Đà Nẵng từ lâu đã khẳng định vị thế là một TP tiên phong với những chính sách nhân văn, riêng có như mô hình “5 không”, “3 có”, “4 an”... Những chính sách này không chỉ định hình thương hiệu "TP đáng sống", mà còn khơi dậy sự đồng thuận sâu sắc trong Nhân dân suốt gần ba thập kỷ qua kể từ ngày trực thuộc Trung ương.
Những hộ dân nghèo tại Đà Nẵng được chính quyền TP trao mái ấm an cư. Ảnh: TẤN VIỆT
Chăm chút từng mái ấm cho dân nghèo
Một buổi chiều lộng gió trên hành lang chung cư A2 Nam cầu Cẩm Lệ, bà Lê Thị Diệu Anh – người phụ nữ khuyết tật gắn bó một đời với đôi nạng gỗ – cẩn thận khép cửa căn hộ 50 m² mới tinh, rồi ngồi xuống bàn máy may.
Tiếng kim khâu lách tách khẽ hòa vào nụ cười trẻ thơ phòng bên. 502.000 đồng tiền thuê/tháng – chỉ bằng hơn chục tô phở – đã mang đến cho gia đình nghèo ấy điều tưởng như xa vời: “Một mái ấm đẹp như mơ”.
Ngược về phía Đông TP, ông Trần Văn Khẩn – cũng là người khuyết tật – bày mâm cơm đoàn tụ trong căn hộ 60 m² ở chung cư C2 Nại Hiên Đông, nơi cả nhà quây quần sau bao năm chen chúc nhà trọ. Họ đều khóc – nhưng là những giọt nước mắt biết ơn, chạm tận đáy lòng.
Không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng được gọi là “TP đáng sống”. Từ năm 2005, chính quyền đã kiên trì biến khẩu hiệu “có nhà ở” trong chương trình “3 có” thành hành động. Hết năm 2024, 15.549 căn hộ nhà ở xã hội và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên đã hoàn thành – chiếm hơn 80% quỹ nhà ở xã hội toàn quốc.
Riêng giai đoạn 2020 – 2024, 1.774 căn ở tám khối chung cư mới được bàn giao; 2.750 căn nữa đang thi công; 608 căn chuẩn bị khởi công bằng ngân sách; 3.519 căn kêu gọi xã hội hóa; và 20.000 căn là mục tiêu tổng thể giai đoạn 2021‑2030, vượt 64% chỉ tiêu Trung ương giao.
Nhưng những con số trên chỉ kể nửa câu chuyện. Nửa còn lại nằm ở tính “riêng có” của Đà Nẵng: Chung cư dành cho bà mẹ đơn thân, khu nhà ở cán bộ công chức, đặc biệt là tòa chung cư 12 tầng với 209 căn dành riêng cho người có công cách mạng.
Căn hộ rộng 65 ‑ 77 m², nội thất chỉn chu đến mức lãnh đạo TP phải thốt lên “không thua gì căn hộ hạng sang”. Bởi với Đà Nẵng, tri ân không dừng ở những tấm huân chương; tri ân là bảo đảm để mỗi gia đình có công “sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình cư dân xung quanh”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao quyết định bố trí thuê chung cư cho hộ nghèo. Ảnh: TẤN VIỆT
Gần 3 thập kỷ tái lập, Đà Nẵng miệt mài nâng cấp “phương trình hạnh phúc”. Với “5 không” (không đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát, không giết người cướp của), TP đặt chuẩn an sinh tối thiểu.
Với “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), TP khẳng định quyền được an cư, mưu sinh và tự hào về nơi mình sống. Rồi với “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội), Đà Nẵng đã vẽ nên bức tranh bình yên giữa lòng phát triển.
Đà Nẵng lập Ban An toàn thực phẩm để bữa cơm dân nghèo không còn nỗi lo hóa chất; hỗ trợ 500.000 đồng/người cho lao động ngoại tỉnh mắc kẹt trong đại dịch, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong từng quyết sách, Đà Nẵng kiên trì trả lời một câu hỏi duy nhất: Làm sao để mỗi cư dân cảm nhận được chính quyền đang nắm tay mình thật chặt?
Những bức tường sơn mới của hàng chục nghìn căn hộ xã hội không chỉ che mưa nắng. Chúng kể câu chuyện về một chính quyền nhìn thấy giá trị của mọi phận người, biến “mái ấm” thành đơn vị đo lòng tin cộng đồng.
Và khi lòng tin đủ đầy, TP lan tỏa vẻ đẹp khó định lượng: Tinh thần hiến đất làm đường, tinh thần tự giác chấp hành trật tự, và cả những nụ cười giòn tan đón chào du khách thập phương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trao quà Tết cho dân nghèo. Ảnh: TẤN VIỆT
Đánh thức khát vọng đổi đời cho từng người dân
Nếu mái ấm là nơi trú ngụ thân xác, thì vốn vay chính sách là “nhiên liệu” thắp lên khát vọng. Trong vòng 22 năm (2003 ‑ 2025), gần nửa triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách tại Đà Nẵng đã được giải ngân gần 14.000 tỉ đồng.
Nguồn vốn ấy lặng lẽ luân chuyển qua tay người bán bánh mỳ rong, anh thợ mộc, cô giáo mầm non…, và hóa thành tiệm tạp hóa khang trang, xưởng gỗ thơm mùi sơn mới, lớp học đầy tiếng cười con trẻ.
Câu chuyện bà Hoàng Thị Tố Nga là minh chứng sống động. Từ chiếc xe bánh mỳ đẩy rong đường Tiểu La, chỉ sau hai khoản vay (50 triệu rồi 90 triệu đồng) với lãi suất ưu đãi và lịch trả linh hoạt, bà đã trở thành chủ ba cơ sở bánh mỳ; một chuỗi nhỏ nhưng đủ thuê thêm nhân công, đủ để ba người con bước vào giảng đường.
Đà Nẵng không chi tiền hỗ trợ đơn lẻ mà trao cần câu và dạy cách canh con nước thủy triều. Từ 3 gói tín dụng sơ khai, nay thành 26 gói phủ khắp 100% xã, phường với dư nợ 5.237 tỉ đồng. Trên bản đồ tín dụng ấy, không hộ dân dễ tổn thương nào bị lãng quên.
“Những kết quả này không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP trong bối cảnh còn nhiều thách thức", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá.
Từ mái ấm đến vốn vay, từ việc làm mới cho 30.000 lao động mỗi năm tới nếp sống văn minh đô thị, chỉ một mẫu số chung nổi bật: Đồng thuận cộng đồng. Chính quyền lắng nghe dân, dân sẵn lòng hiến đất, nhường chỗ, góp công.
Khi COVID‑19 bùng lên, TP chăm sóc cả lao động ngoại tỉnh kẹt lại; và chính những lao động ấy sau này trở thành “đại sứ thiện chí” kể lại sự tử tế của Đà Nẵng khắp mọi miền.
Trao đổi với PLO, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: “Tại Đà Nẵng, người dân luôn là chủ thể, là trung tâm trong mọi quyết sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế - xã hội vì đời sống Nhân dân và dựa vào Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội luôn là “kim chỉ nam” trong tiến trình kiến thiết TP”.
Theo ông Chinh, những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân đã làm nên sự thay đổi hết sức tích cực về diện mạo đô thị; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao, tạo nên một hình ảnh Đà Nẵng an bình, thân thiện, đáng sống.
Tấn Việt