PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Văn Viện, từ 0h ngày 1/3/2025, Bộ Công an triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển giao từ Bộ LĐ,TB&XH. Tại cấp Bộ, Cục CSĐT tội phạm về ma túy được giao thực hiện chức năng này. Xin đồng chí cho biết, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã có những bước chuẩn bị ra sao để các cơ sở cai nghiện trên toàn quốc có thể đi vào hoạt động được ngay khi tiếp nhận?
Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Bộ LĐ,TB&XH về Bộ Công an là một trong những nhiệm vụ lớn, rất quan trọng mà Bộ Công an thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc giao Cục CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Đề án "Tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ LĐ,TB&XH về Bộ Công an" (sau đây gọi tắt là Đề án), ngay từ đầu năm 2025, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tập trung cao độ, chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Sau nhiều phiên họp của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án đã tổ chức nhiều cuộc họp, đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công an họp trực tuyến với Công an các địa phương, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất ý kiến trong việc xây dựng Đề án, với tinh thần công tác tiếp nhận chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là các cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm tuyệt đối an toàn, tránh xáo trộn, ngắt quãng, ảnh hưởng đến ANTT và hiệu quả công tác cai nghiện. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các quy mô cơ sở cai nghiện và xây dựng mô hình cơ sở cai nghiện theo hướng quản trị thông minh nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả khi đưa vào hoạt động. Đồng thời, tiếp nhận và xây dựng, bổ sung, hoàn thiện dự án "Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 vừa đảm bảo tiến độ vừa đồng bộ các nội dung, yêu cầu của thực tế công tác tiếp nhận các cơ sở cai nghiện.
Có thể thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, việc chuẩn bị cả về điều kiện, cơ sở thực tiễn và các vấn đề về công tác quản lý nhà nước cũng như phương hướng hoạt động đã góp phần đảm bảo đủ điều kiện thực hiện việc chuyển giao nhiệm vụ. Ngày 21/2/2025, lãnh đạo Bộ Công an ban hành Quyết định số 984 phê duyệt Đề án; ngày 26/2/2025, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ LĐ,TB&XH đã ký biên bản chuyển giao, tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; chính thức bàn giao, tiếp nhận các cơ sở cai nghiện ma túy công lập từ 0h ngày 1/3/2025, đến nay đã hoạt động hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác của Bộ Công an kiểm tra công tác tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Bình Phước.
PV: Tại địa phương, giao Phòng CSĐT tội phạm về ma túy thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an hướng dẫn thực hiện công tác này tại địa phương ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Để công tác cai nghiện ma túy được thực hiện đồng bộ, tinh gọn, đảm bảo thay đổi về chất và không bị ngắt quãng, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Công an tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ sở cai nghiện ma túy do lực lượng Công an quản lý; Quyết định về quy trình cai nghiện ma túy, nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy; về quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện; khen thưởng, kỷ luật; chế độ thăm gặp người thân, nhận gửi thư, nhận tiền; chế độ lao động, học nghề của người cai nghiện... Cùng với đó, hướng dẫn các nội dung liên quan tài chính để Công an các địa phương triển khai thực hiện. Với mục tiêu người nghiện ma túy ngoài được thực hiện các biện pháp cai nghiện như trước đây còn được giáo dục chính trị, pháp luật, kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, trật tự nội vụ để nâng cao ý thức kỷ luật, đảm bảo người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy sẽ hoàn thiện bản thân cả về thể chất và tinh thần, là công dân tốt.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác của Bộ Công an kiểm tra công tác tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Bình Dương.
PV: Thực tế hiện nay, một số địa phương có nhiều cơ sở cai nghiện ma túy, có nơi các cơ sở cai nghiện thuộc địa phương này phụ trách nhưng lại đóng trên địa bàn địa phương khác. Vậy phương án sắp xếp mô hình đối với các địa phương trên như thế nào để phát huy cao nhất công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy?
Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Với mục tiêu, sau khi chuyển chức quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Bộ LĐ,TB&XH về Bộ Công an bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn về bộ máy, tổ chức quản lý tốt hơn về mặt con người, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, việc sắp xếp lại các cơ sở cai nghiện ma túy theo nguyên tắc: cơ sở cai nghiện ma túy đóng tại địa phương nào thì giao Công an địa phương đó tiếp nhận. Các cơ sở của TP Hồ Chí Minh trú đóng tại các địa phương: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai và Lâm Đồng thì giao Công an các địa phương trên tiếp nhận, quản lý; Cơ sở cai nghiện TP Cần Thơ trú đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì giao Công an tỉnh Hậu Giang tiếp nhận, quản lý...
Cục CSĐT tội phạm về ma túy được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ tổ chức điều phối hoạt động của các cơ sở cai nghiện, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu công suất tiếp nhận, khắc phục tình trạng một số cơ sở cai nghiện đang bị quá tải nhưng không thể đưa người nghiện sang cơ sở cai nghiện của địa phương khác. Đây là điểm rất khác biệt so với trước đây, khi các cơ sở cai nghiện thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý mang tính cục bộ, không tiếp nhận người nghiện ngoài địa bàn vào cai nghiện, gây ra những bất cập...
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy kiểm tra Cơ sở cai nghiện tỉnh Bình Phước.
PV: Được biết, Bộ Công an đã tổ chức nhiều chuyến công tác kiểm tra thực tế tại các địa phương, xin đồng chí đánh giá, đến nay các cơ sở cai nghiện trên toàn quốc sau khi triển khai theo mô hình tổ chức mới có những thuận lợi và khó khăn gì?
Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Từ ngày 1/3/2025 đến nay, Bộ Công an đã tổ chức 2 Đoàn kiểm tra, khảo sát do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn, làm việc với các cơ sở cai nghiện ma túy tại Ninh Bình, Hà Nam, Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An để đánh giá công tác tiếp nhận, vận hành, tổ chức cai nghiện ma túy sau khi chuyển về ngành Công an quản lý. Đến nay, các địa phương đã tổ chức tiếp nhận nhiệm vụ, tiếp nhận các cơ sở cai nghiện ma túy đảm bản an ninh, an toàn, tổ chức công tác cai nghiện ma túy không bị gián đoạn, ngắt quãng, tình hình ANTT trong và ngoài cơ sở cai nghiện ma túy được bảo đảm.
Bên cạnh những thuận lợi, việc tổ chức công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cả về nhân sự, cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách, kinh phí hoạt động... Trong đó, các địa phương đang rất thiếu nhân lực để thực hiện công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là đội ngũ y tế. Mặt khác, đây là nhiệm vụ mới đối với ngành Công an nên cần có thời gian để tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm. Cục Y tế Bộ Công an đã phối hợp Đại học Y Hà Nội mở 4 lớp tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cai nghiện ma túy với số lượng hơn 400 học viên. Sau khóa tập huấn cán bộ y tế được cấp chứng nhận đào tạo liên tục về xác định tình trạng nghiện ma túy; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cai nghiện ma túy.
Cơ sở cai nghiện ma túy của nhiều địa phương đang xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện; có nơi chưa có khu riêng biệt cho từng nhóm đối tượng; số lượng học viên quá tải so với công suất thiết kế, gây ảnh hưởng đến công tác cai nghiện ma túy. Về khó khăn này, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành rà soát và báo cáo đề xuất phương án giải quyết hiệu quả.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cần phải nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với tính chất, đặc điểm và thực tiễn công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy hiện nay khi được chuyển giao nhiệm vụ về Bộ Công an... Vấn đề này, hiện nay Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo các cấp tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dụng công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Đoàn công tác của Bộ Công an kiểm tra cơ sở vật chất tại Cơ sở cai nghiện số 1 tỉnh Nghệ An.
PV: Để nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nói riêng, cũng như công tác phòng, chống ma túy nói chung thời gian tới, theo đồng chí cần triển khai những giải pháp gì?
Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, trong đó lực lượng Công an được giao chủ trì, nòng cốt. Để nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng CAND cần tập trung thực hiện, triển khai các giải pháp cụ thể:
Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 132 ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy như: Luật Phòng, chống ma túy; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 116 ngày 21/12/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy… và các văn bản pháp luật có liên quan.
Sớm triển khai các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 để đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy.
Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì các cơ chế, chính sách, nguồn lực đất đai cho công tác phòng, chống ma túy nói chung, cho công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nói riêng; thu hút các nguồn lực và xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy; có chính sách hỗ trợ người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy...
PV