Nếu không tận dụng sức mạnh của kinh tế tư nhân, đất nước khó có thể phát triển hùng cường

Nếu không tận dụng sức mạnh của kinh tế tư nhân, đất nước khó có thể phát triển hùng cường
10 giờ trướcBài gốc
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính
Với hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.
Ngày 4-5-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.
Tại tọa đàm, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính chia sẻ, trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng nhiều chính sách liên quan vẫn còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và tinh thần trong các nghị quyết.
Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương 10 từ năm 2017 đã ghi rõ nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Nhưng đến nay, thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc cụ thể hóa tinh thần đó. Nghị quyết 68 lần này đã có bước tiến quan trọng, với những mô tả chi tiết hơn, đơn cử trong trường hợp chưa rõ ràng (50-50) thì kiên quyết không hình sự hóa.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (phải) và ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế (trái) chia sẻ tại tọa đàm
“Khi chúng tôi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận. Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước”, bà Bùi Thu Thủy nhận định.
Ví dụ như về điều kiện kinh doanh - một "bức tường" rất khó tháo gỡ, thì nay Nghị quyết 68 nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng.
Cũng theo bà Bùi Thu Thủy, một điểm rất quan trọng là niềm tin. Lần này, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn.
Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể.
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và xa hơn là tăng trưởng hai con số thì vai trò của kinh tế tư nhân là rất quan trọng.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng những thông điệp trong Nghị quyết 68 rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay. Nghị quyết này sẽ xóa bỏ sự phiền hà, tăng mức bảo vệ và khơi thông nguồn lực, là dấu mốc giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước 2030-2045.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 68 thực sự tạo được niềm tin - không phải là phản ứng nhất thời mà là một chiến lược quốc gia lâu dài. Điều đó gỡ bỏ nhiều rào cản, tạo nền tảng để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Thực tế, các quốc gia thịnh vượng như Hàn Quốc, Nhật Bản đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân làm động lực chính, với sự dẫn dắt của nhà nước. Ngay cả Trung Quốc hiện nay, các tập đoàn lớn như BYD, Alibaba… đều là tư nhân.
Các đại biểu tham dự tại tọa đàm cũng đã chia sẻ những việc cần làm ngay để Nghị quyết đi vào cuộc sống. “Quy luật kinh tế đã chứng minh, những lĩnh vực vì lợi nhuận thì kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất. Chỉ những nhiệm vụ đặc thù mới thuộc về doanh nghiệp nhà nước. Nếu không tận dụng sức mạnh của kinh tế tư nhân, đất nước khó có thể phát triển hùng cường”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.
PHAN THẢO
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/neu-khong-tan-dung-suc-manh-cua-kinh-te-tu-nhan-dat-nuoc-kho-co-the-phat-trien-hung-cuong-post794500.html