đô thị hóa lan rộng, tạo ra các cụm khu đô thị mới, khu đô thị trung tâm vệ tinh. Những khu vực trước đây chưa được chú ý như vùng giáp ranh giữa hai tỉnh sẽ trở thành điểm nóng phát triển đô thị mới, các trung tâm hành chính, dịch vụ, cụm dân cư vệ tinh, từ đó gia tăng giá trị đất ở và đất thương mại.
La Hà huyện Tư Nghĩa với vị trí đắc địa là cửa ngõ phía Tây Nam TP. Quảng Ngãi, nằm trên trục đường chính sẽ hưởng lợi trực tiếp khi trở thành nút giao thương quan trọng.
Tiếp đó, với đầu tàu là Khu kinh tế Dung Quất, khi sáp nhập với tỉnh còn lại, doanh nghiệp sẽ có thêm quỹ đất lớn để mở rộng chuỗi sản xuất, hậu cần và logistics. Điều này sẽ kích thích nhu cầu nhà ở cho chuyên gia, kỹ sư, công nhân, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc căn hộ, nhà phố và khu đô thị phục vụ chuyên gia.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa “rừng và biển” là yếu tố vàng để phát triển du lịch đa dạng gồm biển, núi, sinh thái, văn hóa. Những địa phương có cảnh quan tự nhiên đẹp, khí hậu trong lành, gần các tuyến giao thông kết nối mới sẽ nhanh chóng được quy hoạch thành điểm đến nghỉ dưỡng mới, thu hút dòng vốn đầu tư vào resort, biệt thự nghỉ dưỡng, farmstay,...
Sáp nhập Kom Tum và Quảng Ngãi đang mở ra dư địa phát triển mới cho bất động sản. Sự kết nối liên vùng sẽ tạo cú hích về hạ tầng, dòng vốn và thị trường, đưa nơi đây trở thành điểm đến chiến lược cho nhà đầu tư dài hạn.
Xuân Hoài
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/quang-ngai-sap-nhap-kom-tum--bat-dong-san-bien-dong-ra-sao-140240.htm