Bài cuối: Vì một nền hành chính phụng sự nhân dân

Bài cuối: Vì một nền hành chính phụng sự nhân dân
6 giờ trướcBài gốc
Khởi nguồn từ những người dám hành động vì dân
Cải cách không thể đi xa nếu thiếu những con người dám dấn thân - và một hệ sinh thái công vụ biết giữ, trao quyền và truyền cảm hứng để họ tiếp tục tỏa sáng vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Sáng kiến “Diễn đàn hỏi – đáp pháp luật” giúp người dân tiếp cận pháp luật gần gũi, nâng cao năng lực giải trình và cải thiện dịch vụ công. Ảnh: Bình Nguyên
Ngay từ cơ sở, nhiều mô hình đã chứng minh: khi được tin tưởng, người giỏi sẽ tự tìm cách tạo ra giá trị. Như tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), sáng kiến “Diễn đàn hỏi - đáp pháp luật” do một Trưởng phòng Tư pháp trẻ khởi xướng không chỉ giúp người dân tiếp cận pháp luật gần gũi, mà còn nâng cao năng lực giải trình và cải thiện dịch vụ công. Một thay đổi nhỏ - nhưng phản chiếu một điều lớn: khi được trao cơ hội, cán bộ dấn thân không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mà còn khơi dậy niềm tin cải cách.
Từ những người như thế, ta thấy rõ: cải cách đang sống hóa - bằng trách nhiệm, sáng tạo và tinh thần gần dân. Nhưng để cải cách ấy bền vững, cần kiến tạo lại một hệ quy chiếu công vụ mới - với bốn giá trị trụ cột: dấn thân là vinh dự - thể hiện qua cải tiến cụ thể; gần dân là đạo đức chính trị - đo bằng tín nhiệm từ cơ sở; hiệu quả là căn cứ bố trí - bằng kết quả rõ ràng; minh bạch là nguyên tắc tổ chức - mọi quyết định đều có lý do, có phản biện. Đây là hệ giá trị sống để bộ máy chọn người bằng năng lực, giữ người bằng giá trị và củng cố niềm tin từ thực tiễn.
Giai đoạn 5 năm sau sáp nhập - chính là “thời điểm vàng” để nâng chuẩn đội ngũ. Một thế hệ cán bộ trẻ đang sẵn sàng đổi mới, cần được phát hiện, tin tưởng, và trao cơ hội cống hiến. Nhưng giữ người giỏi - không chỉ là giữ người trẻ. Cải cách cần cả những “mầm xanh đang lớn” lẫn “gốc rễ từng tạo giá trị”. Cùng với đó, cần minh bạch trong sàng lọc người chưa đáp ứng yêu cầu - dựa trên kết quả thực tế, có đối thoại, có phản hồi xã hội, nhưng dứt khoát công bằng. Khi ấy, môi trường công vụ không chỉ là nơi người tài muốn ở lại - mà còn là hệ thống có khả năng tự điều chỉnh, tự nâng mình - vì nhân dân.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Song Hà
Trao quyền - tạo lực - truyền cảm hứng
Giữ người tài không chỉ bằng chính sách, mà bằng cả một hệ sinh thái nuôi dưỡng niềm tin và khát vọng. Đó là nơi người giỏi được được phát triển, được truyền cảm hứng để lan tỏa giá trị.
Vinh danh - để người giỏi được tỏa sáng: các tỉnh, thành phố có thể tổ chức Giải thưởng “Cán bộ cải cách tiêu biểu” hàng năm; lập “Bảng vàng cán bộ hành động” và tuyển chọn những gương sáng tạo thành “Tuyển tập cải cách từ cơ sở” - để tạo hình mẫu truyền lửa cho hệ thống. Trao quyền - để người giỏi được phát huy: cho phép cán bộ cải cách tiêu biểu tham gia hội đồng phản biện chính sách, nhóm cải cách hành chính cấp tỉnh, hoặc ưu tiên đưa vào quy hoạch đặc biệt - nếu hiệu quả công việc vượt trội, dù chưa đủ điều kiện hành chính. Tạo lực - để người giỏi có phương tiện hành động: thí điểm “Quỹ sáng kiến cán bộ cơ sở”, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và truyền thông cho những mô hình đổi mới xuất phát từ thực tiễn - như đã thấy ở một xã biên giới, nơi cán bộ trẻ thiết kế ứng dụng theo dõi đơn thư hay sơ đồ hóa quy trình “một cửa” trực quan.
Truyền cảm hứng - để người giỏi được lan tỏa: Tổ chức “Diễn đàn cán bộ trẻ cải cách”, truyền thông về những người dấn thân, gần dân, dám đổi mới - để nhân lên hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng.
Hơn cả, cần thể chế hóa bằng việc đưa phát triển văn hóa công vụ thành mục tiêu riêng trong Chương trình cải cách hành chính 2026 - 2030; ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử 3 gần”: Gần dân - gần thực tiễn - gần đổi mới.
Trách nhiệm - minh bạch - hiệu quả
Cải cách bộ máy không chỉ là tái cấu trúc, mà là tái thiết niềm tin. Giữ người tài bằng kết quả, bằng minh bạch, bằng những cơ chế cụ thể để họ được công nhận, được phát triển, và được truyền cảm hứng để tiếp tục cống hiến. Một hệ thống chỉ thực sự đổi mới khi có sức hấp dẫn với người làm được việc - và khiến người chưa đủ năng lực tự thấy cần thay đổi. Khi đó, tinh gọn bộ máy không chỉ dừng ở việc giảm số lượng - mà gia tăng chất lượng công vụ.
Hãy tưởng tượng: một xã biên giới vừa sáp nhập như được thổi luồng “sinh khí” mới khi những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm được trao cơ hội. Một tỉnh công bố chỉ số “giữ người giỏi” như một cam kết chính trị với nhân dân… Tương lai ấy đến từ hành động cụ thể, có trách nhiệm, thời hạn, có đánh giá. Mỗi địa phương có thể bắt đầu từ những việc không tốn ngân sách: công khai bảng điểm năng lực cán bộ; trao quyền phản biện nhân sự cho Mặt trận và hội đồng độc lập; giao chỉ tiêu “giữ người giỏi” như một KPI cải cách cho người đứng đầu.
Giữ người tài, trao cho họ cơ hội cống hiến, phụng sự - là đang thắp lửa, lan tỏa “nhịp tim” của bộ máy, củng cố niềm tin vào một nền hành chính đang chuyển mình mạnh mẽ vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tại đây vận hành theo nguyên tắc “thành tích sống” - mỗi hồ sơ đều được theo dõi thời gian thực, minh bạch ai làm, làm gì, trong bao lâu, kết quả ra sao. Lãnh đạo không cần hỏi “ai làm tốt”, bởi dữ liệu đã tự lên tiếng. “Tôi không cần trình bày thành tích nữa - vì nó hiển hiện từng ngày trên hệ thống”. - chia sẻ từ một cán bộ hành chính cho thấy sức mạnh của minh bạch.
Tại một số quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh, người dân khi đến làm hồ sơ được mời đánh giá cán bộ: thái độ phục vụ; mức độ hướng dẫn; thời gian giải quyết; sự hài lòng tổng thể. Quan trọng nhất, kết quả đánh giá này được công khai, đối chiếu với khen thưởng - thi đua. Nhờ đó, cán bộ buộc phải thay đổi thái độ phục vụ. Bộ máy dần chuyển mạnh mẽ sang minh bạch - trách nhiệm với xã hội. Khi người dân được trao quyền chấm điểm, họ không chỉ là người thụ hưởng, mà trở thành người đồng hành giữ chân cán bộ tốt.
TP. Hải Phòng thì thử nghiệm bảng điểm năng lực cán bộ tại một số phòng ban, đơn vị hành chính. Bảng điểm này đo: kết quả công việc theo định lượng (hồ sơ, sáng kiến, phản hồi); điểm thi đua theo tổ chức đánh giá; mức độ phối hợp, tinh thần cải cách; ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình. Toàn bộ bảng điểm được công khai nội bộ. Người làm tốt biết mình đang ở đâu - có động lực tiến lên. Người làm chưa tốt cũng biết mình thiếu gì - có lý do để phấn đấu. “Từ khi có bảng điểm cá nhân, tôi thấy mình có cơ hội được công nhận bằng con số rõ ràng” - chia sẻ từ một công chức trẻ ở quận Ngô Quyền.
Tư duy ấy cần được mở rộng đến cấp cao hơn. Lãnh đạo địa phương cũng cần được đánh giá bằng kết quả cải cách cụ thể, tỷ lệ giữ chân người giỏi, và mức độ hài lòng thực chất của người dân.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội có một không hai - để kiến tạo nên một nền hành chính mới: Trách nhiệm - minh bạch - hiệu quả. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới”. Bởi giữ người tài - không chỉ là giải pháp trước mắt, mà là nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
BẢO PHƯƠNG
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-vi-mot-nen-hanh-chinh-phung-su-nhan-dan-post411360.html