Chị Lô Thị Là (bên trái), Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An), thăm hội viên tại bản Huồi Thợ
Hụt hẫng nhưng tin tưởng và chấp hành
"Công tác Hội luôn là nơi tôi nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài", chị Phạm Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), chia sẻ. Gắn bó với phong trào phụ nữ của địa phương từ vị trí Chi hội trưởng rồi trở thành Phó Chủ tịch một tổ chức chính trị-xã hội cấp cơ sở, chị Huế là một trong hàng trăm ngàn người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ không tiếp tục công việc từ ngày 1/8/2025.
"Khi biết tin, tôi buồn và hụt hẫng. Chúng tôi làm nhiều nhưng phụ cấp không đáng kể, bảo hiểm chưa đầy đủ. Nay lại dừng công việc đã gắn bó bao năm… Nhưng tôi vẫn tin vào quyết sách của Đảng, Nhà nước", chị Huế nói.
Năm 2023, sau nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thành (xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), chị Phạm Thị Huế được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp. Với tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chị Huế luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ và được ghi nhận.
Trước khi có chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ ngày 1/8/2025, chị Huế luôn nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với công tác Hội, sẽ cống hiến hết mình. Thế nên, khi nhận được tin, cảm giác buồn và tiếc nuối, với chị, cũng là điều dễ hiểu.
Buồn, nuối tiếc cũng là tâm trạng của bà Kiều Thị Loát (51 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Loát đã có 12 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân. Với đặc thù công việc của mình, trong suốt quá trình công tác, bà Loát đã từng tiếp xúc với nhiều người, tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế của các hội viên.
"Chứng kiến những đồng vốn vay do Hội Nông dân cung cấp giúp đời sống kinh tế của các hội viên phát triển hơn, bản thân tôi cảm thấy rất vui. Đó cũng là lý do 12 năm qua, tôi luôn gắn bó và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình", bà Loát tâm sự.
Luôn sẵn sàng tuân thủ các quyết nghị của Đảng và Nhà nước nhưng điều khiến bà Loát cảm thấy nuối tiếc là việc bà còn 4 năm nữa mới đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương theo quy định sau khi nghỉ. Ở tuổi 51, bà Loát cho rằng bản thân vẫn còn sức và trí lực để tiếp tục cống hiến.
Bà Vũ Thị Vân (phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thăm hỏi hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
"Khi biết người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ không còn tiếp tục vị trí công tác từ ngày 1/8/2025, tôi thấy hụt hẫng. Nhưng đây là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, tôi cũng rất ủng hộ. Tôi từng có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, đến năm 2017 thì đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từ đó đến nay. Tôi mong muốn sẽ được cấp trên bố trí công việc mới ở thôn", bà Vũ Thị Vân (53 tuổi) tâm sự.
Kỳ vọng sẽ là đội ngũ cán bộ kế cận tại xã nên những năm qua, chị Vi Thị Hoài (35 tuổi), Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), đã không ngừng học tập, hoàn thành tấm bằng đại học và hoàn thiện các chứng chỉ khác.
Đi lên từ cán bộ thôn, bản rồi làm công việc bán chuyên trách ở xã Ngọc Lâm từ năm 2016, hiện chị Hoài vẫn là cán bộ Mặt trận của bản Mà, xã Ngọc Lâm. Với năng lực của mình, chị Hoài hy vọng sau khi tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính, chí vẫn được bố trí công việc ở thôn bản.
Chị Vi Thị Hoài (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), trao sinh kế cho hội viên phụ nữ xã Ngọc Lâm
Sẵn sàng chuyển đổi
Bên cạnh những người mong muốn tiếp tục được bố trí công việc sau khi tinh gọn bộ máy, nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở cho biết, đây sẽ là thời điểm mở ra cho họ một cánh cửa mới. Anh Lê Đình Thành (32 tuổi), Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Long (huyện Ninh Giang, Hải Dương), tham gia công tác Đoàn thanh niên từ năm 2015.
Năm 2023, anh được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Long. Suốt thời gian tham gia công tác Đoàn, anh Thành được đánh giá là người kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết. "Nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn, được gặp gỡ, giao lưu với bao người, có bao nhiêu kỷ niệm mà sắp tới không làm công việc đó nữa nên cảm xúc của tôi rất khó tả", anh Thành chia sẻ.
Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Long thừa nhận, cảm giác chông chênh ban đầu khi kết thúc công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm là không tránh khỏi nhưng anh tin mình sẽ vượt qua được. Anh Thành dự định sẽ đầu tư vốn để mở rộng quy mô mô hình kinh doanh vận tải của gia đình. Theo anh Thành, kinh doanh vận tải và tham gia công tác Đoàn là công việc được anh thực hiện song song từ nhiều năm qua.
Là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) từ năm 2020, chị Lô Thị Là cho biết, cả 2 vợ chồng chị đều là người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Mới đây, lãnh đạo UBND xã đã gặp gỡ những người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn để động viên cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng.
"Tôi mới 33 tuổi, vẫn còn nhiều năm cống hiến và mong muốn được tiếp tục cống hiến. Nếu không tiếp tục được bố trí công việc tại thôn, tôi sẽ đi làm công nhân bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp nhiều và đó cũng là một lựa chọn tốt", chị Là chia sẻ.
Sẵn sàng thích nghi và chuyển đổi cũng là điều mà chị Phạm Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp, tự tin khẳng định. Theo chị Huế, nếu không được tiếp tục bố trí công việc ở thôn, bản, chị sẽ cùng chồng phát triển kinh tế gia đình theo hướng trồng trọt, chăn nuôi.
Hơn 400 ngàn người hoạt động không chuyên trách
Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ: "Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định".
Theo Bộ Nội vụ, đến hết năm 2021, cả nước có 436.617 người hoạt động không chuyên trách tại xã, thôn, tổ dân phố. Thời gian qua, số lượng tăng thêm 7.418 người. Như vậy, ước tính cả nước hiện có hơn 444.000 người hoạt động không chuyên trách.
Với việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, đồng thời có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã thì sẽ có nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ nghỉ việc bởi dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Bởi những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố không nằm trong nhóm đối tượng áp dụng và không được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định 178 cũng như Nghị định 67.
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy, theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền.
Chế độ với người hoạt động không chuyên trách khi nghỉ công tác
Với các quy định hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được giải quyết theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp như sau:
- Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
- Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Nhóm PV