Bài cuối: Đưa vùng dân tộc tiến bước cùng Thủ đô

Bài cuối: Đưa vùng dân tộc tiến bước cùng Thủ đô
một ngày trướcBài gốc
Nhân rộng mô hình sinh kế đa giá trị
Vui mừng trước những đổi thay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa đồng bào vùng dân tộc miền núi với khu vực đồng bằng vẫn còn có khoảng cách khá xa. Trước tình hình đó, đòi hỏi TP cần tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách gần sát và đúng tình hình thực tế, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào.
Ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đánh giá, thông qua việc bố trí nguồn lực đầu tư lớn theo từng giai đoạn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã “thay da đổi thịt”, từ hạ tầng phục vụ đời sống đến sản xuất, đặc biệt là sự phát triển ngày một lớn mạnh của các mô hình kinh tế hộ gia đình, bảo đảm mức sống trung bình khá cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Một góc vùng đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh Trọng Tùng
Theo ông Hoàng Xuân Lương, trong giai đoạn tới, việc tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng những mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào vùng dân tộc miền núi là vấn đề hết sức quan trọng. “Hà Nội cần phấn đấu để các mô hình sinh kế mới phải trở thành mẫu hình chung cho đồng bào các dân tộc thiểu số khác của cả nước…” - ông Hoàng Xuân Lương kỳ vọng.
Cùng chung quan điểm, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Trần Nhật Lam nhấn mạnh, nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng dân tộc, thu hẹp khoảng cách hai miền xuôi ngược là nhiệm vụ quan trọng mà TP Hà Nội cần tập trung thực hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Yêu cầu đặt ra cho TP Hà Nội trong thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô và đất nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong
Một trong những giải pháp có thể thực hiện là đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, khía cạnh mà theo ông Trần Nhật Lam, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế khá lớn, dù để phát triển được những mô hình du lịch cộng đồng tốt thì sẽ cần thời gian cũng như sự quan tâm, đầu tư lớn của chính quyền các cấp.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Trần Nhật Lam cũng kiến nghị, Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng đề án riêng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc miền núi theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Nghiên cứu chính sách đặc thù, vượt trội
Có thể khẳng định, công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Đảng ta đặc biệt chú trọng.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông đánh giá, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
“Sự phát triển tiến bộ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã góp sức cùng Nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, tạo tiền đề quan trọng tiến bước vào Kỷ nguyên mới…” - Thứ trưởng Y Thông nhấn mạnh khi phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ V.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông cũng nhìn nhận, trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ. Do đó trong thời gian tới, TP cần tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến tạo sinh kế mới cho người dân.
Đồng bào dân tộc tham gia sản xuất các sản phẩm từ sữa bò tại huyện Ba Vì. Ảnh: Trọng Tùng
Muốn vậy, Thứ trưởng Y Thông cho rằng, phải tạo xung lực mới theo hướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm... để phát triển các dự án sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, những kết quả tích cực và toàn diện trong công tác dân tộc của Hà Nội những năm qua cho thấy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư và TP Hà Nội, nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào.
Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu công tác dân tộc theo định hướng của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Trong quá trình thực hiện, phải bám sát các chủ trương, đường lối của T.Ư, Hà Nội và tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của TP về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với tranh thủ hỗ trợ của T.Ư và Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc trong tình hình mới cũng như giúp đồng bào vùng dân tộc vững tin bước vào Kỷ nguyên mới, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Nội chủ trì, tham mưu việc rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024.
Trích dẫn
Xây dựng chuỗi giá trị phù hợp với văn hóa, năng lực đồng bào
Thời gian qua, Hà Nội tập trung khá nhiều nguồn lực vào việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong khi đó, các giải pháp phát triển sinh kế đa dạng, bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Trên cơ sở tiền đề từ hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, tôi cho rằng, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng và nhân rộng những mô hình chuỗi giá trị kinh tế phù hợp với văn hóa và năng lực của đồng bào, để đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…
PGS.TS Bế Trung Anh - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Trọng Tùng
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-dua-vung-dan-toc-tien-buoc-cung-thu-do.658856.html